Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

Chúa nhật 2 mùa chay

 


CHÚA NHẬT II MÙA CHAY


Tin Mừng: Mc 9, 2-10
“Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi”.

Anh chị em thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su dẫn ba môn đệ mà Ngài yêu quý cách đặc biệt lên một ngọn núi và tỏ cho các ông thấy được vinh quang rạng ngời của Ngài: mặt Ngài sáng như ánh mặt trời, áo Ngài trắng như tuyết. Đúng là một quang cảnh mà nằm mơ cũng không thấy được, nhưng các ông đã thấy và ngây ngất sung sướng không nói nên lời, chỉ có ông Phê-rô lên tiếng: “Thưa thầy, chúng con ở đây thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều...” Và rồi ông Phê-rô không muốn trở lại với cuộc sống đời thường nữa, ông đã quên mất thực tế đang chờ trước mắt của ông là cuộc sống nay đây mai đó không chỗ gối đầu với thầy của mình, và với những tranh biện ghen ghét của những người Pha-ri-siêu và các kinh sư, ký lục.
Cuộc sống có rất nhiều điều để cho con người chúng ta ước mơ, có người ước mơ được có công ăn việc làm đang khi thất nghiệp; có người ước mơ có cơm ngày ba bữa trong khi gia đình nghèo đói; có người mơ được ở trong căn nhà khang trang so với mái nhà ổ chuột đang ở; có người mơ được vợ đẹp con ngoan. Tất cả cuộc sống đều là ước mơ, và ước mơ này cắm mốc hy vọng cho con người.
Có những lúc chúng ta giữ đạo như trong mơ, chúng ta mơ đến một thiên đàng vĩnh cửu bất diệt và hạnh phúc, nhưng cái vĩnh cửu bất diệt và hạnh phúc ấy đang tuỳ thuộc vào thực tại mà chúng ta đang sống, đó là chấp nhận một cuộc sống gian nan với thân phận của người có niềm tin vào Thiên Chúa. Chúng ta mơ đến ngày Thiên Chúa xuất hiện và sẽ nhốt sa-tan muôn đời trong hoả ngục không cho nó tung hoành trên địa cầu, nhưng cái thực tại trước mắt là sa-tan đang thống trị địa cầu với sự dữ, chết chóc và tội lỗi đang tăng dần trong thế giới ngày nay, cái thực tại này đòi hỏi chúng ta phải thực tế hóa đời sống tín ngưỡng của chúng ta, thực tế hóa tín ngưỡng là nhìn thấy và chấp nhận một sự tồn tại của sự dữ để vươn lên đến sự trọn lành mà Đức Chúa Giê-su –trong thân phận con người- cũng đã thốt lên: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén đắng này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” . Chén đắng là sự dữ, là tội lỗi của nhân loại, của chúng ta.
“Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi.”
Ba tông đồ không còn thấy ai nữa, hai ông Ê-li-a và Môi-Sê biến đâu mất tiêu, chỉ còn lại một mình Đức Chúa Giê-su, và như thế cũng đã đủ cho các ông rồi, bởi vì các ông đi theo là đi theo Đức Chúa Giê-su, theo Đấng mà họ chỉ biết có tin tưởng và phó thác, mặc dù không biết ngày mai sẽ ra sao...
Trong cuộc sống của chúng ta cũng thế, chúng ta cầu nguyện rất nhiều, chúng ta làm việc hy sinh rất nhiều, chúng ta đọc kinh rất nhiều với hy vọng được ơn lành của Thiên Chúa ban cho để bù lại những việc làm mà chúng ta đã làm vì Chúa, vì anh em, vì tha nhân. Nhưng thực tế trước mắt thì chúng ta không nhận được gì cả, thậm chí, có lúc những việc ngoài ý muốn xảy đến cho chúng ta, cho gia đình chúng ta như con bệnh, vợ ốm, chồng thất nghiệp...
Anh chị em thân mến,
Đức tin mời gọi chúng ta sống tốt đẹp giây phút hiện tại, phó dâng giây phút hiện tại cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa; đức tin mời gọi và giúp chúng ta chấp nhận hiện tại, vượt qua mọi khó khăn để vươn tới một đích điểm cao hơn là được phục sinh với Đức Chúa Giê-su.
Người có đức tin trưởng thành là người sống thiên đàng mai sau ngay tại cuộc sống ở trần gian này.
Nguyện xin Đức Mẹ Ma-ri-a, Đấng luôn đồng hành với Đức Chúa Giê-su trên đường khổ nạn cầu bàu cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


14.      LẤY CỜ VÂY KHỐNG CHẾ GIẬN DỮ

Lý Nộ làm quan bộc xạ, thường ngày tính cách rất hấp tấp, nhưng rất thích đánh cờ thế, chỉ cần lúc đánh cờ thì tính tình lại nhu thuận khoan hòa, so với lúc bình thường thì giống như hai người.

