Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Người chết khó thấy người


NGƯỜI CHẾT KHÓ THẤY NGƯỜI
 
 

Nước Tề có người nọ kêu tên đầy tớ làm một công việc rất là khó khăn, không phù hợp với giá trị mạng sống, công việc này rất khó mà hoàn thành, người đầy tớ ham sống sợ chết nên không dám đi làm.

Bạn bè của hắn ta nói:

-      “Anh không đi để chết sao?”    

Nó trả lời:

-         “Đúng, làm việc thì phải có lợi cho mình, chết thì không có lợi cho mình, cho nên tôi không đi làm.”

Người bạn nói:

-         “Như vậy thì anh còn mặt mũi nào nữa mà nhìn người ta chứ?”

Nó nói:

-         “Anh cho rằng chết rồi là có thể nhìn thấy người ta sao?”
(Lữ thị xuân thu)

Suy tư:

Khi đã yêu thì không còn sợ khó nhọc, không còn sợ gian khổ, và ngay cả mạng sống của mình cũng không màng tới. Người làm thuê không thể yêu thương ông chủ như yêu thương cha mẹ của mình, và người dưng nước lã không thể yêu thương nhau như anh em một nhà, nếu họ không thấm nhuần lời dạy của Đức Chúa Giê-su là yêu thương người thân cận như chính mình.

Có một vài người Công giáo thường hay khoe khoang đạo mình tin theo là đạo thật, điều này rất đúng, nhưng họ chưa dám thực hành những điều mà đạo Công Giáo dạy họ phải làm, hay nói cách khác, họ chưa thực hành lời Đức Chúa Giê-su dạy họ làm: yêu thương người thân cận như chính mình.

Mạng sống có kể là gì với những kẻ đã yêu, gian khổ có là gì đối với những người đang yêu, họ bất chấp tất cả để được yêu. Các thánh tử đạo đã làm được chuyện đó; các thánh ẩn tu, các thánh khổ tu cũng đã thực hành được điều đó vì các ngài yêu Thiên Chúa một cách đặc biệt, yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự.

Tôi đã dám vì yêu Thiên Chúa mà hy sinh cái tôi của tôi, để anh em chị em tôi được lớn lên trong đức ái? Tôi có dám vì yêu thương người thân cận mà hy sinh giờ giấc thông lệ của tôi đã quy định, để trò chuyện, lắng nghe và giúp đỡ họ không ?
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Trung hiếu của Trực Cung

TRUNG HIẾU CỦA TRỰC CUNG
 
 

Nước Tề có một người tên là Trực Cung đi đến quan phủ đem chuyện phụ thân ăn trộm để báo cho quan phủ biết, quan phủ lập tức bắt phụ thân của nó và kêu án tử hình.

Trực Cung xin được lấy lấy tính mạng của mình để thay thế.

Trước khi Trực Cung thọ hình thì nói với cai ngục:

-         “Phụ thân ăn trộm dê tôi báo cho quan biết, không phải là rất trung thực sao? Phụ thân tôi bị hình phạt chặt đầu tôi thay thế, không phải là rất hiếu thuận sao? Người trung thực hiếu thuận mà phải bị chém đầu, thì quốc gia còn có người nào là không bị chém đầu chứ?”

Sở vương nghe tin, lập tức hạ lệnh xá tội cho nó.
(Lữ thị xuân thu)

Suy tư:

Cha bị tù, con xin thế cha ngồi tù, cha bị hình phạt chém đầu, con xin tội thay, đó là người con có hiếu.

Quân, sư, phụ của Khổng tử đã làm đảo lộn trật tự tự nhiên và củng cố sự chuyên quyền của các nhà vua chúa phong kiến. Xã hội hôm nay không ai chấp nhận điều đó, vì như thế quyền tự do cơ bản của con người không còn nữa.

Điều tự nhiên nhất chính là con cái yêu mến cha mẹ và cha mẹ yêu mến con cái, phải để trên hàng đầu, đi ngược với tự nhiên và làm trái ý định Thiên Chúa, là đảo lộn trật tự đã có sẵn trong vũ trụ. Người không thảo hiếu với cha mẹ mình, không yêu thương anh chị em mình, thì không thể là một người trung với nước nhà và cũng không thể kính trọng thầy cô giáo.

Thiên Chúa đã không vô ý điều đặt điều răn thứ tư là “thảo Kính cha mẹ” đứng đầu trong bảy điều răn còn lại đối với tha nhân. Bởi vì Thiên Chúa biết rằng, con Một của Ngài sẽ mặc lấy bản tính nhận loại cùng chia sẻ thân phận con người như chúng ta để cứu chuộc chúng ta.

Đức Chúa Giê-su đã thật sự sinh ra bởi một người phụ nữ, và phục tùng quyền cha nuôi và mẹ ruột (thánh cả Giu-se và mẹ Ma-ri-a) dưới đất cũng như Cha trên trời, đó chính là mẫu gương hiếu thuận với cha mẹ mà chúng ta cần phải noi theo.

Tôi sẽ không trở thành linh mục, một nữ tu thánh thiện, nếu tôi không yêu mến và thảo kính cha mẹ của tôi.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Sức khỏe là vàng

SỨC KHỎE LÀ VÀNG
 
 

 



 

Một trung tâm: Tất cả đều lấy sức khỏe làm trung tâm. 
 
