Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Chúa nhật 3 mùa vọng




CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Tin Mừng: Ga 1, 6-8; 19-28
“Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết”.

Anh chị em thân mến,
Sự thật vẫn luôn là sự thật, dù cho chúng ta chối bỏ nó, tẩy chay nó, thì nó vẫn là sự thật. Thánh Gioan Tiền Hô đến để làm chứng cho sự thật, sự thật mà thánh Gioan Tiền Hô làm chứng, không phải là một sự thật như nhiều người hiểu là sự thật của việc phải hay việc trái. Chứng của thánh Gioan Tiền Hô là sự thật, khi ông nói: "Tôi không phải là Đấng mà anh chị em trông đợi, tôi không phải là Đấng mà các tiên tri đã loan báo là sẽ đến, nhưng là người khác, người này đến sau tôi, nhưng có trước tôi, tôi, ngay cả cởi dây giày cho Ngài cũng không xứng". Đó là sự thật, sự thật đã được loan báo từ ngàn xưa, sự thật một trăm phần trăm, Đấng ấy là Mê-si-a, là Đấng Cứu Thế, là Thiên Chúa làm người, Ngài chính là Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Làm chứng, đó là trách nhiệm của người chứng kiến từ đầu đến cuối một sự việc; làm chứng là nói sự thật mình đã thấy, đã tin và đã sống. Trách nhiệm của thánh Gioan Tiền hô là làm chứng cho Đức Chúa Giê-su, trách nhiệm của ông đã hoàn tất khi Đức Chúa Giê-su xuất hiện công khai, và ông đi vào bóng tối của ngục tù, và cuối cùng chết cho sự thật.

Làm chứng, đó cũng là trách nhiệm của chúng ta –người Ki-tô hữu- hay nói cách khác, trách nhiệm của thánh Gioan Tiền hô ngày hôm nay được trao lại cho chúng ta, những người đã tin và đã sống cho niềm tin của mình vào Đức Chúa Ki-tô, chúng ta làm chứng rằng: có một Thiên Chúa, vì yêu thương nhân loại mà giáng sinh làm con người như chúng ta, đang ở giữa chúng ta, đã sống đã chết và đã sống lại hiển vinh, tất cả vì yêu thương chúng ta, đó là sự thật mà chúng ta đã, đang rao giảng và làm chứng giữa một xã hội vật chất và hoài nghi này.

Lời chứng này không những chúng ta vui mừng loan báo cho mọi người biết, chia sẻ cho mọi người biết bằng miệng lưỡi của mình, nhưng tuyệt vời hơn và hiệu quả hơn đó là làm chứng bằng chính cuộc sống của chúng ta là hy sinh, khiêm tốn và phục vụ trong yêu thương của Đức Chúa Giê-su.

Không một lời chứng nào mạnh mẽ và hữu hiệu cho bằng lấy chính đời sống của mình để làm chứng. Thánh Gioan Tiền Hô đã rơi đầu vì làm chứng cho sự thật; các thánh tông đồ đã tan xương nát thịt vì làm chứng cho niềm tin của mình, các thánh tử đạo cũng như thế, thà chết chứ không phản bội sự thật để làm chứng cho niềm tin của mình vào Đức Chúa Ki-tô, Đấng mà ông Gioan Tiền Hô đã không mắc cỡ khi ông tự hạ mình xuống trước công chúng và tuyên bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.”

Ngày hôm nay, lời chứng cần phải được thể hiện mạnh mẽ hơn nữa, bởi vì nhân loại đang sống trong “văn hóa sự chết” của sự hưởng thụ, họ không biết và không nhìn thấy một sự thật sẽ đến, đó là Đấng Mê-si-a sẽ đến lại lần thứ hai trong vinh quang. Người Ki-tô hữu hiểu điều đó hơn ai hết, cho nên chính chúng ta cần phải lấy chính đời sống của mình để làm chứng cho mọi người biết rằng: Đấng sẽ đến và đang đến không ai xa lạ chính là Đức Chúa Giê-su trong hang lừa máng cỏ năm xưa ở Bê-lem, và cũng là Đấng đã chết trên đồi Can-vê thảm sầu năm nọ.

Nhưng hôm nay, Ngài không đến trong hang lừa máng cỏ ở Bê-lem và Ngài cũng không còn chết ở đồi Can-vê nữa, nhưng Ngài đang đến nơi em bé không nhà cửa, Ngài đang đến nơi người già neo đơn tay chân run rẩy đang chờ chúng ta giúp đỡ, Ngài đang chết dần chết mòn trong những trại tập trung, trong những nơi u tối của xã hội, Ngài đang chết dần mòn trong những trại cai ma tuý cô đơn không đủ phương tiện chăm sóc...