Dó đó, để chế ngự Lý Nộ giận dữ, nên trước khi Lý Nộ sắp phát tác thì đem bàn cờ ra bỏ trước mặt ông ta, Lý Nộ chỉ cần nhìn thấy con cờ thì tất cả nộ khí đều biến mất, khi cầm con cờ bố trận tính toán thì tất cả chuyện trước kia đều quên mất.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 14 :

        Tính nóng nảy thì ai cũng có, nhưng người không biết kềm chế tính nóng thì hậu quả khó lường được, còn người biết chế ngự nó thì trở thành mẫu gương anh hùng trong trận chiến với cái tôi của mình và làm cho người khác cảm phục.

        Có người dùng cách đánh cờ tướng để chế ngự tính nóng; có người nghe âm nhạc để trị tính nóng của mình; có người thích đàn hát để kềm chế sự nóng tính của mình.v.v...tất cả những người biết kềm chế tính nóng nảy của mình đều là những người có tinh thần hướng thiện và cầu tiến...

        Chỉ cần nhìn bàn cờ mà Lý Nộ hết nổi nóng thì quả là người mê đánh cờ hơn cả mê vợ thương con, bởi vì vợ con không can nổi tính nóng của chồng bằng bàn cờ...

        Người Ki-tô hữu thì khác với Lý Nộ, bởi vì khi nổi nóng thì họ nhìn lên Đức Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá để chế ngự tính nóng của mình, bởi vì họ yêu mến Ngài hơn cái tôi nóng giận của mình gấp trăm gấp ngàn lần...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


13.      LÀM THƠ NIỆM PHẬT

Thi nhân thời nhà Đường là Trương Tịch rất sùng bái nhà thơ giỏi là Xã Bồ.

Một ngày nọ, ông ta lấy bài thơ của Xã Bồ đốt thành tro bụi trộn với mật và đem ăn, tự mình cầu nguyện:

-          “Bụng ruột của tôi từ nay sẽ đổi mới !”

Lại có người tên là Lý Động hâm mộ thơ của Giả Đảo bèn đúc một tượng đồng của Giả Đảo và đối đãi với nó như một tượng thần, lại còn niệm “Phật Giả Cao” mỗi ngày nữa chứ.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 13 :

        Mê thơ đến nỗi ăn thơ là chuyện bình thường, thích thơ đến nỗi tạc tượng của tác giả để thờ, và mỗi ngày đứng trước tượng để đọc thơ như tụng kinh thì cũng là chuyện không có gì đặc biệt, bởi vì thời nay cũng có những nhà thơ nhà văn được đúc tượng bằng đồng cũng như bằng thạch cao để cho người ta ngó chơi...

        Mê thơ đến nỗi ăn thơ mặc dù thơ chẳng làm cho họ được sống lâu thêm vài giây, còn người Ki-tô hữu thì yêu Lời Chúa nhưng lại không muốn muốt Lời Chúa vào trong tâm, dù Lời Chúa sẽ làm cho họ được sống đời đời, đó là chuyện mà người Ki-tô hữu phải suy nghĩ.

        Mê thơ đến nỗi đúc tượng nhà thơ dù tượng nhà thơ chẳng làm cho họ được giá trị trước mặt Thiên Chúa, còn người Ki-tô hữu đã có tượng rất thánh là Đức Chúa Giê-su, Đức Mẹ Ma-ri-a và thánh cả Giu-se ở trong nhà thờ, trong gia đình mình, nhưng lại không muốn đọc kinh trước tượng thánh, lại còn tỏ thái độ mắc cở khi cúi đầu trước tượng thánh Đức Mẹ hoặc thánh cả Giu-se.

        Người thế gian sùng bái thần tượng vô tri của họ cách nhiệt thành hơn cả chúng ta là người Ki-tô hữu-

Tại sao vậy ? Thưa, là vì đức tin của chúng ta, sự tôn kính Thiên Chúa của của chúng ta, chỉ dựa trên thời tiết bốn mùa xuân hạ thu đông để kính mến và thờ phượng Thiên Chúa...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


12.      MONG MUỐN KỲ LẠ TRƯỚC KHI CHẾT

Trịnh Tuyền trước khi chết thì nói với bạn bè:

“Sau khi tôi chết thì chôn tôi bên cạnh lò nấu gốm để làm người đầy tớ, đợi một trăm năm sau, có lẽ tôi có may mắn hóa thành đất sét dùng để làm bình rượu, đó thực là điều khiến tôi vừa lòng vừa ý vậy !”

