Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2025

Chúa nhật lễ Hiển Linh

 


CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH


Tin Mừng : Mt 2, 1-12.
“Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Ngài.”

Bạn thân mến,
Đọc bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy nổi bật lên hai khuôn mặt thật của hai loại người: một là khuôn mặt dối trá thâm hiểm của vua Hê-rô-đê, hai là khuôn mặt ngây thơ thật thà và thành kính của ba nhà hiền sĩ đến từ phương Đông.
Khuôn mặt dối trá và thâm hiểm của vua Hê-rô-đê đã đánh lừa được những người hiền lành chất phác, nhưng ông ta không thể đánh lừa được Thiên Chúa, những mưu mô tận đáy lòng của ông đã không che giấu được con mắt của Thiên Chúa, là Đấng luôn nhìn thấy và che chở những người hiền lành. Ông ta đã thất bại chua cay vì có Chúa can thiệp và phá vỡ âm mưu thâm hiểm của ông ta.
Khuôn mặt ngây thơ thật thà và thành kính của ba nhà hiền sĩ đã cho chúng ta thấy các ông là những người yêu thích và luôn tìm kiếm chân lý trong cuộc sống của mình. Thái độ và khuôn mặt thật thà ấy đã làm cho vua Hê-rô-đê hí hửng vui mừng vì rất dễ dàng đánh lừa được họ, nhưng chính Thiên Chúa đã không để những người thành tâm tìm kiếm chân lý bị người khác lợi dụng bắt nạt, Ngài đã ra tay cứu giúp, và các vị hiền sĩ trở về quê nhà cách bình an...
Bạn thân mến,
Trong con người của bạn và tôi đều có hai khuôn mặt: khuôn mặt của Hê-rô-đê tàn ác và khuôn mặt thành kính thật thà của ba nhà hiền sĩ...
Khuôn mặt tàn ác đã làm cho chúng ta trở thành những tên lừa dối anh em chị em của mình, khuôn mặt gian thâm này đã làm cho chúng ta không nhìn thấy được thiện chí của tha nhân, nên chúng ta vẫn cứ mãi lừa dối và mưu hại anh em và người khác để thoả mãn lòng tham của mình. Trái lại, khuôn mặt thành kính thật thà nơi bạn và tôi sẽ làm cho nhiều người nhận ra Đức Chúa Ki-tô đang hiện diện và hoạt động trong thái độ thân tình, yêu mến và khiêm tốn của chúng ta, và đó chính là một sự chọn lựa: chọn khuôn mặt của Hê-rô-đê hay chọn khuôn mặt của các nhà hiền sĩ, tất cả đều lệ thuộc vào đức tin và cuộc sống của mình mà thôi.
Lễ Hiển Linh là ngày Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, có nghĩa là ơn cứu độ của Thiên Chúa không dành cho một ai, nhưng là hể ai thành tâm đón nhận Tin Mừng thì sẽ được ơn cứu độ.
Thành tâm đón nhận Tin Mừng như ba nhà hiền sĩ phương Đông, hoặc thành tâm đón nhận Tin Mừng như các mục đồng của thành Bê-lem là đón nhận, và trở thành những ánh sao lạ chiếu soi Tin Mừng của Chúa cho mọi người, đó cũng là sứ điệp truyền giáo mà Giáo Hội đang ngày đêm thúc giục chúng ta, hãy làm tất cả những gì có thể để Lời Chúa được mau chạy đến với các linh hồn vậy.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 74.          NẰM ĐẤT UỐNG RƯỢU

Hai cha con đem từ quán rượu về một hủ rượu, bởi vì đường trơn trợt sau cơn mưa, nên đứa con vì không cẩn thận nên bị ngã xuống đất, tất cả rượu đều từ từ đổ ra kêu “tỏm tỏm” trên đất.

Ông cha thấy vậy thì giận dữ, nhưng đứa con thì nằm phục trên đất uống rượu, ngẫng đầu lên thấy cha mình liền nói:

-      “Mau đến uống, lẽ nào cha còn đợi đem thức nhắm đến sao ?”

