Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Chúa nhật 20 thường niên

CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN
 
 

Tin mừng : Lc 12, 49-53

“Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng là đem sự chia rẻ”.

Bạn thân mến,
Có nhiều người giáo dân thắc mắc về câu nói trong bài Tin Mừng hôm nay của Đức Chúa Giê-su: Ngài đến không phải để đem hòa bình nhưng đem sự chia rẻ. Như thế là Đức Chúa Giê-su tự mâu thuẩn với lời dạy của mình, bởi vì chỉ có ma quỷ mới đem chia rẻ đến cho người ta mà thôi.

Hoà bình không phải tự nhiên mà có nhưng phải nổ lực đấu tranh và có khi mất cả mạng sống của mình.

Đức Chúa Giê-su đến, chính Ngài là sự chia rẻ giữa các dân tộc như tiên tri Si-mê-on đã loan báo: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người chống báng…”[1]. Chia rẻ không có nghĩa là Ngài muốn thế gian chia rẻ nhau, nhưng con người ta sẽ vì tin vào Ngài mà chia rẻ nhau, và như thế “”những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra”[2] khi chính họ tin và nhận biết Đức Chúa Giê-su chính là Cứu Chúa của họ.

Do đó, những kẻ tin vào Đức Chúa Giê-su sẽ bị người ta bách hại, người bách hại đó có khi là người thân của mình, vì họ chưa nhận ra được chân lý từ Đức Chúa Giê-su nên họ chống đối khốc liệt khi người thân của họ tin vào Ngài. Mầm chia rẻ đã chớm rõ khi trong gia đình có người tin vào Đức Chúa Giê-su và có người còn giữ đạo ông bà hay tin một tôn giáo khác, ngay cả những người tin vào Đức Chúa Giê-su đã cảm thấy sự chia rẻ ngay trong gia đình, hạnh phúc và đau khổ lẫn lộn nơi con người của họ, hạnh phúc vì đã tìm được đường đi đến sự sống đời đời, hạnh phúc vì đã tìm được Thiên Chúa của mình; đau khổ là vì những người thân trong gia đình chưa biết Thiên Chúa, đau khổ vì mình tin vào Đức Chúa Giê-su mà gia đình bất hoà chia rẻ…

Vì thế, người tín hữu cần phải phấn đấu cho niềm tin của mình, phải chiến đấu với những cám dỗ do ma quỷ và thế gian khiêu chiến, để đem lại hoà bình cho gia đình và cho mọi người, phải chiến đấu không ngơi nghỉ với hồng ân của Thiên Chúa ban cho, tức là kiên trì với đức tin và sống gương mẫu theo tinh thần Phúc Âm của Chúa.

Hoà bình không phải chỉ nói bằng miệng, nhưng là được nói bằng con tim chân thành và thể hiện nơi hành động.

Đức Chúa Giê-su đến trong thế gian, Ngài không chỉ loan báo tin vui Nước Trời mà thôi, nhưng Ngài còn hành động với quả tim yêu thương chân thành. Ngài đã kiến tạo hoà bình trong tâm hồn của những ai đến với Ngài, bằng những lời lẽ mộc mạc đơn sơ dễ hiểu với hiến chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật[3].

Quả thật như thế, không một ai đến với Đức Chúa Giê-su mà tâm hồn không được bình an, bởi vì khi đến với Ngài người ta chỉ thấy Ngài là con người của hoà bình và của yêu thương, người ta lũ lượt tuôn đến với Ngài như đàn chiên đi sau người mục tử nhân hậu.

Hoà bình trong tâm hồn là hồng phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Con Một của mình là Đức Chúa Giê-su, và những ai chân thành kiến tạo hoà bình thì cũng sẽ được gọi là con của Thiên Chúa, đó là lời hứa của Đức Chúa Giê-su: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”[4], một lời hứa được đặt vào trong hiến chương của Nước Trời là một bảo đảm cho nhân loại.