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 12 :

        Có người trước khi chết thì ước mơ được...ăn miếng thịt chó rồi chết cũng đành; có người ước vọng trước khi chết thì được gặp mặt cha mẹ anh chị em lần cuối; có người ước mơ trước khi chết thì được thấy con mình dâng một thánh lễ mở tay rồi chết cũng mãn nguyện... tất cả những ước mơ ấy đều tốt, nhưng ít người ước mơ sau khi chết được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa trên thiên đàng.

        Ước mơ duy nhất trước khi chết của người Ki-tô hữu là: xin được chết an bình trong tình yêu của Thiên Chúa, đó là ước mơ rất chính đáng và đẹp lòng Thiên Chúa, ước mơ này bày tỏ một tâm hồn thánh thiện đạo đức, nhưng để đạt ước mơ đó người Ki-tô hữu cần phải thực hành lời của Đức Chúa Giê-su dạy, đó là biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình...

        Ước mơ được chôn bên lò gạch để trở thành đất sét thì là một ước mơ tuy kỳ quặc nhưng rất hợp với người thích uống rượu, bởi vì suốt đời họ là con sâu rượu, là đệ tử của lưu linh.

        Ước mơ được chết an bình trong tình yêu Thiên Chúa là ước mơ rất đáng ước mơ, vì nó bày tỏ một tâm hồn luôn biết phó thác vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa đối với họ trong cuộc sống đời này...

        Con người ta có rất nhiều ước mơ trước khi chết, nhưng ít có ai ước mơ được chết lành trong bình an của Thiên Chúa.

Còn anh, chị và tôi thì sao, có ước mơ nào trước khi chết ?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


11.      KHÔNG CÓ NGƯỜI ĐI THEO

Có ông hoạ sĩ Trầm Châu vẽ bức “Ngũ tả hành xuân” tặng cho thái thú nọ, sau khi coi thì ông thái thú rất là không vừa ý, nói:

-          “Lẽ nào ta xuất hành chỉ có một mình mà không có người nào đi theo ta sao ?”

Trầm Châu biết như thế thì vẽ bức tranh khác có người tuỳ tùng đưa đi và nói với thái thú:

-          “Chẳng may lụa quá ngắn nên chỉ vẽ cờ lọng đi trước được ba đôi mà thôi”.

Thái thú cười nói:

-          “Ba đôi, thì đại khái cũng được vậy”.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 11 :

        Quyền lực là ước mơ của những người thích thống trị và thích dạy đời thiên hạ, nên khi có chức quyền danh vọng thì đi đâu cũng phải có tiền hô hậu ủng, hoặc ít nữa là có một vài người đi theo cho oai, để cho mọi người biết rằng ta đây có nhiều...thủ hạ.

        Có người dùng quyền lực như là bàn đạp để tiến lên đài danh vọng, cho nên họ không từ thủ đoạn nào để đạt được mục đích của mình; có người suốt đời chạy theo quyền lực để rồi khi chết bị quyền lực đẩy xuống tận âm phủ; có người thích quyền lực đến nỗi trong cuộc sống gia đình đã dùng quyền lực để bắt vợ con cung phụng mình như ông hoàng; có người được chút quyền lực thì đi đến đâu cũng la ó hét hò tùm lum để bày tỏ cái uy quyền của mình...

        Tất cả những kiểu thích quyền lực trên đây đều do lòng tham lam và hiếu thắng của ma quỷ thúc giục.

        Người Ki-tô hữu luôn tin chắc rằng: quyền lực danh vọng là từ Thiên Chúa mà có, cho nên khi có quyền lực, địa vị, danh vọng thì họ hết sức phục vụ tha nhân, phục vụ anh em chị em trong tinh thần yêu mến của Đức Chúa Giê-su.

        Thời nay có những người có quyền lực khi đi đâu thì đều thích có tiền hô hậu ủng, phèng la trống đánh, thì đời sau chắc sẽ không được ca đoàn thiên sứ đàn hát tung hô đưa lên trời cao; thời nay người có quyền lực địa vị biết yêu thương giúp đỡ tha nhân, phục vụ anh em chị em, thì chắc chắn đời sau sẽ được Thiên Chúa tưởng thưởng xứng đáng trên trời cao.

        Quyền lực và tội ác chỉ cách nhau...ba hàng tiền hô hậu ủng, nhưng quyền lực và thiên đàng thì chỉ cách nhau có một quả tim mà thôi.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 19 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


10.      ĐIỀN VÀO CHỖ TRỐNG

Thái giám phòng bị ở Nam kinh tên là Cao Long, có người dâng cho ông ta một bức hoạ nổi tiếng, trên bức hoạ nổi tiếng ấy có một chỗ trống.

Cao Long không hiểu ý nghĩa của chỗ trống ấy nên chỉ chỗ trống ấy mà nói:

-          “Tốt, tốt lắm, ch này có thể vẽ thêm bức “Tam chiến Lữ Bố”.

