Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Chúa nhật 5 thường niên

CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN





Tin mừng : Mt 5, 13-16.
“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”.

Anh chị em thân mến,
Người Ki-tô hữu được gọi là ánh sáng cho đời và là muối ướp đời, bởi vì chính những người Ki-tô hữu –qua bí tích Rửa Tội- đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đức  Chúa Giê-su, đó là cùng chết cho tội lỗi và cùng sống lại với Ngài.

Đốt đèn lên thì đặt trên cao để soi sáng cho cả nhà, và nhờ có ánh sáng mà người ta mới nhìn thấy mọi sự để hoàn tất công việc mình đang làm, cũng như mới thấy đường mà đi, đó là một sự thật mà ai cũng biết.

Ánh sáng chính là hành động bác ái.
Người Ki-tô hữu là ánh sáng cho đời khi chúng ta biết hành động theo lương tâm, và hết lòng yêu mến tha nhân trong cuộc sống của mình, chúng ta không đốt đèn rồi đội trên đầu để chiếu sáng mọi người, nhưng chúng ta thắp đèn bằng lửa yêu mến của Đức Chúa Giê-su ở trong lòng chúng ta, rồi từ tấm lòng nhân hậu ấy mà mọi hành động và thái độ của chúng ta khi tiếp xúc trò chuyện với tha nhân, chính là ngọn đèn sáng chiếu soi cho mọi người thấy rõ Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc đời.

Có nhiều loại ánh sáng: ánh sáng mặt trăng, ánh sáng mặt trời và ánh sáng của các vì sao; có loại ánh sáng bằng đèn điện cũng như có loại ánh sáng bằng đèn dầu, nhưng tất cả những loại ánh sáng ấy được sáng lên theo thời theo gian của ban ngày hoặc ban đêm. Nhưng ánh sáng phát xuất từ tâm hồn của người Ki-tô hữu thì không phân biệt ngày đêm, giàu nghèo, thời tiết lạnh nóng.v.v... bất kỳ ở đâu và lúc nào, thì người Ki-tô hữu cũng có thể chiếu sáng tinh thần Phúc Âm cho mọi người thấy, để qua ánh sáng là việc làm bác ái cụ thể ấy, mà người ta nhận ra được khuôn mặt của Thiên Chúa cũng như tình yêu của Ngài trên con người chúng ta...

Muối là bảo quản và chữa thương.
Muối cũng vậy, rất cần thiết cho thân thể của con người, cũng như rất cần thiết cho việc bảo quản thịt cá tươi, bởi vì nó mặn.

Người Ki-tô hữu chúng ta không chỉ là muối ướp cho tình cảm giữa người với nhau thêm mặn nồng, nhưng còn có bổn phận bảo quản gìn giữ những tình cảm ấy ngày càng gắn chặt hơn, bởi vì sẽ không có gì bảo đảm cho một tình cảm, nếu không có sự chân thành và sự tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa.

Muối thì rất mặn, và vì mặn nên mới có thể giữ cho thịt cá được tươi, cuộc sống của người Ki-tô hữu vốn là bác ái và phục vụ, tức là muối mặn vừa giữ cho tình cảm giữa người với nhau được đầm ấm, vừa là rửa sạch vết thương lòng của tha nhân khi họ bị người khác hiểu lầm, vu cáo, hãm hại. Là mẫu gương làm cho người tội lỗi phải xét lại đời sống phóng túng của mình, bởi vì đời sống yêu thương và phục vụ của người Ki-tô hữu chính là muối xát mạnh rát tận tâm hồn của họ.

Anh chị em thân mến,
Ở đời, ai cũng mong được làm lãnh đạo chỉ huy người khác, nhưng ít người muốn trở thành ánh sáng và muối cho tha nhân, bởi vì ai cũng thích ánh sáng nhưng không thích làm ánh sáng, ai cũng thích ăn thịt cá tươi ngon nhưng không ai muốn làm muối ướp đời...