Làm chứng là mạnh dạn nói lên sự thật mà không mắc cỡ rằng: tôi vẫn còn những khuyết điểm cần phải sửa chữa, tôi cần phải học hỏi nơi anh chị em nhiều điều, tôi cần phải trở nên người tốt hơn, đó chính là làm chứng cho niềm tin của mình vậy.

Anh chị em thân mến,
Chúa nhật III mùa vọng là Chúa Nhật của hy vọng, hy vọng vào Đấng sẽ đến sẽ mang lại hạnh phúc cho chúng ta, nhưng muốn được như vậy, chúng ta cần phải đem hy vọng của niềm tin của chúng ta cho người anh em chúng ta trước, hy vọng và ước mơ của họ rất đơn sơ, chúng ta rất dễ đáp ứng: họ hy vọng đêm nay có chén cơm ăn cho khỏi đói, họ hy vọng ngày mai có một cái áo mới cho con cái họ mừng lễ Giáng Sinh, họ hy vọng ai đó cho họ một nụ cười thông cảm sau những giây phút lỡ lầm.v.v... đó cũng là hy vọng của chính thánh cả Giu-se và Đức Mẹ Ma-ri-a ngày xưa khi hai ngài đi tìm nhà trọ để sinh hạ Đấng Cứu Thế là Đức Chúa Giê-su, nhưng không có một ai giúp đỡ để cho các ngài trú tạm qua đêm trong nhà mình...


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Thấy trước sự việc



THẤY TRƯỚC SỰ VIỆC
Một hôm, Thái Kinh mời tiến sĩ Trương đến dạy cho cháu nội học, nhưng ông tiến sĩ không dạy viết văn chương, mà chỉ dạy cho các cháu nội của ông ta học chạy bộ.
Mới đầu mấy đứa cháu nội ham chơi nên cứ theo đó mà làm, nhưng qua mấy ngày thì không chịu nổi nữa, bèn nói với thầy giáo dạy bài tập.
Tiến sĩ Trương lắc đầu nói:
-      “Không cần, phải tiếp tục luyện chạy bộ !”
Tụi nhỏ hỏi:
-      “Tại sao ?”
Tiến sĩ Trương trả lời:
-         “Tổ phụ, phụ thân của các ngươi đều là những người vừa gian trá vừa ngạo mạn, làm cho dân chúng phải khổ sở, đến một ngày nào đó nhân dân nhất định sẽ tìm họ mà tính sổ, các ngươi là con nít không có tội gì, nếu chạy được nhanh thì có lẽ giữ được tính mạng, bằng không thì chẳng có cách gì khác !”
                                               (Huy Trần lục)

Suy tư 75:
Người ta ai cũng tin rằng: làm việc lành thì tất phải được thưởng, làm việc dữ thì chắc chắn phải bị phạt. Nhưng người ta không thấy thưởng phạt bây giờ, cho nên người ta vẫn cứ làm theo cái ưa thích của giác quan mình: thích chửi là chửi, thích ăn trộm là ăn trộm, thích giết người là giết người.v.v...
Người Công giáo được Hội Thánh dạy rằng có thiên đàng để thưởng người lành và có hỏa ngục để phạt kẻ dữ, niềm tin này được củng cố thêm vì chính Đức Chúa Giê-su cũng đã xác nhận điều đó. Nhưng tin và thực hành đức tin lại là chuyện không giống nhau, bởi vì có những người Ki-tô hữu vẫn tin là có Chúa, nhưng trong cuộc sống của họ thì lại không có Chúa, họ vẫn cứ sống như người chưa bao giờ nghe đến Thiên Chúa.
Nhất định sẽ có ngày Thiên Chúa sẽ “tính sổ” với chúng ta, ngày đó nhất định sẽ tới, nhưng không biết lúc nào mà thôi; nhất định sẽ có ngày Thiên Chúa biểu dương những việc lành thánh thiện mà chúng ta đã làm cho anh em vì bác ái, ngày đó thì ai cũng biết, đó chính là ngày Thiên Chúa phán xét nhân loại.
Sẽ không có ai làm luật sư cãi tội thay cho chúng ta trong ngày ấy, chúng ta chỉ có thể “chạy tội” ngay từ bây giờ, chạy tội với một tâm hồn thống hối và ăn năn và thay đổi cuộc sống cho phù hợp với Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su.
Sẽ có một ngày nhân dân sẽ tính sổ những người tàn ác hại nước hại dân; cũng vậy, sẽ có một ngày Thiên Chúa sẽ tính sổ với chúng ta về những việc lành việc dữ mà chúng ta đối xử với anh chị em trong cuộc sống hôm nay, tại trần gian này.

