Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Hai thứ ấy



 HAI THỨ ẤY 
Phan Trực Phương tính rất hài hước.
Một hôm đi đến Bình Giang, Trịnh thái thú hỏi:
-      “Đàn bà ở phương nam có đẹp không ?”
Phan Trực Nam bèn đem hai người đàn bà đẹp là Vương Huệ và Triệu Chính ra trả lời, Trịnh thái thú lại không vì thế mà ngạc nhiên, nói:
-      “Triệu Chính có gì là đẹp, hai gò má trên mặt quá cao”.
Phan Trực Phương hỏi lại:
-         “Đàn bà phương nam lẽ nào không có xương sao ? Dù cho là hoàng hậu của Tiền đại vương được tiếng là rất đẹp, nhưng cũng không thể thiếu hai thứ đồ vật ấy !”.
                                                     (Hiên Cứ lục)

Suy tư:
     Có những người lớn tuổi tự cho mình có quyền “nói phét” mà không sợ người khác bắt lỗi hay con nít chê cười, nên đã có những lời nói tục tỉu, mất lịch sự và thiếu tư cách.
     Có một vài người dâng mình làm tôi tớ Thiên Chúa cứ tưởng mình “nói bậy” là không có tội, nên cứ pha trò, đùa giỡn với những lời lẽ không xứng hợp với “kẻ đi tu” là tôi tớ Chúa, họ cứ tưởng như thế là giúp vui và có khi tưởng rằng như thế là để cho mọi người biết mình có cả “một bụng” văn thơ, chuyện tiếu lâm, có khi làm gương xấu cho người khác và gây cớ vấp phạm cho tha nhân.
     Người khác pha trò đùa giỡn không đứng đắn thì người ta chỉ nói: đồ mất nết.
     Nhưng nếu những người dâng mình làm tôi tớ Chúa mà nói lời pha trò không đứng đắn thì người ta sẽ nói: đồ quỷ, cha cố gì kì dzậy ?

     Cứ lấy thái độ tự nhiên và nói lời đơn sơ thì người khác thích nghe và vui vẻ, hơn là pha trò với những lời lẽ ẩn dụ không đứng đắn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Đi uống trà nguội



ĐI UỐNG TRÀ NGUỘI
Cường Uyên Minh nhận lệnh đi làm soái ở Trường An, bèn đến cáo từ thái sư họ Thái.
Thái công nói đùa:
-      “Ông phải uống trà nguội rồi hãy đi”.
Cường không hiểu nổi, nhưng lại sợ người ta thấy mà cười cho nên không dám tự tiện hỏi.
Sau đó thì đi hỏi bạn bè để hiểu biết tình hình địa phương, bạn bè cười nói:
-         “Con gái Trường An bước đi rất ngắn cho nên khi đi thì tương đối chậm, cho nên Thái công dùng “uống trà nguội” là ý nói chậm chậm rồi hãy đi, để nói đùa vậy thôi.”
                                                           (Hiên Cứ lục)

Suy tư:
     Có những câu hỏi mà chúng ta phải trả lời gấp cho người hỏi mình: hỏi đường sá.
     Có những câu hỏi mà chúng ta cần phải lờ đi hoặc không nên trả lời: hỏi về đời tư của người khác.
     Có những câu hỏi mà chúng ta tuyệt đối không được trả lời khi bị hỏi: chuyện bí mật của người khác khi vì tin tưởng mà họ kể cho chúng ta nghe.
     Có những đối tượng hỏi mà chúng ta cần phải tế nhị giải thích: trẻ em.
     Có những đối tượng hỏi mà chúng ta cần phải cặn kẻ giải thích: những người thành tâm hỏi để học hỏi.
     Có những đối tượng hỏi mà chúng ta có quyền không trả lời hoặc trả lời khác đi để khỏi làm hại tha nhân: những người đã gây ra thù oán...
     Trong cuộc sống hàng ngày của người Ki-tô hữu, có câu hỏi phải nói bằng miệng, có câu hỏi phải “nói” bằng hành động, có câu hỏi phải “nói” bằng tình thương.
     Nhưng có một câu hỏi mà chúng ta –những người Ki-tô hữu- phải trả lời không những bằng lời nói, bằng hành động mà bằng cả tình thương, đó là khi người ta hỏi: “Thiên Chúa của các anh (chị) là ai, ở đâu ?”