Chúng ta là Ki-tô hữu, nghe theo lời của Đức Chúa Giê-su dạy bảo, chúng ta phải trở nên ánh sáng cho đời và nên muối mặn ướp tình tha nhân, bằng chính cuộc sống bác ái, hy sinh và phục vụ của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Lấy trắng trả đỏ

LẤY TRẮNG TRẢ ĐỎ


Tham quân lục sự ở Quảng Châu là Liễu Khánh, tính tham lam quá quắc, ông ta ở một mình một phòng, bất luận là thứ gì dù nhỏ đến đâu cũng không dám bỏ ngoài phòng, sợ trộm lấy mất tiêu.
Có một lần, có tên thủ hạ tự ý lấy một nhúm muối của ông ta, ông ta nhất định đòi phải trả tới cùng, tên thủ hạ ấy không có gì để trả, bị đánh máu tươi chảy đầm đìa, Liễu Khánh hằm hằm dữ tợn nói: “Lấy trắng thì trả đỏ”.
                               (Triều Dã Thiểm Tải)

Suy tư:
     Các thánh tử đạo không hề ăn trộm cũng không hề mắc nợ gì của các vua chúa quan quyền thế gian, nhưng các ngài cứ bị họ đánh đập thịt nát xương tan và cuối cùng thì bị chém đầu, bởi vì tâm hồn của các ngài không thuộc về họ, các ngài đã hy sinh để làm chứng cho đức tin vào Thiên Chúa của mình.
     Các ngài không lấy oán báo oán, cũng không lấy máu trả nợ máu, nhưng các ngài lấy sự tha thứ để khống chế hận thù, lấy yêu thương để xoá lấp những ngăn cách giữa lương và giáo. Các ngài không vay họ, nhưng các ngài trả ơn cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”  Một lời cầu xin ơn tha thứ cho kẻ giết mình là một hành vi trả ơn rất tình người của các ngài, và chắc chắn rằng, hồng ân của Thiên Chúa -qua lời cầu xin của các ngài- sẽ đụng đến tâm hồn của kẻ ác, và biết đâu rằng trong số những kẻ ác và lý hình ấy cũng sẽ có người tuyên xưng: họ đúng là những người con của Thiên Chúa, như viên đội trưởng cất tiếng tôn vinh Đức Chúa Giê-su khi lấy ngọn giáo đâm cạnh sườn Ngài sau khi Chúa Giêsu tắt thở, nói: “Người này đích thực là người công chính”.

     “Lạy Đức Chúa Giê-su, chúng con thường hay lấy oán báo ân, thường lấy ích kỷ để đáp lại sự quãng đại của anh em chị em, cho nên chúng con luôn trở thành người mắc nợ công bằng với mọi người. Xin Chúa ban cho chúng con có một tâm hồn quãng đại bao dung, để chúng con biết sống chan hoà với hết mọi người, để chúng con biết sống chân thành với tha nhân. Amen”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Nuốt ruồi mửa thịt

NUỐT RUỒI MỬA THỊT


Hạ Hầu Bưu tính tình rất độc ác, một năm nọ vào mùa hè, ông ta ngồi ăn thịt một mình, người đầy tớ rất thèm, bèn lợi dụng lúc ông ta tiển khách ra ngoài, thì lén ăn một miếng.
Ông ta phát hiện được thì rất nổi giận, bèn bắt rất nhiều ruồi bức ép người đầy tớ ăn, và nói:
-      “Để mày mửa ra, trả cho tao miếng thịt ấy”.
                                       (Triều Dã Thiểm Tải)

Suy tư:
     Không ai độc ác đến độ bắt con người ta ăn ruồi nhưng phải mửa ra thịt mà trả nợ, chỉ có những tên đại gian ác và đại hà tiện mới làm như thế.
     Trong đời sống thiêng liêng thì không phải như vậy, Thiên Chúa không bắt chúng ta trả nợ, nhưng Lòng Thương Xót của Chúa bắt mỗi người chúng ta –tự thâm tâm- phải đền trả cho cân xứng mối thâm tình này -anh sẽ rất xấu hổ khi anh phản bội lại tình yêu chân thành của người yêu, và lúc đó, tự anh đày đoạ anh chứ người yêu không bắt anh phải đày đoạ- đây là nợ ân tình.
     Chúng ta nợ ân tình với Thiên Chúa.
     Đến ngày phán xét sẽ có hai kẻ tố cáo chúng ta trước toà án Thiên Chúa: một là Lòng Thương Xót của Chúa và hai là ma quỷ.
Lòng Thương Xót của Chúa thì không ồn ào ầm ỉ như ma quỷ, bởi vì tội nhân đã thấy rất rõ những sai trái của mình, những bội phản của mình đối với tình yêu của Chúa, nhưng lời tố cáo của ma quỷ thì ầm ỉ và làm cho chúng ta xấu hổ nhục nhã, chúng nó sẽ tố với Chúa như thế này: nó đã được Chúa yêu thương hơn chúng tôi nhưng nó vẫn không nghe lời Ngài, nó phải xuống ở với chúng tôi; nó đã đắm mình trong hưởng thụ xác thịt không màng đến lương thực Hằng Sống của Ngài, nó phải bị trầm luân đời đời như chúng tôi; nó đã coi thường tất cả các bí tích như những phương thế để giúp nó hưởng phúc thiên đàng, giờ thì nó phải chịu phạt đời đời mới phải.v.v...
     Hối hận ăn năn vì lời tố cáo của Lòng Thương Xót, và xấu hổ nhục nhã vì lời tố cáo của ma quỷ.