Hai điểm căn bản:
1. Gặp việc thì thoải mái chút xíu.
2. Nhìn thế giới hồ đồ chút xíu.

Ba việc nên quên:
1. Quên tuổi tác.
2. Quên quá khứ.
3. Quên ân oán.

Bốn điều nên có, bất luận bạn có yếu đuối hay mạnh khỏe, thì nhất định phải:
1. Có người thật yêu bạn cách chân chính.
2. Có bạn bè tri kỷ.
3. Có việc làm đàng hoàng.
4. Có nơi ở ấm áp.

Năm điều nên làm:
1. Nên hát ca.
2. Nên nhảy múa.
3. Nên hoạt bát.
4. Nên mĩm cười.
5. Nên thon thả.

Sáu điều không nên làm:
1. Không nên để đói mới ăn.
2. Không nên để khát mới uống.
3. Không nên để buồn ngủ mới ngủ.
4. Không nên để mệt mới nghỉ ngơi.
5. Không nên để bệnh mới đi khám.
6. Không nên để già mới hối hận.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa

Chúa nhật 5 phục sinh

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH
 
 

Tin mừng : Ga 13, 31-33a ; 34-35

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau”.

Bạn thân mến,
Mệnh lệnh mới mà Đức Chúa Giê-su truyền cho chúng ta là: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

Đây là mệnh lệnh mới trong xã hội sống và làm việc theo luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, nhưng đối với chúng ta thì mệnh lệnh này không mới, bởi vì chúng ta đã thuộc nằm lòng mệnh lệnh này, nhưng nó rất mới cho cách suy nghĩ của chúng ta trong khi thi hành mệnh lệnh yêu thương này của Đức Chúa Giê-su.

Anh em hãy yêu thương nhau là một lệnh truyền của Đức Chúa Giê-su, bởi vì Ngài chính là tình yêu và chính Ngài biết rõ tình yêu sẽ mang lại gì cho chúng ta, nó mang lại sự bình an tâm hồn, phục vụ tha nhân và hòa bình thế giới.

“Anh em hãy yêu thương nhau”, mà tình yêu của Đức Chúa Giê-su chính là tình yêu chết cho người mình yêu, nghĩa là đặt người mình yêu lên trên tất cả cái tôi của mình để sống chết cho người mình yêu, Đức Chúa Giê-su đã yêu thương Chúa Cha và Ngài đã sống đã chết vì ý Cha trên trời; Ngài cũng đã hi sinh đã chết và đã sống lại vì yêu thương chúng ta. Tình yêu này mời gọi mỗi người trong chúng ta hãy tiếp nối để cho tha nhân được nhìn thấy Đức Chúa Ki-tô trong con người của chúng ta.

Có người yêu mà không hy sinh cho người mình yêu, có người hy sinh nhưng không yêu cho nên gia đình chưa có hạnh phúc, thế gian vẫn còn những cảnh bất công xảy ra, vẫn còn chiến tranh hận thù, và con người ta thì chỉ biết yêu mình chứ không đành lòng chia sẻ với người khác.

Yêu thương nhau không có nghĩa là cùng nhau nhìn về một hướng, nhưng hãy nhìn về đối tượng của mình coi họ cần cái gì, họ thiếu cái gì để giúp đỡ khi có thể được, họ đang đau khổ hãy ủi an, họ đang thất vọng hãy đem lại cho họ hy vọng, họ đang chán sống hãy làm cho họ thấy đời thật vui tươi...

Bạn thân mến,
Lệnh truyền “Hãy yêu thương nhau” mà Đức Chúa Giê-su ban cho chúng ta không phải là lệnh truyền của ảo tưởng nhưng là của hiện thực, không phải là lệnh truyền được ban ra trong lúc ngẫu hứng, nhưng là trong bầu khí yêu thương tình cảm thầy trò tâm sự, cho nên lệnh truyền này có một sức mạnh đổi mới con người và thế giới.

Giáo xứ chúng ta được mọi người trong giáo phận biết đến bởi vì anh chị em làm việc với nhau có tình đoàn kết, mỗi người biết phát huy tinh thần và khả năng của mình để phục vụ Chúa trong giáo xứ. Những công việc làm của các anh chị em hội Legio đã khiến cho nhiều người thờ ơ với Giáo Hội nay trở về hợp nhất với chúng ta; việc làm của các thầy cô giáo lý viên đã khiến cho con em chúng ta có tinh thần mới trong việc học giáo lý; các thành viên trong ban đại diện rất đoàn kết và làm việc có phương pháp đem lại hiệu quả tốt đẹp cho giáo xứ...

Tất cả những thành quả trên đều bắt nguồn từ lệnh truyền “hãy yêu thương nhau” của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, mà mỗi người trong chúng ta đang thực hành trong cuộc sống của mình...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

 

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Tự cắt thị mình ăn

TỰ CẮT THỊT MÌNH ĂN
 
 
 

Nước Tề có hai người dũng sĩ: một ở thành đông, và một ở thành tây. Một hôm, ngẫu nhiên họ gặp nhau trên đường, cả hai đều nói: “Đi, chúng ta đi ăn và uống chút ruợu”

Sau khi uống vài ly thì một người nói:

-      “Tôi đi mua thịt để uống ruợu, được chứ?”