(Thời Hưng tiếu thoại)

 

Suy tư 74:

        Có người say từ quán say về tới nhà đập đánh vợ con; có người say xỉn say từ nhà thờ ra ngoài đường; có người uống rượu nơi quán chưa đã về nhà uống tiếp chửi mắng xóm giềng; lại có người say đến quên cả đường về nhà.v.v... tất cả cái say xỉn ấy đều bắt đầu bằng một lý do vui và buồn. Vui thì uống chia vui, buồn thì uống để giải cơn sầu, thế là nhân cách của con người bị rượu làm biến chất trở thành đối tượng chê cười cho mọi người.

        Có người khi uống rượu thì giải thích Thánh Kinh như sau: Đức Chúa Giê-su cũng uống rượu và...nhảy đầm, thế là họ xả láng uống và quay cuồng trong điệu nhạc xập xình; có người “giỏi” giáo lý hơn giải thích như sau: thời đại của Đức       Chúa Giê-su cũng uống rượu với người thu thuế tội lỗi, thế là họ đi tìm bạn nhậu bất kể người tốt hay người xấu để uống rượu...

        Say rượu thì xấu lắm, xấu về thân xác và xấu về tâm hồn, cho nên người Ki-tô hữu luôn biết dùng Lời Chúa để tự kiềm chế mình khi vui và khi buồn, để không trở thành gương mù cho người khác, nhất là cho trẻ em.

    Không lấy lời Chúa để biện minh cho việc làm sai trái của mình.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 73.          MỜI UỐNG TRÀ GIỮ LẠI TẮM

Chủ nhân mời khách đến uống trà, khổ nỗi không có trà lá, bèn sai đứa con nhỏ qua hàng xóm mượn, đứa nhỏ đi rất lâu mà chưa trở về.

Nước trong ấm sôi sùng sục ông ta bèn thêm nước lạnh vào, thêm, thêm và thêm nữa, nước trong ấm đầy tràn mà đứa con ham chơi cũng chưa về.

Bà vợ nói với chồng:

-      “Kiểu này thì uống trà không thành rồi, thôi thì mời khách ở lại tắm cái rồi về vậy !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

 

Suy tư 73:

        Chuẩn bị là khâu quan trọng nhất, bởi vì nếu không chuẩn bị thì tất cả mọi chương trình, tổ chức, kế hoạch đều không được suôn sẻ và tốt đẹp. Thử tưởng tượng một chương trình đại nhạc hội nếu không chuẩn bị thì sẽ như thế nào ?

        Trước khi mời khách đến nhà dùng cơm hoặc dùng trà thì người mời sẽ chuẩn bị đầy đủ, không ai đợi khách đến rồi mới coi trong nhà có gì không để đãi khách, như thế là bất lịch sự, không tôn trọng khách, cũng có nghĩa là không chuẩn bị kỷ càng.

        Có một vài cha sở không chuẩn bị bài giảng, gặp đâu phang đó, bổn cũ soạn lại, nên giáo dân chán ngấy bài giảng và chán luôn cả cha sở vì các ngài coi thường giáo dân của mình: coi thường là vì các ngài nghĩ rằng nói gì cũng là lời của Chúa, coi thường là vì các ngài nhìn giáo dân bằng cặp mắt của cấp trên: giảng như thế đó nghe được thì nghe, nghe không được thì thôi. Thế là giáo dân ngày càng ít đến nhà thờ nghe giảng, hoặc khi cha giảng thì bỏ ra ngoài hút thuốc, tán dóc...

        Mời khách uống trà rồi kêu khách tắm luôn vì trà không có mà nước thì nhiều, thì giống như giảng lễ mà không chuẩn bị nên giống như tra tấn lỗ tai giáo dân, bởibài giảng không phải là lời tự trong tâm của các ngài phát ra, nhưng từ trong cái kiêu ngạo của một tâm hồn thờ ơ với Lời Chúa mà phát ra, đó là điều mà giáo dân trong thời đại ngày nay rất là không hoan nghênh, không chấp nhận và không...ý kiến, bởi vì đó là điều mà tất cả những người “nấu cơm” đãi khách đều biết, huống gì là “nấu thức ăn Lời Chúa” cho mọi thành phần dân Chúa...