Tất cả mọi việc đã muộn màng khi con người ra trước toà án công thẳng của Thiên Chúa, bởi vì chúng ta đã “ăn” những con ruồi (tội lỗi) thì không thể nào mửa ra những miếng thịt (ơn tha tội) được.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Lấy việc xấu làm trò đùa

LẤY VIỆC XẤU LÀM TRÒ ĐÙA


Bắc Tế Cao Dương Vương vào triều, hoàng đế hỏi ông ta cái gì là sung sướng nhất.
Cao Dương Vương nói:
-         “Nhìn thấy người bị ong càng đốt chết thì quả là hứng thú !”
Thế là hoàng đế cho tập họp tất cả các loại ong rừng lại, chỉ một ngày mà được năm đấu, rồi đem tất cả bầy ong ấy bỏ vào trong cái bồn tắm lớn, bắt một người cởi áo ra mà tắm.
Người ấy không biết gì nên mở nắp bồn tắm ra, lập tức tất cả ong rừng đều bay đến vây quanh anh ta, không bao lâu liền bị ong càng đốt kêu oa oa, nhức nhối chịu không nổi, một lúc sau thì chết, hoàng đế và Cao Dương Vương ngồi một bên liên tục nói:
-      “Khoái quá, khoái quá !”
                           (Triều Dã Thiểm Tải)
Suy tư:
     Vua Hê-rô-de vừa uống rượu chúc thọ vừa ra lệnh chém đầu thánh Gioan Tẩy Giả.
Vua Nê-ron vừa uống rượu vừa thưởng thức những màn giác đấu không công bằng giữa những người Ki-tô hữu bị trói tay chân trên cột với các loại ác thú trên hí trường.
Vui cười trên những đau khổ của người khác là một việc không nên làm, bắt người khác đày đoạ khổ sở để tăng thêm phần hứng thú cho mình uống rượu, thoả mãn thú tính của mình là một tội ác tày trời, thánh Phao-lô đã dạy chúng ta: “Vui với người vui, khóc với người khóc” 
Thời nay không còn cảnh vừa uống rượu vừa ra lệnh chém đầu, nhưng vẫn còn cảnh nhậu nhẹt rồi đi đến tội ác thì vẫn đầy dẫy khắp nơi; thời nay không còn cảnh vừa ngâm thơ uống rượu vừa coi thú dữ cắn xé người vô tội, nhưng vẫn còn cảnh cười vui hí hửng trên những đau khổ của người anh em chị em.
Có người rất vui vẻ hả hê khi người anh em chị em bị sa cơ thất thế; có người đến nhà thờ xin lễ tạ ơn vì nhà người hàng xóm vừa bị cháy; có người trong bụng vui như mở cờ nhưng ngoài mặt thì làm bộ sầu bi khi người đồng nghiệp vừa bị cho về vườn.v.v...

Người Ki-tô hữu là người biết rất rõ giá trị to lớn của sự đau khổ, sự đau khổ này được học từ nơi thập giá của Đức Chúa Giê-su, Đấng đã bị đau khổ nơi thân xác lẫn trong tâm hồn vì tội lỗi của nhân loại, cho nên họ chia sẻ và cảm thông sâu sắc với những đau khổ của người anh em chị em, họ biết chia vui với người vui và chia buồn với người đau khổ, và như thế họ đã thông phần vào sự đau khổ của Đức Chúa Giê-su rồi vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Chúa nhật 4 thường niên


CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 5, 1-12a.
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”.

Anh chị em thân mến,
Khoa học kỷ thuật ngày càng phát triển, mức sống con người ngày càng cao thì con người càng có nhu cầu hưởng thụ, do đó mà con người ta càng xa cách Thiên Chúa hơn. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Chúa Giê-su đã đưa ra cho chúng ta một chương trình hành động cụ thể trong một xã hội hưởng thụ, bon chen, đầy những tội ác và bất công, chương trình hành động ấy được mở đầu bằng mối phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó...” và kết thúc bằng mối phúc: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính...”

Nghèo là một hạnh phúc vì Thiên Chúa luôn bênh vực và đứng về phía người nghèo, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã chọn lấy thân phận nghèo hèn để sống giữa chúng ta và dạy cho chúng ta biết rằng, nghèo khó chính là một hạnh phúc và bình an của những ai yêu mến và thành tâm tìm kiếm Nước Trời. Người nghèo chân chính là người sống bình an trong cảnh nghèo của mình với ân sủng của Thiên Chúa, là người không mơ tưởng đến của cải, danh vọng của người khác...