Thế là, hai người cùng rút dao từ thắt lưng ra, anh cắt thịt tôi, tôi cắt thịt anh, vừa chấm xì dầu, vừa uống rượu, cuối cùng hai vị tráng sĩ đều chết vì máu ra quá nhiều.
( Lã thị xuân thu )

Suy tư:

Chiến tranh thì phải có đổ máu, máu chảy đầu rơi, người người than khóc và hận thù thêm chồng chất.

Các thánh tử đạo cũng đổ máu, đầu rơi máu chảy, người người cũng than khóc, nhưng khóc trong tha thứ và hy vọng ngày phục sinh với Đức Chúa Giê-su.

Cái chết của các ngài thật có ý nghĩa, máu các ngài đổ ra thật không vô ích, cũng vậy, hy sinh của bạn và tôi cũng không vô ích nếu chúng ta biết vui lòng “ tử đạo” mỗi ngày.

Đức Chúa Giê-su đã đem Thịt Máu của Ngài để làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta, cũng vậy, chúng ta cũng phải cắt thịt mình để cho tha nhân ăn, tức là chúng ta chịu hy sinh để tha nhân được thoài mái, chúng ta chịu hàm oan để tha nhân được hạnh phúc, chúng ta chịu đau khổ chịu hiểu lầm để tha nhân được sung sướng và bình an. Đó không phải là cắt thịt mình cho tha nhân ăn hay sao ?
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Gỗ ướt làm nhà

GỖ ƯỚT LÀM NHÀ
 
 

Cao Dương chuẩn bị làm nhà, thợ mộc khuyên:

-         “Tạm thời không thể thi công, gỗ chưa khô mà lấy bùn trét lên nhất định sẽ bị ép cong. Gỗ ướt mà làm nhà, mặc dù nhìn thấy đẹp, nhưng trước sau cũng bị đổ nhào.”

Cao Dương nói:

-         “Theo như anh nói thì nhà càng khó mà bị hư, bởi vì sau này gỗ càng khô thì càng cứng, bùn càng khô thì càng nhẹ. Dùng gỗ càng ngày càng rắn chắc để gánh chịu bùn càng ngày càng nhẹ, thì căn nhà làm thế nào mà hư hại được chứ ?”

Thợ mộc không còn lời để nói, chỉ miễn cưỡng mà nghe, nhà làm xong, mới nhìn thì rất đẹp, quả nhiên qua một vài ngày sau thì bị đổ nhào.
 ( Lữ thị xuân thu )

Suy tư:

Về vấn đề quy mô thì không ai qua mặt các chuyên gia, bởi vì họ đã bỏ ra cả cuộc đời để học tập nghiên cứu về ngành học của họ, cho nên công việc càng khó, càng hóc búa, thì người ta càng tìm đến các chuyên gia.

Về vấn đề tâm linh cũng cần phải có chuyên gia, mà chuyên gia vĩ đại nhất chính là Thiên Chúa, Ngài không cần một ai cố vấn cho Ngài trong công việc Ngài làm, Ngài cũng không cần ai phải chỉ bảo Ngài nên làm như thế này, nên làm như thế nọ, nhưng nhân loại phải cần đến Ngài, bằng không thì nhân loại phải bị diệt vong.

“Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.” (Cv 5, 29b), thật vậy, nếu không nghe và không tuân giữ lời Thiên Chúa, thì không ai được cứu độ; nhưng nếu nghe mà không tuân giữ thì chẳng khác chi xây nhà trên cát hoặc làm nhà bằng gỗ ướt, trước sau gì cũng bị chết đời đời, không thể nào được phục sinh trong ngày sau hết.

Lời Chúa là lời của vị chuyên gia vĩ đại để chúng ta được sống đời đời, nghe và giữ Lời Chúa thì hạnh phúc hơn, bởi vì được làm anh em chị em và mẹ của Đức Chúa Giê-su. ( Mt 12, 50)
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Nằm mơ bị nhục liền tự sát

NẰM MƠ BỊ NHỤC LIỀN TỰ SÁT
 
 

Vào thời Tề Trang công có một tráng sĩ tên là Tân Ti Tụ, dũng lực hơn người, từ trước đến nay chưa bao giờ bị ai khuất phục.

Vào một đêm khuya, ông ta nhìn thấy một tráng sĩ nhìn ông ta mà mắng chửi thậm tệ, lại còn nhổ nước bọt trên mặt mình. Tân Ti Tụ nộ khí xung thiên, liền tiến lên quyết đấu với tráng sĩ nọ, không ngờ giật mình tỉnh thức, té ra là một giấc mơ, nhưng trong lòng ông ta rất đau khổ.

Ngày hôm sau, ông ta mời bạn bè đến, đem câu chuyện bị nhục trong giấc mơ ra nói cho bạn nghe:

-         “ Tôi, từ nhỏ cho đến hôm nay là 60 tuổi, từ trước đến nay chưa có ai dám nhục mạ tôi. Tôi nhất định phải tìm cho bằng được tráng sĩ trong giấc mơ ấy để đọ sức với anh ta một trận. Tìm được thì tốt, không tìm được thì thà rằng chết!” 