        Ai cũng thông cảm cho người nấu ăn vì phải vất vả nấu nướng, nhưng không phải vì thế mà người nấu ăn coi thường khách quý mà mình mời đến ăn cơm.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Lễ Đức Ma-ri-a - Mẹ Thiên Chúa

 


Ngày 1 tháng 1

LỄ ĐỨC MẸ MA-RI-A - MẸ THIÊN CHÚA

 

Tin Mừng: Lc 2, 16-21.

Các người chăn chiên gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và Hài Nhi. Được đủ tám ngày, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su”.

 

Bạn thân mến,

Công đồng Ê-phê-sô (năm 431) đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đã chọn Đức Mẹ làm mẹ của Đấng cứu thế là Đức Chúa Giê-su, và đồng thời đề cao vai trò của Mẹ trong trong việc đồng công cứu chuộc loài người với con mình là Đức Chúa Giê-su.

 

1.      Đức Chúa Giê-su- Thiên Chúa làm người.

Đức Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, sinh bởi cung lòng đức trinh nữ Ma-ri-a, do đó Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người như chúng ta, chính Ngài là Đấng Mê-si-a mà muôn dân trông đợi, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo là Đấng sẽ đến để cứu nhân loại khỏi bóng đêm tội. Chính Ngài trong bản tính Thiên Chúa thì là Thiên Chúa đồng bản tính với Chúa Đức Cha và Đức Chúa Thánh Thần, trong bản tính nhân loại thì Ngài là con của Đức Trinh nữ Ma-ri-a mà công đồng Ni-xê-a (325) đã long trọng tuyên bố và xác tín, và mỗi ngày chúa nhật hay lễ trọng, chúng ta đều tuyên xưng trong thánh lễ...

Như vậy, với các chứng cớ xác thực trên thì Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, Ngài thật sự là con duy nhất của Đức Trinh nữ Ma-ri-a, do đó Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ của Ngài và cũng là Mẹ Thiên Chúa.

 

2.      Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa

Không ai thấy được Thiên Chúa, nhưng việc giáng sinh của Đức Chúa Giê-su là một hồng phúc cho nhân loại, vì qua Ngài mà nhân loại thấy được Thiên Chúa vốn không một ai có thể thấy, qua Ngài chúng ta thấy được tình yêu trọn vẹn mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại chúng ta.

Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ thật của Đức Chúa Giê-su, cho nên Mẹ cũng là Mẹ Thiên Chúa, như lời tiên tri I-sai-a đã loan báo: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. (Is 7, 14) Đấng Em-ma-nu-en ấy chính là Đức Chúa Giê-su, được Đức Mẹ Ma-ri-a sinh hạ trong hang lừa máng cỏ tại Bê-lem. Chỉ có làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Ma-ri-a mới ghi nhớ trong lòng những mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã thực trên con người của Mẹ, và nhất là nơi những lời nói và việc làm của Đức Chúa Giê-su như lời thánh Lu-ca đã viết: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. (Lc 2, 19)

 

3.      Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ của chúng ta

Thánh Gioan tông đồ, người đã tận mắt chứng kiến cái chết của Đức Chúa Giê-su đã tường thuật lại: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con cùa Bà”, rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh”, kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 26-27)

Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một người mẹ sinh ra mình, nhưng chúng ta lại càng diễm phúc hơn khi có một người mẹ trên trời hằng yêu thương chăm sóc chúng ta, đó là Đức Mẹ Ma-ri-a. Mẹ không những là mẹ mà còn là Đấng cầu bàu cho chúng ta rất có thần thế trước mặt Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy luôn tin tưởng và phó thác cuộc sống của mình cho Mẹ, bởi vì ngay khi chúng ta còn là tội nhân thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, huống hồ là Đức Mẹ Ma-ri-a, với tấm lòng người mẹ, nhất định Mẹ sẽ không bao giờ để con cái mình phải bơ vơ đau khổ ở đời này.