Bạn thân mến,
Lửa mà Đức Chúa Giê-su đem đến trong thế gian không phải là lửa thiêu đốt phá hoại và gây chết chóc đau khổ cho nhân loại, nhưng đó là lửa yêu mến, lửa của tình yêu được xuất phát từ quả tim yêu thương nhân loại vô bờ bến của Ngài.

Lửa yêu thương này, Đức Chúa Giê-su muốn đốt –trước hết- là trong lòng của bạn và tôi, để khi ngọn lửa ấy phát sinh hiệu quả trong mình, thì bạn và tôi sẽ châm qua cho người khác bằng chính những việc làm bác ái yêu thương và phục vụ của chính mình.

Đừng để lửa trong tâm hồn chúng ta ra nguội lạnh, nhưng mỗi giây phút trong cuộc sống, chúng ta cầu xin Đức Chúa Giê-su gia tăng lửa yêu mến, để chúng ta kiến tạo hoà bình ở những nơi mà chúng ta đến phục vụ…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.


[1] Lc 2, 34.
[2] Lc 2, 35a.
[3] Mt 5, 3-12.
[4] Mt 5, 9.

Sau khi bị bỏng

SAU KHI BỊ BỎNG
 
 

Có một người ăn canh thịt còn đang nóng, nóng đến yết hầu và bao tử, từ đó trong lòng luôn có ý thức cảnh giác, nên khi nhìn thấy rau ngâm muối để nguội thái nhỏ cũng sợ nóng, kê miệng vào thổi mãi không ngừng !
(Sở Từ chương mục)

Suy tư:

     Bị tai nạn lật xe, lần sau không dám ngồi xe; bị rắn cắn rồi thì thấy cây trúc nhỏ cũng tưởng là rắn, đó là chuyện thường tình của những người…nhát gan.

     Đối với tội lỗi, đề cao cảnh giác là một công việc rất quan trọng, như người lính tiền đồn gác đêm, anh ta phải căng mắt lên mà nhìn, đầu óc thật tỉnh táo, đôi tai thật thính, tóm lại là cảnh giác 100% không thể lơ là. Tội lỗi là ma quỷ, ở đâu có ma quỷ là ở đó có tội lỗi, ma quỷ ở khắp nơi, ngay trong tu viện, trong nhà thờ, nơi công cộng, và ma quỷ ở ngay trong chúng ta, nếu chúng ta không đề cao cảnh giác với nó.

     Bị sa ngã lần thứ nhất thì phải đứng dậy, đề cao cảnh giác, không biện minh, không tìm lý do; bị sa ngã lần thứ hai, lần thứ ba.v.v...thì cũng phải đứng dậy và làm như lần đứng dậy lần trước: cầu nguyện, cảnh giác, không biện minh, không đổ lỗi cho người này người nọ, hoàn cảnh này hoàn cảnh nọ, nhưng tìm phương pháp chống trả, đó là sự khôn ngoan của người cảnh giác.

     Phương pháp hay nhất để đề cao cảnh giác với tội lỗi, đó là bí tích Giải Tội, bí tích Thánh Thể, cầu nguyện và làm việc hy sinh hãm mình.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Lễ Đức Mẹ Ma-ri-a Hồn Xác lên trời


ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
(Lễ trọng)
Tin mừng : Lc 1, 39-56
“Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”.
Bạn thân mến,
Hôm nay là lễ Đức Mẹ Ma-ri-a Hồn Xác lên trời, là một dịp lớn lao để mỗi người trong chúng ta suy niệm đến những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ Ma-ri-a, Mẹ là người giáo hữu ưu việt của Giáo Hội và là người được chọn để trở thành Đấng cầu bàu cho nhân loại.
  1. Người giáo hữu ưu việt.
Đức Mẹ Ma-ri-a là một giáo hữu ưu việt, ưu việt bởi vì chính Mẹ đã khiêm tốn trước một sự việc trọng đại xảy đến cho mình và cho nhân loại, đó là mang thai Đấng cứu thế; ưu việt là bởi vì Mẹ đã biết nghe và suy niệm trong lòng lời của Thiên Chúa.
Chính hai việc ấy: khiêm tốn và thực hành lời của Chúa đã làm cho Mẹ được vinh quang trên nước thiên đàng cũng như ở trên mặt đất, bởi vì Mẹ không coi việc cưu mang Đấng cứu thế là một vinh quang cho mình, nhưng sự khiêm tốn mới làm rạng danh Thiên Chúa nơi con người của Mẹ; Mẹ đã không coi việc báo tin vui Đấng muôn dân trông đợi đã giáng trần trong cung lòng Mẹ là một việc phải làm, nhưng nghe và suy niệm lời của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ mới là điều đáng làm hơn. Đó chính là hai nét nhân đức căn bản mà người Ki-tô hữu phải có để được trở thành người giáo hữu, biết noi gương và tiếp nối cuộc sống của Mẹ ở trần gian này.
  1. Đấng cầu bàu
Được Thiên Chúa chúc lành ngay khi còn ở trần gian trong bụng mẹ, Đức Mẹ Ma-ri-a cũng đã được Thiên Chúa cất nhắc lên tận trời cao để làm nữ vương trên trời dưới đất, với địa vị ấy và với uy quyền ấy, Mẹ đã trở thành Đấng cầu bàu cho Giáo Hội và cho những ai chạy đến cùng Mẹ.
Không ai có thần thế trước mặt Thiên Chúa như Đức Mẹ Ma-ri-a, bởi vì ngay khi còn ở trần gian này Mẹ đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa, vì thế khi Mẹ được cất nhắc lên trời cả hồn lẫn xác, thì chính đó là một cách tôn vinh của Thiên Chúa dành cho những ai khi còn sống ở trần gian này đã yêu mến và thực hành lời của Chúa…
Là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ của Hội Thánh và là Mẹ của nhân loại, nên việc Thiên Chúa đem Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác là chính đáng và rất xứng đáng, và càng chính đáng và xứng đáng hơn nữa khi Thiên Chúa đặt Mẹ làm đấng cầu bàu cho nhân loại. Chúng ta phải biết lợi dụng hồng ân cao quý này nơi Mẹ Ma-ri-a, để xin Mẹ luôn gìn giữ và che chở chúng ta khỏi mọi mưu mô của ác thần (Kh 12, 3-4).
Bạn thân mến,
Mừng kính lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, bạn và tôi không những chỉ cao rao tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua nơi con người của Mẹ, mà chúng ta cũng cần phải học hỏi các nhân đức của Mẹ ngay trong cuộc sống của chính bạn và tôi, như Mẹ đã yêu mến và thực hành lời của Thiên Chúa vậy.
Mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là chúng ta xác tín lại niềm tin của chúng ta vào Chúa Giê-su: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.
Chúng ta giữ đạo, chúng ta sống lành thánh, chúng ta sống bác ái yêu thương tha nhân là để đạt được mục đích tối hậu của mình: lên trời hưởng nhan thánh Chúa và Mẹ Ma-ri-a. Do đó sẽ trở thành huyền thoại khi chúng ta chỉ đứng chiêm ngưỡng đặc ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ mà thôi, chứ không suy niệm cuộc đời tận hiến của Mẹ, và những đức hạnh trỗi vượt mà Mẹ đã thực hành với tất cả lòng khiêm nhường và mến yêu.
Xin Đức Mẹ Ma-ri-a luôn cầu bàu cho chúng ta, khi còn ở đời này biết yêu mến những sự trên trời, để sống như đang sống với Mẹ trên trời vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 

 

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Người nước Tống điều khiển ngựa

NGƯỜI NƯỚC TỐNG ĐIỀU KHIỂN NGỰA
 
 

Nước Tống có người điều khiển xe ngựa.

Một hôm, ông ta muốn đem xe đi kéo đồ vật, bèn dắt lại một con ngựa, thắng càng lên xe, nhưng con ngựa không muốn đi về phía trước, lấy roi đánh cũng vô ích, người ấy liền nổi giận, chém một nhát rụng đầu ngựa, vứt trong khe núi.