Hiền lành là một hạnh phúc vì Đức Chúa Giê-su đã sống như thế và dạy chúng ta sống như thế khi Ngài nói: “Hãy học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Người hiền lành thì được Thiên Chúa chúc phúc cho hưởng gia nghiệp Nước Trời, và bời vì hiền lành chính là đầu dây của sự hòa thuận và yêu thương.

Đau khổ vì bị ngược đãi là một hạnh phúc, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã bị người ta ngược đãi khi rao giảng tin vui Nước Trời, chính Ngài là người bị ngược đãi cách bất công nhất khi tay Ngài đã chúc phúc và chữa lành bệnh tật cho nhiều người. Những ai vì danh Đức Chúa Giê-su mà bị ngược đãi và đau khổ, sẽ trở nên giống Ngài hơn khi bị người khác đem những bất công trút trên đầu mình.

Khao khát nên người công chính là một hạnh phúc bởi vì Đức Chúa Giê-su là người vì sự công chính mà bị đóng đinh vào thập giá. Sống giữa một xã hội đầy những bon chen, mưu mô, gian dối, mà tìm được sự công chính của Thiên Chúa thì đúng là một hạnh phúc, sự công chính này không phải từ nơi tòa án của người đời, nhưng là nơi sự lương thiện của lương tâm và sự khao khát tìm kiếm Nước Trời như một cứu cánh, để trở nên chứng nhân cho Tin Mừng.

Xót thương người là một hạnh phúc vì Đức Chúa Giê-su đã xót thương mọi người, xót thương anh La-gia-rô đã chết, xót thương đứa con một của bà góa thành Na-im, xót thương những người tội lỗi và những người đang sống trong những nổi bất hạnh. Người biết xót thương người thì sẽ được Thiên Chúa xót thương, đó là quả phúc lành mà ai gieo thì sẽ gặt được trong cuộc sống của họ, bởi vì người biết xót thương đến những bất hạnh của tha nhân, thì cũng là người đã nhiều lần suy niệm đến tình thương của Thiên Chúa đã dành cho họ.

Tâm hồn trong sạch là một hạnh phúc vì xã hội càng văn minh thì những cơn cám dỗ càng tinh vi hơn và hiện đại hơn. Khi một xã hội với nhiều cạm bẩy làm cho người tu sĩ lỗi đức khiết tịnh, làm cho người vợ người chồng lỗi đạo phu thê, thì sống trong sạch là một lý tưởng tuyệt vời cho mọi người. Đức Chúa Giê-su đã sống đời trong sạch không tì ố dù Ngài đang tiếp xúc với nhiều hạng người, sự trong sạch này đã cảm hóa được cô Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, đã cảm hóa được người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và làm cho nhiều người noi gương Ngài sống đời trong sạch trong bổn phận của mình.

Xây dựng hòa bình là một hạnh phúc vì đó là niềm mơ ước của mọi người, là bài ca vui mừng của các thiên thần hát vang khi Đức Chúa Giê-su sinh ra: bình an dưới thế cho loài người Chúa thương. Người có bình an trong tâm hồn là người biết xây dựng bình an giữa xã hội, là người biết đem bình an đến cho mọi người bằng lời nói thiện chí và cử chỉ thân thiện, chứ không gắt gỏng và chua ngoa, là phục vụ chứ không sai khiến.

Bị bách hại vì sống công chính là một hạnh phúc đó là điều làm cho chúng ta nên giống Đức Chúa Giê-su hơn, như Đức Chúa Giê-su đã sống công chính, đã nói sự thật vì công chính mà bị giết chết, thì những môn đệ của Ngài cũng phải như thế. Cuộc sống hôm nay đầy những lừa đảo và gian dối thì cuộc sống công chính càng bị bách hại, bị truy nã hơn, do đó mà khi chúng ta biết đứng thẳng vươn người lên giữa những dối gian, là chúng ta đã đến gần thập giá của Chúa Giê-su hơn.

Anh chị em thân mến,
Tám mối phúc thật là kim chỉ nam cho người Ki-tô hữu trở nên tốt lành thánh thiện như Đức Chúa Giê-su đã sống, tự nó –Tám mối phúc thật- là cõi phúc, nhưng nếu trong tâm hồn chúng ta không có Thiên Chúa, thì Tám mối phúc sẽ là những lời trêu đùa bỡn cợt, là cái đích để cho người đời công kích chúng ta.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.