Thế là, mỗi ngày từ sáng sớm ông ta cùng người bạn đứng bên đường để nhận diện người qua lại, liên tiếp mấy ngày như thế mà ông ta cũng không tìm được người trong giấc mơ ấy, ông ta bèn trở về nhà tự sát.
( Lữ thị xuân thu )

Suy tư:

Tự ái với người trong giấc mơ để đến nỗi phải tự sát, thì đúng là tự ái một cách ngu xuẩn, tự ái của những người hữu dõng vô mưu.

Tự ái đúng chỗ thì rất có lợi cho mình nhưng tự ái không đúng chỗ thì chỉ tự hại mình mà thôi.

Con người ta bất kể kẻ giàu người nghèo, người có học cũng như người không có học, ai ai cũng đều có tự ái.

Tự ái để thi đua trong học tập là tự ái lành mạnh; tự ái để sửa đổi mình nên tốt hơn là tự ái của những người có đạo đức, đó là những tự ái nên tự ái.

“Tự” là mình, “ái” là yêu, tự ái chính là yêu mình, yêu mình thì tự trọng danh dự của mình, giữ gìn thân thể của mình. Hay nói thực tế hơn, tự ái là cái bản năng tự trọng trong con người của mình đột nhiên bùng lên khi bị xúc phạm đến danh dự cá nhân. Do đó, người tự trọng nhiều thì tự ái cao, đó là chuyện tự nhiên, cho nên cần phải lấy đức ái mà chết ngự tự ái để đời sống được quân bình.

Tự ái, tự nó không phải là xấu là dở, nhưng nó sẽ trở nên xấu đi khi tôi vì tự ái, mà không nhìn thấy người đối diện là bạn tôi, là anh chị em tôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư



Đào giếng được người


ĐÀO GIẾNG ĐƯỢC NGƯỜI
 
 

Nước Tống có một gia đình họ Đinh, vì trong nhà không có giếng nước, nên thường phải sai một người đi gánh nước về dùng.

Về sau nhà họ Đinh đào một cái giếng, phấn khởi nói với người khác:

-      “Nhà tôi đào giếng được một người”.

Có người sau khi nghe được liền đồn ra “họ Đinh đào giếng được một người”. Người nước Tống coi đây là một chuyện kỳ lạ, bèn đồn thổi ầm cả lên.

Nhà vua nghe được thì rất đỗi kinh ngạc, bèn sai người đến nhà họ Đinh hỏỉ sự tình ra sao, họ Đinh tra lời:

-         “Có một cái giếng thì cũng như có một người lao động giỏi, chứ không phải là được một người trong giếng”
( Lữ thị xuân thu )

Suy tư:

Nước là một chất thể lỏng rất cần thiết cho con người, người ta có thể nhịn ăn chứ không thể nhịn khát, không những con người cần nước, mà ngay cả các loài động vật, thực vật cũng cần phải có nước.

Nước rất hiền hoà mà cũng rất hung dữ, nó có thể khiến cho các thi nhân tuôn ra những vần thơ tuyệt vời, nhưng nó cũng nuốt không biết bao con người trong lòng nó.

Nước dùng để nuôi sống con người, làm cho con người thêm mát mẻ, vui tươi sau những giờ lao động mệt nhọc, nước cũng giúp con người tẩy sạch những vết dơ bẩn và làm cho vạn vật xinh tươi.

“Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sường Người, tức thì máu cùng nước chảy ra.” (Gn 19, 34). Máu của Đức Chúa Giê-su chảy ra để nuôi linh hồn chúng ta, nước để tẩy sạch linh hồn chúng ta, máu và nước chảy ra cùng lúc để cho chúng ta thấy rằng: tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại thật vô cùng lớn lao, Ngài không muốn một ai phải hư mất đời đời, cho nên vừa được tẩy sạch là được bồi dưỡng ngay bằng chính máu thịt trường sinh của Con Ngài là Đức Chúa Giê-su.

“Máu cùng nước” từ cạnh sườn chảy ra, hay nói chính xác hơn, từ trái tim của Đức Chúa Giê-su chảy ra để rửa chúng ta –người Ki-tô hữu- được sạch tội và được sự sống đời đời.

Tôi đã ý thức được điều đó chưa, khi tham dự bí tích Rửa Tội và khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể ?
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Chia sẻ: Ngắm dàng Thánh Giá


Chia sẻ :

NGẰM ĐÀNG THÁNH GIÁ
 
 

Các Sơ Nhỏ thân mến,
Mùa Chay năm nay, khi cùng với cộng đoàn giáo xứ ngắm Đàng Thánh Giá vào mỗi tối thứ sáu trong mùa chay, Bác Tài có mấy suy tư sau đây về việc ngắm Đàng Thánh Giá, suy tư này Bác Tài đã chia sẻ với cộng đoàn giáo xứ, vừa là giúp họ hiểu được ý nghĩa thật của việc ngắm Đàng Thánh Giá vừa biết chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trong cuộc sống của mình.

CÙNG CHIA SẺ ĐÀNG THÁNH GIÁ VÓI ĐỨC CHÚA GIÊ-SU

Đàng Thánh Giá là chặng đường mà Đức Chúa Giê-su đã vác cây thập giá từ dinh Phi-la-tô đến núi Sọ, để chịu quân lính đóng đinh vào trên cây thập giá, là chặng đường với biết bao là khổ cực mà Đức Chúa Giêsu phải chịu: bị đánh đòn, bị sỉ nhục, bị nhạo báng.v.v...