Người Ki-tô hữu biết rất rõ những sự việc này !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Trị tiếng trùng ứng



TRỊ TIẾNG TRÙNG ỨNG (lặp lại)
Dương Huân vào tuổi trung niên thì mắc một bệnh lạ, cứ mỗi lần nói năng thù tiếp thì trong bụng hình như có tiếng lặp lại, không tới mấy năm thì tiếng lặp lại ấy càng ngày càng lớn.
Có một đạo sĩ nói: “Đây là loại trùng ứng tiếng, cần đọc sách thuốc nơi mục “dược thảo”, nếu đọc được phương thuốc có trùng không ứng tiếng thì có thể khắc phục được”.
Khi đọc đến phương thuốc “nốt sần rễ tre”, thì trùng đột nhiên không phát ra tiếng, thế là uống liền mấy phương thuốc “nốt sần rễ tre”, quả nhiên khỏi bệnh.
Có một người ăn mày cũng mắc bệnh ấy, thế là có người giới thiệu cho ông ta phương thuốc mà Dương Huân đã dùng qua, người ăn mày tạ ơn, nói:
-         “Tôi là người nghèo, không có tài cán gì khác để xin người cái ăn cái mặc, chỉ có dựa vào trùng lặp lại tiếng này ạ !”
                                (Năng Cải Trai mạn lục)

Suy tư:
     Người ta sẽ cười khi có người nói đọc sách mà lành bệnh, bởi vì khoa học càng ngày càng tiến bộ, làm việc gì cũng phải chứng minh cụ thể rõ ràng, bởi vì trên đời này mọi thứ thần dược đều phải được chế biến để trở thành phương thuốc trị bệnh.
     Nhưng người ta sẽ không dám cười nhạo khi thấy một thanh niên tên Âu-gút-tin thông thái đọc sách Thánh Kinh mà chữa trị được cơn bệnh đã ăn sâu vào trong máu trong thịt của ngài, người ta càng không dám cười nhưng rất kinh ngạc khi ngài không những thay đổi cuộc sống lành thánh tốt đẹp, mà còn trở thành vị giám mục thời danh của Giáo Hội và trở nên vị thánh lớn của Giáo Hội.
     Thánh Kinh là quyển sách thần dược chữa được mọi thứ bệnh trong tâm hồn của chúng ta, và nó cũng sẽ là liều độc dựơc cho những ai coi thường và tìm cách ngăn cản nó đến với mọi tâm hồn.
     Người Ki-tô hữu không xa lạ gì với quyển Thánh Kinh, nhưng cũng có rất nhiều người Ki-tô hữu chưa bao giờ cầm đến quyển Thánh Kinh, không phải vì họ không có, nhưng tâm hồn họ đầy ắp những lý luận khôn ngoan của thế gian, tâm hồn họ đầy ắp những suy tính của người đời, nên họ đã coi Thánh Kinh như là loại sách phong thần của những lão già và trẻ em thích đọc, thật tội nghiệp cho họ.
     Nhưng Thiên Chúa là vị bác sĩ tài ba, Ngài biết cách để chữa trị cho những người cứng lòng tin, Ngài cũng là một vị giáo sư giỏi, Ngài biết cách để dạy dỗ giáo huấn những người luôn phủ nhận Ngài trong cuộc sống...

     Ngài cũng sẽ là bác sĩ riêng của tôi, nếu mỗi ngày khi đọc Thánh Kinh tôi đều xác tín rằng Ngài đang dạy tôi qua những câu Kinh Thánh này.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Đổi thành họ Dương (dê)



ĐỔI THÀNH HỌ DƯƠNG (dê)
Ngày xưa, có một người tên là Lý Quả, một hôm có người sau khi ăn trộm dê, bèn đem đầu dê đến tặng cho ông ta.
Lý Quả không dám không nhận, nhưng sau khi nhận xong thì chỉ có nước là đem chôn nó.
Sau chuyện ấy thì tên ăn trộm bị phát giác, khai cung xét hỏi thì có liên quan đến Lý Quả, Lý Quả đem cái đầu dê đã chôn đào lên cho mọi người thấy, để chứng minh là mình đã không ăn đầu dê, nhưng đầu dê đã thối rữa, chỉ có thể nhìn thấy cái lưỡi dê mà thôi.
Lý Quả do giữ được cái lưỡi mà khỏi bị tống ngục, từ đó đổi họ Lý thành họ “Dương (dê)” .
                                     (Năng Cải Trai Mạn lục)

