Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2024

Chúa nhật 17 thường niên

 


CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Gn 6, 1-15
“Đức Chúa Giê-su cầm lấy bánh, rồi phân phát cho những người hiện diện, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý”.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su là Đấng hay thương xót, Ngài chạnh lòng thương vì thấy dân chúng đói khát khi đi theo nghe Ngài giảng dạy, với năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, Ngài đã nuôi hơn năm ngàn người ăn, một phép lạ với một ý nghĩa đặc biệt mà Đức Chúa Giê-su đã làm, để hướng dẫn chúng ta đến phép lạ vĩ đại hơn: phép lạ của bí tích Thánh Thể.

1. Lương thực phần xác.
Ngày hôm nay Đức Chúa Giê-su không hiện diện bằng thân xác để dạy dỗ và làm các phép lạ, nhưng Ngài đã trao quyền này lại cho các tông đồ, và các tông đồ đã trao quyền này lại cho các giám mục và các linh mục, quyền thay mặt Ngài để giáo huấn, cai quản và thánh hóa; Ngài không hiện diện bằng thể lý để làm phép lạ cho người đói ăn người khát uống, nhưng Ngài hiện diện trong chính chúng ta, thúc đẩy chúng ta thực hành đức ái với tha nhân...
Con người ta ai cũng có một quả tim bằng thịt, bởi vì bằng thịt nên nó biết chạnh lòng trước những đau khổ của tha nhân và của anh chị em; quả tim này biết xót xa trước những cảnh trái ngang cuộc đời của con người; quả tim này, bởi vì nó được cấu tạo bằng thịt và máu, cho nên nhịp đập của nó càng nhanh hơn khi đứng trước những cảnh đói nghèo của tha nhân.
Một em bé, năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ là hình ảnh rất sống động cho đức tin của chúng ta, và cho tình thương bác ái của chúng ta đối với anh chị em đang sống trong nổi bất hạnh nghèo đói. Chỉ là một em bé nhưng lòng quảng đại thì rất lớn biết chia sẻ với mọi người, chỉ năm chiếc bánh và hai con cá nhưng đã biến thành hơn năm ngàn khẩu phần cho hơn năm ngàn người ăn no nê.
Ngày hôm nay tinh thần quảng đại của em bé vẫn ở trong chúng ta khi chúng ta “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống”, mỗi một người trong chúng ta đều trở nên một em bé ngày xưa ấy, đem khẩu phần ăn mà mình có được chia sẻ với tha nhân, với người nghèo bất hạnh, thì phép lạ bánh hoá nhiều sẽ tái diễn ngay trong xã hội này. Chỉ cần mỗi người một tấm lòng bác ái, mỗi ngừơi một chén cơm, mỗi người một đồng bạc, cả thế giới đều như thế thì không những chỉ có năm ngàn người ăn mà là cả triệu triệu người được ăn no nê. Đó chính là phép lạ của tình yêu liên đới trong Đức Chúa Giê-su, đó là phép lạ giữa tình người với nhau, và hơn nữa đó chính là Đức Chúa Giê-su hoá thân trở thành chúng ta để chăm lo cho mọi người.

2. Lương thực phần hồn
Mỗi ngày phép lạ bánh hoá nhiều đều diễn ra trong thánh lễ trên bàn thờ, chỉ một tấm Bánh nhưng nuôi sống linh hồn cả tỉ người trên mặt đất, một phép lạ vĩ đại làm cho các thiên thần hết sức cung kính và thờ lạy khi linh mục đọc lời truyền phép “Này là Mình Thầy...Này là Máu Thầy...”
Càng kinh khiếp hơn khi phép lạ này được thực hiện bởi tay người phàm, bởi tay những con người tội lỗi bất toàn, đó là các linh mục của Đức Chúa Giê-su.
Mỗi ngày chúng ta đều được ăn no nê bánh bởi trời, bánh này là do hoa màu ruộng đất, do lao công của con người mà có, nhưng nhờ sự chết và sống lại của Đức Chúa Giê-su, nhờ quyền năng Thánh Thần, đã trở nên lễ vật hiến tế tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa Cha và trở nên của ăn uống nuôi sống linh hồn chúng ta. Nơi bí tích này, chúng ta được bồi dưỡng thân thể và linh hồn, để chúng ta tiếp tục sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho mỗi người chúng ta là “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống”.
Ai coi thường bí tích Thánh Thể và ai không muốn tham dự Bánh Hằng Sống thì không có sự sống của Đức Chúa Giê-su trong mình, và đương nhiên họ cũng không thể nào nhìn thấy Ngài trong người anh em bất hạnh, và càng không thể trở thành người thay mặt Chúa mà ban phát cóm bánh cho tha nhân, cho người bất hạnh.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đang sống trong một xã hội phồn vinh về vật chất, nhưng tinh thần Ki-tô giáo thì quá nghèo, cho nên chúng ta chưa thấy chạnh lòng trước những đau khổ của tha nhân, trong thánh lễ này, xin Chúa ban cho chúng ta có tâm hồn quảng đại để sống như Chúa dạy: yêu tha nhân như chính mình, để mỗi lần chúng ta tham dự tiệc thánh thiên quốc, đều nhìn thấy rõ những nhu cầu của tha nhân mà giúp đỡ.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