Cho nên, khi ngắm Đàng Thánh Giá trong nhà thờ, trước mười bốn chặng với mười bốn bức ảnh họa lại những mốc lịch sử mà Đức Chúa Giê-su phải chịu: từ khi bị kết án nơi dinh Phi-la-tô cho đến khi chết trên thập giá, tất cả những hình ảnh ấy đập vào con mắt chúng ta và làm cho trí hồn chúng ta suy nghĩ đến những gì mà Đức Chúa Giê-su đã chịu trước khi chết.

Chặng thứ Nhất :

Đức Chúa Giêsu bị xử án

Nơi chặng này, chúng ta suy đến việc Đức Chúa Giê-su bị xét xử cách oan ức vì tội lỗi của nhân loại và tội lỗi của chúng ta. Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người, là Đấng xét xử nhân loại, vì yêu thương nhân loại, giờ đây lại bị những con người tội lỗi kết án tử cách bất công...

Qua việc Đức Chúa Giêsu bị xử án bất công này, chúng ta cầu xin cho mỗi người trong chúng ta đừng xét đoán tha nhân cách bất công, bởi vì chúng ta cũng chỉ là những tội nhân, bất toàn...

Chặng thứ Hai :

Đức Chúa Giê-su vác thập giá

Nơi chặng này, chúng ta suy đến Đức Chúa Giê-su vác cây thập giá, thập giá ấy chính là những tội lỗi của nhân loại và của chúng ta, chúng ta thấy Ngài khom lưng chân bước khó khăn bởi sức nặng của cây gỗ; chúng ta cũng thấy chính mình cũng đã có những lúc đem tội lỗi và trách nhiệm của mình, trút lên đầu người anh em chị em vì tính ích kỷ và hèn nhát của mình.

Qua việc Đức Chúa Giê-su vác cây thập giá nặng nề này, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết can đảm gánh vác trách nhiệm của mình, để tha nhân được nhẹ nhàng hơn khi cộng tác với chúng ta.

Chặng thứ Ba :

Đức Chúa Giê-su ngã lần thứ nhất

Nơi chặng này, chúng ta chia sẻ những đau khổ của Đức Chúa Giê-su: Ngài bị té ngã, có lẽ sức nặng của cây gỗ giá thì ít, nhưng tội lỗi của nhân loại quá nặng làm Ngài quá đau buồn nên ngã xuống đất thì nhiều; chúng ta cũng thấy Đức Chúa Giê-su cố gắng đứng lên để đi đến nơi núi Sọ, sự cố gắng này dạy cho chúng ta biết nhanh chóng đứng lên sau khi phạm tội.

Suy đến việc Đức Chúa Giê-su bị ngã lần thứ nhất, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và chí khí, để chúng ta cũng biết đứng lên sau khi ngã xuống vì những cơn cám dỗ của ma quỷ và thế gian.

Chặng thứ Bốn :

Đức Chúa Giê-su gặp Đức Mẹ

Không có cảnh nào xúc động đầy nước mắt cho bằng cảnh mẹ con gặp nhau trên đường khổ nạn; không có gì đau khổ đứt ruột xé lòng người mẹ cho bằng khi thấy con vác thập giá để đi chịu chết. Đức Mẹ Ma-ri-a đã chen lấn giữa đám đông quân lính và những người hiếu kỳ bên đường để nhìn cho được con của mình, mẹ con nhìn nhau không nói nên lời, nhưng trong tâm hồn Mẹ và Đức Chúa Giê-su đã nói rất nhiều, chia sẻ, cảm thông, an ủi và yêu thương...

Suy đến việc Đức Mẹ Ma-ri-a đã gặp được Đức Chúa Giê-su trên đường khổ giá, chúng ta cầu xin cho chúng ta đang trên đường lữ thứ trần gian, những lúc nguy hiểm vì cám dỗ, cũng được gặp Mẹ đến an ủi, nâng đỡ và cứu giúp...

Chặng thứ Năm :

Ông Si-mon vác đỡ thập giá

Đường lên núi Sọ vẫn còn dài, nhưng sức lực thì đã kiệt quệ, những người lính sợ Đức Chúa Giê-su chết giữa đường nên đã bắt ép ông Si-mon vác đỡ thập giá với Ngài. Suy đến chặng này, chúng ta nghĩ đến những người nghèo khổ chung quanh mình, họ đang cần chúng ta giúp họ một mảnh áo che thân, một bát cơm lót dạ, một chút tình người...

Xin Chúa ban cho chúng ta biết nhìn thấy những nổi bất hạnh của anh em chị em mà ra tay giúp đỡ, đó là chúng ta đã vác đỡ thập giá cho Đức Chúa Giê-su vậy.

Chặng thứ Sáu :

Bà Vê-rô-ni-ca lau mặt Đức Chúa Giê-su

Nơi chặng này, chúng ta nhìn thấy những người hiếu kỳ đi theo để coi Đức Chúa Giê-su vác thập giá : có người vì hiếu kỳ, có người thương hại, có người chê mắng, có người chửi rủa... Bà Vê-rô-ni-ca xúc động trước cảnh này, bà thấy Chúa Giêsu thật là người công chính vì Ngài không oán trách chửi rủa những kẻ hành hạ Ngài, nên bà đã làm một việc mà không ai dám làm: lao vào lau mặt đầy máu và mồ hôi của Đức Chúa Giê-su.