Suy tư:
     Lấy tên Đức Chúa Giê-su Ki-tô để gọi những người tin vào Ngài thật là chính đáng, và càng gây “ấn tượng” cho người khác hơn khi họ thấy người “Ki-tô hữu” sống như lời dạy của Đức Chúa Ki-tô dạy phải yêu thương tha nhân như chính mình.
     Khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội là chúng ta được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su, chúng ta có sự sống của Chúa trong mình, và chúng ta có một tên mới mà người thế gian gọi chúng ta là người Ki-tô hữu”.
     “Lạy Đức Chúa Giê-su Ki-tô, danh hiệu Chúa thì vượt trên mọi danh hiệu, khi nghe danh thánh Chúa thì cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ . Chúng con là những người tín hữu đã được hân hạnh mang trên mình danh thánh của Chúa –Ki-tô hữu- tức là Chúa muốn chúng con phải thật sự trở nên giống Chúa hơn trong cuộc sống ở đời này, giống Chúa hơn tức là biết yêu thương và phục vụ anh em chị em mình; giống Chúa hơn tức là diễn lại cuộc sống của Chúa ngay trong cuộc sống của con.

Xin Chúa cho chúng con luôn ý thức được hồng ân cao quý mà chúng con đã lãnh nhận ấy, để mọi người nhìn thấy đời sống phục vụ của chúng con, mà nhận ra Chúa đang hiện diện ở trần gian này. Amen”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Cắt dây phóng sinh

      


CẮT DÂY PHÓNG SINH
Quang lộc Khanh Củng Thân nịnh nọt cấp trên, thường hay muốn cống hiến lễ vật cho họ.
Lúc Vương An Thạch làm thừa tướng, mỗi lần gặp dịp sinh nhật thì quan viên triều đình đều dâng tặng bài thơ, hòa thượng đạo sĩ thì tụng kinh công đức chúc thọ, các ban sai dịch và quân hộ vệ thì thả tất cả các con chim nhốt trong lồng, gọi là “phóng sinh”.
Củng Thân không biết làm thơ lại không biết tụng kinh, nhưng cũng lấy một cái lồng chim rất lớn có nhốt nhiều chim đem thả, cung kính chúc thọ, nói:
-         “Nguyện xin Vương tướng công sống thọ đến một trăm hai mươi tuổi”.
Vừa đúng lúc ấy vợ của tham mưu tướng soái phòng thủ biên cương bị bệnh, có một ngu hầu, ngắt miếng cùi (da ghẻ) trên đít quăng vào gói thuốc bắc dùng để cống hiến. Có người căn cứ theo hai việc trên mà làm một câu đối:
“Ngu hầu vì viện quân mà ngắt cùi,
đại Khanh và thừa tướng thì phóng sinh.”
                                     (Đông Hiên bút lục)

Suy tư:
     Đem quà là linh dược đến chúc thừa tướng thọ một trăm hai mươi tuổi mà người khác lại cả gan dám bỏ đồ “tầm bậy” vào trong thuốc, thì đúng là chuyện đáng cười, bởi vì chẳng khác gì cầu mong thừa tướng “ngẻo” cho sớm.
     Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng thế, có những lúc chúng ta cầu xin cho mình được sống đạo đức thánh thiện, nhưng rồi vẫn cứ sống trong tội; có những lúc chúng ta cầu xin Chúa ban cho mình được biết xa lánh mọi mưu mô chước quỷ của tà thần, nhưng rồi vẫn cứ kết bạn giao du với đệ tử của tà thần là bạn bè xấu...
     Có những lúc chúng ta cầu nguyện cầu xin Chúa ban cho giáo dân trong họ đạo mình biết siêng năng đến nhà thờ để dâng lễ đọc kinh, nhưng cuộc sống kiêu ngạo, nóng nảy của mình làm giáo dân chán ngán không muốn đến nhà thờ; có nhiều lúc chúng ta giảng dạy kêu gọi mọi người rộng tay bố thí cho người nghèo, nhưng chính mình lại thờ ơ trước những đói nghèo của giáo dân trong giáo xứ...

     Thiên Chúa không ban ơn cho chúng ta liền đâu, nhưng Ngài “coi” cách chúng ta sống như thế nào đã, rồi mới ban ơn. Thiên Chúa chỉ nhận lời chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta chân thành khiêm tốn sống như lời chúng ta cầu nguyện...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch từ tiếng hoa và viết suy tư