Ông ta lại tiếp tục bắt con ngựa khác kéo, nó vẫn không dám tiến lên phía trước, ông ta lại càng thêm nổi giận, đầu ngựa lại lăn xuống khe núi.

Cứ thế, giết liên tục ba con ngựa, chiếc xe cũng không thắng càng được.
(Luận Hoành)

Suy tư:

     Trong thời gian giúp xứ tại một họ đạo ở quận Nhất - Saigon, chuyên môn của tôi là dạy giáo lý cho trẻ em cũng như cho người lớn, tôi rất nóng giận khi một em nào  -bất kỳ gái hay trai- không nghe lời dạy, và sẵn sàng “lên lớp” ngay với nét mặt không vui.

Có một hôm, cha sở tôi –ngài là một nhà giáo dục- nói với tôi:"Làm công tác giáo dục, là công việc hệ trọng, không phải một sáng một chiều mà trẻ em nó nên người tốt, làm công tác giáo dục đòi buộc thầy phải kiên nhẫn, có khi một năm, hai năm, hoặc ba, bốn chục năm sau trẻ mới hiểu lời dạy, và trở nên người tốt, thầy phải kiên nhẫn và kiên nhẫn”.

Việc giáo dục không phải một sớm một chiều mà thành công, cũng không phải là do sự nóng giận mà thành công, nhưng là do thời gian và sự kiên trì dạy dỗ của những người có trách nhiệm. Đó cũng chính là phương pháp mà Thiên Chúa đã dùng để dạy dỗ dân Ngài tuyển chọn là Ít-ra-en; đó cũng là cách thức mà Thiên Chúa đã dùng để dạy mỗi người trong chúng ta. Bởi vì chúng ta cũng như những đứa trẻ ngỗ nghịch không thèm nghe lời dạy của Ngài, hôm nay nghe ngày mai quên, nghe tai này bỏ qua tai kia, và đến khi có chuyện gì đó xảy ra, chúng ta mới nhớ lại lời của Ngài, nhưng Thiên Chúa vẫn cứ lấy lòng nhân ái yêu thương và kiên nhẫn để dạy dỗ chúng ta...

Người nước Tống vì nóng nảy vô cớ mà giết chết ba con ngựa của mình, cũng vậy, nóng giận trong lúc dạy dỗ thì chẳng được ích lợi gì cả, chỉ có yêu thương, hiền hòa và nhiệt tình mới cảm hóa được mọi người.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Triển lãm hang đá

TRIỂN LÃM HANG ĐÁ
 
 

     Đứa em vừa đi coi “đường” hang đá bên quận 8 thành phố Sài Gòn về khoe với anh:

-“Đẹp, quá đẹp các nhà thờ ở trong thành phố không có hang đá nào đẹp như bên đó, người đi coi đông ơi là đông”.

Người anh nói:

-“Chắc tốn nhiều tiền lắm”.

-“Khỏi phải nói, em nghe nói cái hang đá “nghèo nhất” cũng khoảng năm triệu đồng trở lên…”

Người anh nói thầm: không biết Chúa buồn hay vui, vì số tiền bỏ ra để làm hang đá ấy, có thể giúp cho rất nhiều hài nhi Giê-su con nhà nghèo trong các con hẽm của quận 8 này.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Nguyên tắc của cha sở

NGUYÊN TẮC CỦA CHA SỞ
 
 

      Anh ở Sài gòn lấy vợ miền quê cách xa ba bốn trăm cây số, đi lại khó khăn, lại thêm hai người đều bận việc ở công ty tại thành phố.

Cha sở miền quê bắt buộc đôi bạn trẻ từ Sài gòn ra trước một ngày để tập nghi thức hôn phối, đôi bạn trẻ…méo mặt vì phải tốn quá nhiều thời gian đi lại, chỉ vì tập một nghi thức đơn giản theo nguyên tắc của cha sở.
Nếu cha sở đặt mình vào hoàn cảnh của đôi bạn trẻ ấy, thì chắc ngài cũng méo mặt nói: cha cố gì quá nguyên tắc không có đức ái !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.