Chung quanh chúng ta vẫn còn nhiều người đang bị lãnh án bất công của người đời, vẫn còn có những anh chị em bị khinh bỉ, bị hiểu lầm. Xin cho Chúa ban cho chúng ta biết can đảm lên tiếng bênh vực họ, để họ vẫn còn thấy tình người trong xã hội hôm nay.

Chặng thứ Bảy :

Đức Chúa Giê-su ngã lần thứ hai

Nơi chặng này, chúng ta suy niệm về những lần ngã gục trong tội lỗi của chúng ta. Đức Chúa Giê-su vác thập giá gần đến núi Sọ, nhưng máu đổ ra đã nhiều, sức lực đã cạn vì những đau đớn thể xác lẫn tinh thần nên lại ngã xuống đất lần thứ hai, nhưng cũng như lần trước, Đức Chúa Giê-su đã đứng lên để vác thập giá tiếp tục đi đến nơi để chịu chết.

Xã hội đầy những cám dỗ, thế giới ngày càng sống trong tội lỗi vì vắng bóng Thiên Chúa, cuộc sống của chúng ta cũng đã nhiều lần ngã gục bởi sức nặng của danh vọng, xác thịt và thế gian...

Có nhiều người ngã xuống trong tội, nhưng có người đứng lên, có người gượng dậy đầy thương tích, có người không đứng dậy nổi. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn sủng của Ngài, để chúng ta biết chổi dậy sau khi nhiều lần ngã xuống trong tội lỗi của chúng ta.

Chặng thứ Tám :

Đức Chúa Giê-su an ủi các phụ nữ

Ở đâu cũng có những người phụ nữ tốt lành hiền hậu biết yêu thương mọi người, những người phụ nữ thành Giê-ru-sa-lem cũng vậy, họ đã khóc thương khi thấy Đức Chúa Giê-su vác cây thập giá mệt nhọc lê lết trên đường lên núi Sọ, tấm lòng những người phụ nữ này chắc chắn được Thiên Chúa trả công bội hậu. Và có thể nói họ là những người may mắn nhất được Đức Chúa Giê-su nhắn nhủ rằng: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em” [1].

Khi suy niệm đến chặng này, chúng ta nhìn thấy giá trị gia đình ngày hôm nay đang bị phá hoại, xã hội hưởng thụ làm băng hoại thanh thiếu niên, và chính những lớp trẻ này nếu không được giáo dục của gia đình, thì sẽ là những thánh giá nặng nề trên vai của Đức Chúa Giê-su...

Xin Chúa ban cho chúng ta hiểu biết giá trị của gia đình chính là căn bản để xây dựng một xã hội công bằng, yêu thương và bác ái.

Chặng thứ Chín :

Đức Chúa Giê-su ngã lần thứ ba

Đây là lần thứ ba Đức Chúa Giê-su ngã xuống đất khi vác thập giá lên núi Sọ, ba lần ngã xuống là nói lên ý nghĩa sâu xa của ba chước cám dỗ : cám dỗ của thế gian, cám dỗ của xác thịt, cám dỗ của danh vọng. Ba chước cám dỗ này mỗi người trong chúng ta đều gặp phải trong cuộc sống, và đã nhiều lần ngã gục, mỗi một chước cám dỗ đều đánh trúng tâm can trí não của con người, và không một ai đứng vững nếu không có quyết tâm và không cậy vào ơn Thiên Chúa ban cho.

Suy niệm đến chặng đường thánh giá này, chúng ta cầu xin Chúa ban cho mỗi người trong chúng ta, mỗi lần ngã gục vì tội lỗi, thì biết nhớ đến Đức Chúa Giê-su đã ngã xuống đất ba lần vì tội lỗi của chúng ta, để chúng ta biết hăng hái đứng lên và quyết tâm chừa bỏ tội của mình...

Chặng thứ Mười :

Đức Chúa Giê-su bị lột áo ra

Cuối cùng thì Đức Chúa Giê-su cũng đã vác thập giá đến nơi phải đến: núi Sọ; nơi đây Đức Chúa Giê-su bị quân lính lột áo ra, Chúa trần truồng, tủi nhục và khổ đau.

Đức Chúa Giê-su bị lột áo để cho chúng ta thấy rằng mình cũng đã trần truồng sinh ra từ lòng mẹ; Đức Chúa Giê-su bị lột áo để chúng ta thấy rằng bản thân mình chẳng có gì ngoài tội lỗi; Đức Chúa Giê-su bị lột áo để cho chúng ta biết mình nếu không có Chúa thì chúng ta sẽ trở thành cát bụi hư vô...

Lạy Đức Chúa Giê-su, Chúa đã đi hết đoạn đường khổ giá, nhưng phút cuối vẫn còn chịu khổ nhục khi những người bất chính lột áo Chúa ra, Chúa đã chịu lấy tất cả những nhục nhã của chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con biết cởi bỏ cái vẻ kiêu ngạo bên ngoài của mình, biết cởi bỏ những ghét ghen của mình, biết cởi bỏ những hợm hỉnh của mình, để chúng con được chia sẻ những trần truồng, bất tài của mình với Chúa trong cuộc sống. Xin cho chúng con biết lột bỏ cuộc sống cũ để mặc lên tấm áo mới là tinh thần khiêm hạ và yêu thương của Chúa. Amen.