                                                                        (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 10 :

        Có những bức hoạ người ta chỉ vẽ có một dấu phẩy mà bức hoạ rất có giá trị, có những bức hoạ người ta vẽ cả trăm con ngựa phi nước đại mà vẫn còn chỗ trống, hoặc có bức tranh vẽ cả trăm con chim đang bay mà vẫn còn không gian để điểm vài áng mây rất đẹp; có bức tranh vẽ kín không chừa một chỗ trống, có bức tranh vẽ chừa nhiều chỗ trống nhưng vẫn có nét hài hoà, đó là do bàn tay và trí sáng tạo của hoạ sĩ.

        Có chỗ trống chết người và chỗ trống làm cho con người thoải mái hạnh phúc.

        Con người là một bức hoạ tuyệt vời của Thiên Chúa, đời sống của con người được Thiên Chúa vẽ đầy những yêu thương với yêu thương nên không còn chỗ trống cho sự ghét ghen, nhưng ma quỷ đã lợi dụng những chỗ trống do con người tạo ra để phá hoại bức tranh ấy của Thiên Chúa, chỗ trống chết người nơi con người là sự rảnh rỗi không muốn làm việc, là để cho thời gian qua đi mà không làm một việc gì có ích cho tha nhân, cũng như cho đời sống tâm linh của mình:

- Các linh mục để trống thời giờ thì sẽ là mối lợi lớn cho ma quỷ tung hoành, bởi vì linh mục là người ban phát ân sủng của Thiên Chúa mà lại ăn không ngồi rỗi, không làm việc thì ma quỷ chẳng từ một việc xấu xa nào mà không làm nơi các ngài, cũng như nơi công việc truyền giáo của các ngài.

- Các tu sĩ nam nữ để trống thời giờ thì ma quỷ sẽ “vẽ” vào chỗ trống ấy những nét xấu xa thô lỗ tục tằn, làm mất đi vẽ đẹp bức tranh quý hiếm của Thiên Chúa là chính bản thân của mình.

- Giáo dân để trống thời giờ không chịu làm việc, không lợi dụng giờ rảnh rỗi để làm sáng danh Thiên Chúa, thì ma quỷ sẽ ngày ngày “đi uống cà phê” thưởng thức thành quả mà nó đã làm nơi giáo dân, đó là rảnh rỗi để ghét ghen, rảnh rỗi để tìm khuyết điểm của anh chị em mà nói xấu, rảnh rỗi để hưởng thụ, rảnh rỗi để hại người...

        “Điền vào chỗ trống” bằng những hành vi bác ái yêu thương là việc làm khôn ngoan đầy ân sủng Thánh Thần của người Ki-tô hữu trong mọi thời đại...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


9.      ĐIỂM KIM LOẠI THÀNH SẮT

Thời nhà Lương, Vương Tịch làm một bài thơ:

-          “Ve kêu rừng thêm tĩnh, chim hót núi càng lặng lẽ”.

Vương An Thạch đọc xong thì đổi lại:

-          “Một con chim không hót thì núi thêm lặng lẽ”.

Hoàng Đình Giám nhạo cười nói:

-          “Tay Vương Kinh An này (An Thạch) thật không hổ là “điểm kim loại thành sắt”.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 9 :

        Người có tài làm thơ thì múa bút thành thơ, cho nên cũng rất nhạy bén khi đọc một bài thơ...dở.

        Người có tâm hồn bác ái thì cũng sẽ rất nhạy cảm với công việc bác ái, và càng nhạy cảm hơn khi thấy những người bệnh hoạn không thuốc men, những người vô gia cư, những cụ già móm mém xin ăn bên vệ đường, bởi vì nơi họ tình yêu thương vời vợi của Thiên Chúa đang ngập tràn cung lòng của mình...

        Vương An Thạch chỉ sửa một hai chữ mà bài thơ nên giá trị, việc làm của người Ki-tô hữu sẽ có giá trị hơn khi vươn tay ra nâng đỡ người bất hạnh, và chính khi vươn tay ra là họ đã làm cho cuộc sống của người bất hạnh trở nên đẹp đẽ hơn cả bài thơ tuyệt tác, bởi vì đời sống của con người là một bài thơ tuyệt vời đã bị tội lỗi và sự dữ làm biến chất, và chỉ được phục hồi nơi Đức Chúa Giê-su và trong Giáo Hội của Ngài.

        Từ cát bụi Thiên Chúa đã “điểm” chúng ta thành con cái của Ngài, cũng vậy, những người bất hạnh bị người đời bỏ rơi sẽ trở nên có giá trị khi chúng ta vì tình yêu của Đức Chúa Giê-su mà giúp đỡ họ, đó chính là “điểm kim loại thành sắt” vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)