46.          VÁ CÁI LƯỚI TRÙM ĐẦU

Người nọ có cái lưới để để bao bối tóc nhưng bị rách, có người khuyên ông ta nên đi vá lại.

Người nọ bèn đi mời thợ may đến, sau khi an vị thì lấy tay chỉ cái lưới trùm trên đầu ra cho người thợ sửa, thợ may kêu ông ta lấy xuống, ông ta nói:

-         “Nếu lấy xuống thì nó sẽ đứt tán loạn sao ?”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 46:

Muốn sửa áo quần thì phải cởi ra đưa cho thợ may, muốn sửa cái lưới bối tóc trùm đầu hoặc sửa bất cứ thứ gì thì cũng phải cởi ra và đưa cho người thợ sửa, không muốn cởi ra để sửa thì dù có muốn sửa thì sửa cũng không được.

        Muốn sửa chữa một tật xấu hay một khuyết điểm thì cũng phải “cởi ra”, tức là phải xác định cái tật xấu của mình và quyết tâm sửa chữa.

        Có những người Ki-tô hữu khi vào tòa xưng tội, tức là muốn sửa chữa và làm lại cuộc sống của mình, nhưng không muốn “cởi tội” của mình ra cho cha giải tội biết, họ sợ cha giải tội biết tội của mình, họ sợ mắc cở với cha giải tội, họ sợ xưng tội lâu thì bị người khác nói là mình tội nhiều, cho nên họ vẫn giấu tội của mình mà không xưng ra. Và thế là họ không được tha tội khi ra khỏi tòa xưng tội.

        Không cởi áo ra thì không thể nào sửa áo được, không cởi cái lưới trùm đầu ra để sửa thì cái lưới cũng vẫn là cái lưới rách. Không thành tâm thú tội và không thành thật xưng tội thì tội sẽ chồng chất thêm tội mà thôi, và như thế cuộc sống thiêng liêng của họ cũng vẫn là cuộc sống đầy những bất an, ray rứt mà thôi.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


45.          CHỦ XỊ GÙ LƯNG

Có một anh gù lưng đi dự tiệc, thản nhiên đi lên ngồi bàn trên.

Sau khi khách khứa đến đầy đủ thì anh gù cảm thấy trong bụng không yên tâm, nên khiêm nhường xê dịch xuống bên đầu bàn.

Khách nói:

-         “Đại thúc gù, xin mời ngồi ở bàn đầu, cháu trai侄輩[1] đâu dám vượt quá địa vị”.

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 45 :

        Cái hay và đáng phục nhất của người khiêm tốn là biết sửa chữa mình khi thấy mình làm sai; cái đáng ghét nhất của người kiêu ngạo là thấy mình sai mà không chịu sửa sai, sáng và tối là ở đó vậy !

        Ở đời, có người dùng cái học thức của mình để chế nhạo và khinh dễ người khác vì họ thật thà chất phác; lại có người thích dùng cái ma giáo thủ đoạn để chế giễu người hiền lành, nhưng Thiên Chúa là Đấng luôn bênh vực những người đơn sơ thật thà và cô thế cô thân...

        Chữ nghĩa đầy mình nhưng đem chữ nghĩa để chơi xỏ anh em, thì chữ nghĩa sẽ trở thành bản cáo trạng tố cáo mình trước mặt Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chính là Đấng đã làm cho chữ nghĩa có giá trị khi tạo dựng con người và vũ trụ.

Dùng chữ nghĩa để chế giễu tha nhân là một hành động xấu xa, và sẽ trở thành độc ác khi dùng chữ nghĩa để chửi rủa anh em chị em của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Chữ “cháu trai侄輩” phát âm tiếng Hoa là  “zhi bei”, chữ “lưng thẳng直背” cũng phát âm là “zhi bei”, đồng âm khác nghĩa, người khách chơi chữ với anh gù...