 

Bạn thân mến,

Mừng kính lễ Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa, là chúng ta trân trọng công việc đồng công cứu chuộc loài người nơi Mẹ, là chúng ta tôn vinh Mẹ là nữ tỳ khiêm hạ được Thiên Chúa tôn lên làm Mẹ của Ngài, và là kho tàng mọi ân sủng của Thiên Chúa ban cho nhân loại.

Mừng kính lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phải luôn học hỏi các gương lành của Mẹ, nhất là nhân đức khiêm tốn và vâng phục, chính hai nhân đức này mà Thiên Chúa đã nhắc Mẹ lên tận trời cao trên các thiên thần, và ưu ái đặt Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


72.          NƯỚC TẮM SÚC MIỆNG

Có người nọ tắm trong nhà tắm, lấy tay bưng nước tắm súc miệng, những khách tắm đều nhướng mày kinh ngạc, có người nói:

-      “Sao anh không chú trọng đến vệ sinh sạch sẽ hử ?”

Người ấy chấp tay nói:

-      “Thì súc miệng xong tôi nhổ ra bên ngoài cũng được vậy !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

 

Suy tư 72:

        Cuộc sống của con người ta ngày càng văn minh thì càng lo lắng đến vấn đề vệ sinh, bởi vì ai cũng sợ mắc bệnh, sợ chết, sợ ô nhiễm...

        Vì sợ chết mà con người ta càng chú trọng đến vấn đề vệ sinh phần xác, nhưng hình như rất ít người chú trọng đến vệ sinh phần hồn. Vệ sinh phần hồn là tránh đừng để cho thói xấu xâm nhập vào trong tâm hồn, tránh đến gần những nơi có thể làm cho linh hồn bị ô nhiễm như đi hát kara-ok, đi uống cà phê ôm, đi chích choác xì ke ma túy, như chơi bời với bạn bè xấu.v.v...

        Bệnh tật -nhất là bệnh truyền nhiễm- thì không kiêng dè một ai, người khỏe mạnh cũng như người ốm yếu đều có thể lây bệnh như si da, như ho lao, như HIV, như cúm gà, covid vũ hán.v.v...

        Cũng vậy, có nhiều người Ki- hữu nói rằng mình luôn đi xưng tội, mình luôn đi rước lễ, mình luôn đi tham dự thánh lễ, cho nên không sợ “lây tội”, và thế là cứ giao du với bạn bè xấu, cứ thoải mái đùa với lửa khi đi uống cà phê ôm, và họ đang bị nhiễm bệnh mà không biết. Dù là linh mục, dù là tu sĩ nam nữ, dù là thánh sống thì cũng luôn đề phòng bệnh truyền nhiễm lây lan đến tâm hồn của mình, cho nên họ càng ra sức gìn giữ vệ sinh phần hồn của mình.

        Nước tắm là nước nhơ bẩn dù cho súc miệng xong thì nhổ ra ngoài, nhổ nước ra nhưng con vi trùng bệnh đã nhập vào trong thân thể rồi; cũng vậy, có người Ki-tô hữu nói mắc tội thì đi xưng tội có sao đâu, dù xưng tội hằng ngày mà không xa tránh dịp tội, không chừa tội thì có ích chi, bởi vì tâm hồn đã nhiễm bệnh rồi...

Bệnh truyền nhiễm rất đáng sợ, và tội lỗi thì càng đáng sợ hơn, ai có trí óc thì suy liền hiểu !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


71.          CẮP BÁT MỜI KHÁCH

Nhà nọ mời khách, thức ăn rất ư là đơn giản, xương nhiều thịt ít, khách nói:

-      “Bát thức ăn nhà ngài chắc là đi ăn cắp về phải không ?”