Chặng thứ Mười Một :

Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh vào thập giá

Bản án bất công của Phi-la-tô dành cho Đức Chúa Giê-su đã hoàn tất khi quân lính đóng đinh Ngài vào thập giá, quằn quại đau thương bởi những đinh nhọn đóng thâu vào tay chân của Đức Chúa Giê-su, tất cả cũng chỉ vì tội lỗi của nhân loại và của chúng ta. Mỗi cái đinh đóng vào thân thể của Đức Chúa Giê-su là dấu ấn của thứ tha và cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho con người tội lỗi : dấu ấn của bí tích Rửa Tội, dấu ấn của bí tích Giải Tội và dấu ấn của bí tích Thánh Thể, thế nhưng nhân loại vẫn cứ tự cho mình là người không cần đến ơn cứu chuộc của Thiên Chúa.

Suy đến chặng đường khổ giá này, chúng ta cảm nghiệm được rằng : mỗi tội của chúng ta phạm là mỗi cái đinh nhọn tiếp tục đóng vào thân thể của Đức Chúa Giê-su, làm cho Ngài –cho đến hôm nay- vẫn cứ bị chúng ta đóng đinh, không phải vào thập giá, nhưng vào bí tích Thánh Thể mà chúng ta tham dự mỗi ngày.

Lạy Đức Chúa Giê-su, chỉ có những tên ác ôn côn đồ là chúng con đây mới đáng bị đóng đinh vào thập giá, chứ không phải Chúa; chỉ có chúng con là những linh mục, tu sĩ  mới đáng bị đóng đinh vào thập giá vì những bất xứng của chúng con đã phạm khi cử hành bí tích Thánh Thể và trong cuộc sống hằng ngày của chúng con : kiêu ngạo, tham lam, dục vọng là ba cái đinh mà chúng con đóng Chúa vào thập giá mỗi ngày. Chúa đã bị đóng đinh để nhân loại được sống trong tự do của ân sủng, xin cho chúng con cũng biết đóng đinh mình, để giáo dân được vui vẻ, tự do và yêu mến khi đến lãnh các bí tích cứu độ qua tay chúng con. Amen

Chặng thứ Mười Hai :

Đức Chúa Giê-su chết trên thập giá

Mọi sự đã hoàn tất, đừơng khổ giá đã hoàn tất, không còn đau khổ, không còn nghe những lời chửi rủa của quân lính, không còn nghe tiếng khóc của những người phụ nữ đạo đức, nhưng vẫn còn đó những nhạo báng của những kẻ qua đường.

Đức Chúa Giê-su đã chết trên thập giá, một cái chết như một tội nhân để cho các tội nhân là nhân loại được ơn tha thứ của Thiên Chúa; một cái chết đắng cay và tủi nhục, để cho nhân loại được hạnh phúc làm con của Thiên Chúa; một cái chết cô đơn giữa trời đất lồng lộng để cho nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa và được hạnh phúc trong tình yêu của Ngài khi từ giã cõi đời này.

Nơi chặng đường khổ giá này, chúng ta suy đến tình yêu của Đức Chúa Giê-su, một tình yêu mạnh hơn sự chết. Xin Chúa ban cho chúng ta biết chết cho tội lỗi của mình, biết chết cho cái tôi tham lam, cái tôi ích kỷ, cái tôi phản loạn của mình, để được sống lại với Đức Chúa Giê-su trong ngày quang lâm của Ngài.

Chặng thứ Mười Ba :

Hạ xác Đức Chúa Giê-su xuống

Một ân huệ mà Phi-la-tô đã dành cho Đức Chúa Giê-su sau khi chết, là cho phép các môn đệ hạ xác Ngài xuống khỏi thập giá vì là ngày hưu lễ.

Dưới chân thập giá đã có Đức Mẹ Ma-ri-a, thánh Gioan tông đồ, bà Ma-ri-a Mag-da-la và những người thân yêu đợi sẵn, để đón nhận món quà quý báu nhất mà Thiên Chúa đã tặng ban cho nhân loại, đó là thân thể của Đức Chúa Giê-su. Bị treo lên cao để đưa mọi người lên với tình yêu của Chúa Cha, giờ đây được hạ xuống nằm trong vòng tay của mẹ yêu dấu, Đức Chúa Giê-su thực sự đã trở nên nguồn sống và cứu độ của thế gian.

Lạy Đức Mẹ Ma-ri-a, khi ẳm thân xác lạnh lẽo đầy vết thương của Đức Chúa Giê-su vào lòng, Mẹ đã ôm cả nhân loại tội lỗi vào trong trái tim yêu thương của Mẹ, không một lời oán trời trách người, không một lời than van, nhưng Mẹ đã âm thầm cầu xin Chúa Cha –qua cái chết của Đức Chúa Giê-su– thứ tha cho nhân loại tội lỗi. Xin Mẹ ban cho chúng con có tấm lòng rộng mở, biết bao dung và thứ tha cho những ai đã nhiều lần xúc phạm đến chúng con, để chúng con trở thành người con hiếu thảo của Mẹ, biết rộng tay ôm những khuyết điểm của anh em chị em mình.