 

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


44.          QUỲ MƯỢN BẠC

Có một người mượn bạn bè tiền để tham gia hội ngân[1], bạn bè từ chối không tham gia, nói:

-         “Nếu anh muốn tôi cho mượn tiền, chỉ có cách là quỳ xuống trước mặt tôi đây”.

Người mượn tiền liền quỳ xuống và người bạn ấy cho mượn tiền. Người bên cạnh nhìn thấy thì cười nhạo nói:

-         “Một chút tiền rồì cũng sẽ trả cho anh ta, tại sao lại coi thường chính mình vậy ?”

Người mượn tiền trả lời:

-         “Tôi sẽ không lỗ vốn, từ nay trở đi lúc anh ta đến đòi tiền, thì sẽ có nhiều ngày quỳ lạy tôi mà !”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 44:

        Mượn một ít tiền còm mà cũng cúi đầu quỳ lạy thì rõ là người hèn hoặc quá túng thiếu; cho mượn một chút tiền mà bắt người ta phải quỳ lạy là một người thất đức.

        Người đời hay phán đoán việc làm bên ngoài của người khác để rồi chê hoặc khen, nhưng người Ki-tô hữu thì luôn để sự phán đoán này cho Thiên Chúa, còn họ thì chỉ biết cầu nguyện cho anh chị em mình mà thôi.

Người khác thấy người hèn hạ thì khinh và thấy người sang thì trọng nể, nhưng trong con mắt của người Ki-tô hữu thì tất cả mọi người đều đáng được yêu mến và tôn trọng như nhau, bởi vì chính Đức Chúa Giê-su đã đổ máu và cứu chuộc tất cả mọi người không trừ một ai.

Quỳ xuống lạy để mượn một ít tiền –đôi lúc- cũng là một mưu mô của họ nên không đáng trách, nhưng quỳ xuống lạy đầu hàng ma quỷ và chước cám dỗ, thì không những đáng trách mà còn là một sự nhục mạ Thiên Chúa của người Ki-tô hữu...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Cách thức cùng nhau mượn tiền tạm thời của người xưa.

 

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 43.          GIA THUỘC ĐÁNH RẮM

Quan sứ đang ngồi trên công đường làm việc, đột nhiên trong đám thủ hạ gia thuộc có người đánh rắm . Quan sứ nói:

-         “Cái gì kêu vậy, mau cầm đến đây”.

Sai dịch đến trước đàn báo cáo:

-         “Lão gia, cái ấy cầm không được ạ !”

Quan sứ giận dữ nói:

-         “Mày không nên giả dối làm theo ý riêng, che chở tội phạm, nhất định phải thay ta cầm đến đây.”

Tên sai dịch bất đắc dĩ phải dùng giấy đi hốt bãi phân báo cáo:

-         “Chính phạm đã đào tẩu rồi, thôi thì bắt tất cả gia thuộc ở đây, xin lão gia xét đoán !”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 43:

        Ở đời, con người ta nếu có quyền thì tự nhiên có một cái gì đó oai oai làm cho người khác phải nể nang, đó là vì con người ta sống có tôn ti trật tự và tôn trọng chức vụ lẫn nhau, đó là điều đáng mừng. Nhưng, cái không vui của con người là khi người có quyền, có chức vụ lại không lấy đó làm niềm vinh dự để khiêm tốn phục vụ cho có tình người, nên vẫn cứ hống hách với người khác.

        Người có chức quyền mà không khiêm tốn thì hống hách bắt nạt người khác cách vô cớ để tỏ quyền uy của mình; người có chức quyền mà không khiêm tốn thì khiến cho người khác phải kính nhi viễn nhi mà không muốn đến gần, do đó mà có lúc trở thành cô đơn; người có chức quyền mà không có khiêm tốn thì là một quả bom không định giờ muốn nổ tung lúc nào cũng được, trước tiên là làm hại những người gần mình, sau đó là làm hại những người chung quanh.

        Người Ki-tô hữu luôn được học biết rằng: chức vụ là Thiên Chúa ban cho mình để phục vụ và để làm sáng danh Ngài, cho nên khi có chức vụ, có quyền thì họ luôn khiêm tốn, vui vẻ, chân tình phục vụ tha nhân và làm sáng danh Thiên Chúa qua chức vụ của mình.