Chủ nhân ngạc nhiên kinh sợ hỏi:

-      “Tại sao anh lại nói như thế ?”

Khách trả lời:

-      “Tại tôi nghe người hàng xóm khi gây lộn chửi nhau đều nói: ‘Cắp bát của tôi để mà đựng xương ấy mà !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

 

Suy tư 71:

        Thời nay, mời khách cũng lắm chuyện đáng nói :

-Có người mời khách để xin xỏ ân huệ.

-Có người mời khách để khoe cái giàu sang của mình.

-Có người mời khách để kết bạn.

-Có người mời khách để trả ơn.

-Có người mời khách vì vui mừng con cái thi đổ...

-Có người mời khách để tiễn biệt.

-Có người mời khách vì đoàn tụ...

Tất cả mọi việc mời khách đều có lý do của nó, mà lý do nào cũng là bày tỏ tình cảm –ít nữa là tình cảm cá nhân của mình- cho nên không lạ gì thường có chuyện mời khách quen khách lạ...

        Nhưng cái lạ nhất khi mời khách chính là mời những người nghèo khó đến làm khách quý của mình, khi mà họ không có gì đáng để cho chúng ta nhờ vả, đó cũng là điều mà Đức Chúa Giê-su đã nhắn nhủ chúng ta: khi mời khách thì mời những người không có dịp mời lại mình, mời những người thường mang ơn của mình, đó chính là kiểu mời khách đích thực vậy.

        Ai làm được điều đó, thưa những người Ki-tô hữu đều làm được kiểu mời khách lạ lùng ấy, bởi vì họ biết rằng: khách chính là hình ảnh của Đức Chúa Giêsu đến với gia đình của mình, nhất là những vị khách quê mùa, nghèo khó...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 70.          CƯA MỘT LY RƯỢU

Chủ nhân dọn tiệc đãi khách, lấy rượu rót vào nửa ly rượu, khách ngước mặt chăm chú nhìn cái ly, nói:

-      “Ly này rất sâu nên cưa đi một đoạn”.

Chủ nhà hỏi:

-      “Tại sao ?”

Khách trả lời:

-      “Nửa phía trên không có rượu, cần gì phải dùng nó chứ ?”

(Thời Hưng tiếu thoại)

 

Suy tư 70:

        Khi rót nước mời khách thì các trẻ em được dạy rằng đừng rót đầy ngang miệng ly, vì như thế khách cầm ly không phải sợ nước tràn ra, đó cũng là một cung cách phục vụ có lịch sự.

        Trong cách xử thế với người cũng vậy, đừng thái quá và cũng đừng bất cập quá, bởi vì thái quá thì làm đầy tràn s khó chịu của người khác, bất cập quá thì làm cho tâm hồn người khác cảm thấy bất an. Đừng làm đi quá đà của vui vẻ, vì đi quá đà thì hậu quả sẽ khốc liệt, bởi vì con người ta thường hay sa ngã trong những lúc vui vẻ; cũng đừng làm cho niềm vui chợt bùng lên rồi vụt tắt, vì như thế thì phá hoại tình thân giữa người với người, bởi vì sự vui vẻ là hạnh phúc của mọi người, và con người ta thường bực tức khi có người phá đám niềm vui của họ...

        Mỗi người Ki-tô hữu là một cái ly chứa niềm vui cho mọi người, niềm vui này người Ki hữu không rót tràn quá miệng ly để rồi niềm vui trở thành sự ân hận, họ cũng không ích kỷ rót chút ít như bố thí, bởi vì một tâm hồn quảng đại và chừng mực sẽ được Thiên Chúa rót thêm đầy khi họ cho đi.

        Cưa bỏ phần trên của cái ly tức là phá luôn cả cái đẹp trong tâm hồn của mình vậy, do đó, chỉ có những người không muốn mình là niềm vui cho mọi người mới làm như thế mà thôi.

        Uổng thật, chứ không phải chuyện đùa cho vui !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)