Chặng thứ Mười Bốn :

Táng xác Đức Chúa Giê-su vào huyệt đá

Giai đoạn cuối của sứ mệnh cứu thế của Đức Chúa Giê-su ở trần gian đã hoàn tất, sau khi các môn đệ đem xác Ngài an táng trong mồ đá. Huyệt đá ấy được diễm phúc làm nơi an nghĩ tạm thời của Đức Chúa Giê-su để rồi sẽ ba ngày sau sẽ sống lại vinh hiển, chói lọi vinh quang của vị Thiên Chúa.

Tội lỗi là nấm mồ chôn sự sống thần thiêng của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta, chính tội lỗi là nguyên nhân đưa đến sự chết, nhưng tội lỗi sẽ không cản trở được ân sủng của Thiên Chúa nếu chúng ta biết khước từ cám dỗ.

Suy đến chặng đường khổ giá này, chúng ta tưởng nhớ đến con người của mình một ngày nào đó chết đi khi còn đang trong tình trạng mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, thì nấm mồ sẽ là nơi đáng sợ vô cùng, nhưng nấm mồ sẽ trở nên nơi an nghĩ hạnh phúc nếu chúng ta chết trong ân sủng của Thiên Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta cũng được an táng trong nấm mồ hạnh phúc sau khi từ giã cõi đời này. Amen.

CUỘC SỐNG LÀ ĐÀNG THÁNH GIÁ

Các Sơ Nhỏ thân mến,
Qua suy niệm Mười Bốn chặng Đàng Thánh Giá trên, Bác Tài có suy tư như thế này :
Không phải chỉ có mỗi ngày thứ sáu trong tuần chúng ta mới ngắm đàng Thánh Giá, không phải chỉ đợi đến mùa chay hay tuần thánh chúng ta mới ngắm Đàng Thánh Giá, nhưng mỗi ngày chúng ta đều có thể đi và ngắm Đàng Thánh Giá để chia sẻ những đau khổ của Đức Chúa Giê-su vẫn chịu từng giây từng phút vì tội lỗi của nhân loại và của chúng ta.

Từ nhà ra chợ,
từ nhà đến công sở,
từ nhà đến nhà thờ,
từ nhà đến trường học,
từ nhà đến công xưởng.v.v...
trên đường đi chúng ta gặp nhiều hạng người đang cùng đi trên đường, trong đó có người mình không mấy cảm tình, có người không thích mình và có người mình không quen, nhưng tất cả họ đều là những người mà Thiên Chúa muốn chúng ta đem tin mừng Nước Trời cho họ. Một cái vẫy tay chào hỏi người không thích mình, một nụ cười thân thiện với người vừa tranh luận với mình ngày hôm qua trong buổi họp, một cái bắt tay thân tình với người hàng xóm mình mới gặp.v.v... tất cả những hành vi thái độ ấy đều bày tỏ sự hy sinh quên đi cái tôi giận hờn ghen ghét của mình, bày tỏ sự thân thiện chân thành của mình, đó chính là đường Thập Giá mà chúng ta đang đi...

Đường Thập Giá không chỉ là ngày thứ sáu mỗi tuần, nhưng là mỗi ngày trong cuộc đời, ở đâu và bất cứ lúc nào, chúng ta cũng đều có thể hy sinh quên mình, vui vẻ thân thiện, để chia sẻ những hy sinh của Đức Chúa Giê-su đã chịu vì tội lỗi của chúng ta.

Đường Thập Giá chính là cuộc sống và là đường đưa  chúng ta đến sự sống vĩnh cửu với Đức Chúa Giê-su trong Nước Trời, không muốn đi hoặc khước từ đường Thánh Giá là chúng ta không muốn và khước từ cuộc sống hạnh phúc với Thiên Chúa mai sau trên thiên đàng.

Cuộc sống của một nữ tu là chặng đường khổ giá, trên đường khổ giá này các chị gặp sự nghiêm khắc đến khó tính của bề trên, các chị gặp và làm việc với những người có lòng ghen ghét hơn là yêu thương, các chị cũng gặp những chê bai tị hiềm, phê bình và chỉ trích, tất cả những điều ấy làm cho đời sống tận hiến của các chị có ý nghĩa vá giá trị rất nhiều trước mặt Thiên Chúa và nhân loại. Có nhiều nữ tu muốn đường thập giá của mình phải được lót bằng thảm nhung êm dịu, trang trí nhiều hoa thơm cỏ lạ, cho nên họ không thể chia sẻ những hy sinh với Đức Chúa Giê-su, và càng không thể cảm thông với những đau khổ của tha nhân...

Các Sơ Nhỏ thân mến,
Mùa chay là cơ hội thuận tiện để chúng ta chia sẻ những đau khổ với Chúa Giêsu đã chịu vì tội lỗi của chúng ta, ý thức mình là người môn đệ thân tín của Ngài, các chị và Bác Tài cũng như tất cả những người đã được rửa và cứu chuộc bằng Máu Thánh của Ngài đã đổ ra, chúng ta cố gắng sống xứng đáng hơn, để khuôn mặt của Đức Chúa Giê-su phục sinh được sáng ngời trong tâm hồn của tha nhân.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho các Sơ Nhỏ trong mùa chay thánh này.

Bác Tài, csjb.


[1] Lc 23, 28.