        Hống hách, hạch họe là những từ xa lạ với người Ki-tô hữu có quyền và có chức vụ, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã sống và đã dạy như thế khi Ngài nói: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 26b. 27).

Hòa bình, yêu thương, phục vụ, hợp tác đều bởi đó mà ra !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


42.          KHĂN TRÙM ĐẦU CỦA ÔNG CHỦ NHÀ GIÀU

Ông chủ đất giàu có lấy cái khăn trùm đầu của mình và kêu người chăn trâu đem đi phơi nắng, người chăn trâu đem cái khăn móc trên sừng con trâu để phơi.

Con trâu ấy xuống khe suối uống nước, nhìn thấy trên sừng của mình phản chiếu lại cái khăn trùm đầu thì kinh khiếp, cất cao bốn vó phóng chạy.

Người chăn trâu vội vàng đuổi theo, nhìn thấy có người liền hỏi:

-         “Có thấy cái khăn móc trên sừng con trâu không ?”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 42:

        Ở đời, con người ta hơn nhau là do cái trí óc.

        Người có trí thì hỏi có thấy con trâu chạy qua đây không để tìm con trâu, người không trí thì tìm hỏi cái khăn, bởi vì người ta biết con trâu chứ không biết cái khăn móc trên sừng con trâu...

        Mục đích sống ở đời của người Ki-tô hữu là tìm và nhận biết Thiên Chúa là Cha và là Đấng tạo dựng muôn loài, chứ không phải là sống để tìm kiếm những thứ nay còn mai mất, mà thứ nay con mai mất thì giống như cái khăn móc trên sừng con trâu rơi chỗ nào cũng chẳng hay biết.

        Có nhiều người ngoại giáo ngạc nhiên khi nhìn thấy người Ki-tô hữu đầu tắt mặt tối đi tìm kiếm danh vọng vật chất, mà quên đi lễ ngày chúa nhật và tham gia cử hành các bí tích, họ càng ngạc nhiên hơn khi thấy có người Ki-tô hữu cùng với họ đi hỏi chuyện tương lai nơi các ông đồng bà bóng...!?

        Chiếc khăn của ông chủ móc trên sừng trâu không thể quý bằng con trâu, tìm tòi hiểu biết các môn thiên văn địa lý mà không nhận ra Thiên Chúa trong vũ trụ để tìm kiếm Ngài, thì cũng chẳng khác chi bỏ con trâu để hỏi tìm cái khăn.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


41.          TIỄN CHA CẦU QUAN

Có người hỏi người bạn:

-         “Phú ông được phong tước[1] và công tử con quan lão gia, ai sung sướng ?”

Bạn trả lời:

-         “Làm phú ông mà được phong tước thì tuổi tác đã cao, răng rụng rồi, cho nên làm công tử thì sướng nhất.”

Người ấy vội vàng đứng dậy bỏ chạy, người bạn chạy đuổi theo hỏi tại sao, anh ta nói:

-         “Tôi phải đưa phụ thân đi học để cầu quan !”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 41 :

        Làm công tử con quan hay làm phú ông được cấp bổng lộc, xét cho cùng thì ai cũng sung sướng cả, bởi vì cả hai đều được hưởng thụ của cải vật chất.

        Làm linh mục, tu sĩ nam nữ, hoặc làm giáo dân thì đều sung sướng cả, bởi vì mọi người đều được hưởng ân sủng của Thiên Chúa như nhau, bởi vì nhờ bí tích Rửa Tội chúng ta đều trở nên người thừa kế kho tàng ân sủng của Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế, có rất nhiều người không muốn gánh vác trách nhiệm của mình, tức là đem trách nhiệm và bổn phận của mình đổ trên đầu người khác để hưởng thụ những cái không xứng đáng với chức vụ của mình, như biến trách nhiệm linh mục của mình thành việc của giáo dân, đem trách nhiệm giáo dân của mình thành trách nhiệm của linh mục, cho nên cuộc sống cứ lẫn lộn trong vòng lẫn quẫn của đam mê...

        Tiễn cha đi học để mình làm công tử, chi bằng tự mình siêng năng học hành để được làm quan có sung sướng hơn không !

        Cứ sống chu toàn bổn phận của mình thì sung sướng và hạnh phúc, hơn là cứ nhìn chức vụ của người khác mà thèm thuồng tiếc rẻ.

Bình an trong tâm hồn là ở đó vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Người già được phong đất phong tước để hưởng thụ.