     Nói về Thiên Chúa của mình cho người khác nghe thì không thể “uống trà nguội” được, nhưng phải nhanh chóng và nhiệt tình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Mượn tên để tấu vận


MƯỢN TÊN ĐỂ TẤU VẬN
Vương Tề Tấu tự là Nghiễn Linh, người Hoài Châu, có tài cao mà không thích chịu gò bó.
Khi ông ta làm một quan chức nhỏ ở Thái Nguyên đã thêm vào hai câu “Thanh ngọc án” và “Vọng Giang Nam” để chế giễu các quan giám sát ở Thái nguyên.
Do chuyện đó mà quan đầu huyện giận dữ hỏi Vương Nghiễn Linh tại sao, Vương Nghiễn Linh không chút mảy may hoảng sợ, lại còn lớn tiếng nói một câu để trả lời quan đầu huyện:
-         “Kẻ có địa vị thấp nên thường sợ bị người khác gièm pha, chỉ là thêm vào “Thanh ngọc án” thì làm sao lại còn dám làm “Vọng Giang Nam” nữa chứ, phải không thưa ngài Mã đô giám ?”.
Lúc ấy Mã đô giám (tên quan nắm trong tay đội vệ cấm thành, huấn luyện binh lính) chợt tiến vào đến ngồi bên cạnh Vương Nghiễn Linh nghe nói như thế, vì không kịp chuẩn bị nên đã hàm hồ ừ cho qua chuyện.
Sau khi hồi triều, Mã đô giám chất vấn Vương Nghiễn Linh:
-         “Chuyện của ông tôi không biết chút gì cả, sao lại bắt tôi làm chứng chứ ?”.
Vương Nghiễn Linh cười nói:
-         “Tôi chỉ là mượn tên của ngài để chạy tội thôi mà, xin đừng trách, đừng trách !”
                                                           (Hiên Cứ lục)

Suy tư:
     Thời nay có rất nhiều người lợi dụng người khác để làm lợi cho mình: có người lợi dụng sự nghèo khó của người khác để bóc lột họ, có người lợi dụng sự đơn sơ của trẻ em để làm những chuyện đồi bại, có người lợi dụng sự nhẹ dạ của người tín hữu để làm tiền, có người lợi dụng chức vụ để vơ vét của cải cho mình...
Tình yêu chân chính là một tình yêu không tính toán, không vụ lợi, nhưng rất tôn trọng đối tượng của mình, Đức Chúa Giê-su đã thực hiện điều ấy khi Ngài tâm tình với Chúa Cha :
“Lạy Cha chí thánh,
xin gìn giữ các môn đệ
trong danh Cha mà Cha đã ban cho con,
để họ nên một như chúng ta”. (Ga 17, 11b)
Đức Chúa Giê-su đã vì yêu thương nhân loại và đã chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại, đó là tình yêu cho đi để thánh hóa và thăng hoa đời sống của những ai tin vào Ngài.

Người thích lợi dụng người khác là người ích kỷ không có tâm hồn quảng đại và là người không biết thông cảm với người khác, cho nên họ thường là những người trở nên gánh nặng cho mọi người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Mưa đá thành mưa cứng



MƯA ĐÁ THÀNH MƯA CỨNG
Ngày mồng năm tháng giêng năm Thiệu Hưng Tống Cao Tông thứ mười bảy, ở Lâm An xảy ra nạn mưa rất lớn và có mưa đá, mái ngói trên nhà Thái Học phủ cao nhất của kinh thành bị mưa đá làm vỡ nát.
Các quan chức viên trong học phủ xin triều đình cho sửa chữa lại, khổ một nỗi là không dám viết chữ “mưa đá” vì sợ trùng âm mà phạm thượng, bèn đem chữ “mưa đá” viết thành “mưa cứng”.
                                                           (Hiên Cứ lục)

Suy tư:
     Mưa thì lúc nào cũng ở thể lỏng, chỉ có mưa đá mới ở dạng thể cứng, như thế là tai hoạ, tai hoạ mưa đá thì chỉ làm bể mái ngói của học phủ, nhưng tai hoạ về việc viết tên trùng âm với tên của nhà vua hay một vị nào đó hét ra lửa trong triều đình thì khủng khiếp hơn đó là phải bị tử hình.
     Đời sống của người Ki-tô hữu tự nó là một cuộc sống đầy lý tưởng, lý tưởng phục vụ và đem tình yêu của Chúa cho tha nhân, như thế nó ở thể dạng hạnh phúc: hạnh phúc vì biết mình đang phục vụ Chúa trong mọi người, nhưng nó sẽ ở thể dạng không hạnh phúc khi chúng ta làm trái ngược hẳn với lời giáo huấn của Đức Chúa Giê-su là “Yêu thương người thân cận như chính mình”.
     Có những người Ki-tô hữu bị loé mắt vì màu vàng sáng chói của vàng  bạc của cải, nên không nhìn thấy Đức Chúa Giê-su đang túng thiếu đói ăn nơi người thân cận của mình; có những người Ki-tô hữu nghĩ rằng mình cũng đói khổ túng thiếu như ai, nên họ luôn dửng dưng trước người bất hạnh hơn mình, đến nỗi một nụ cười cũng không có.
     Những người giàu có không ngó ngàng gì đến người thân cận thì chính họ đã bị án phạt công bằng, nhưng những người cố tình sống dửng dưng trước nỗi bất hạnh của người khác thì án phạt nặng nề hơn, bởi vì “cố tình dửng dưng” chính là những nỗi nhục nhằn đau khổ rơi xuống trên đầu người anh em chị em bất hạnh, đã trở thành “mưa đá” đè chết linh hồn của chính người cố tình dửng dưng ấy.

Thảm hại thay !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Tôi là quỷ sao ?



TÔI LÀ QUỶ SAO ?
Hồi ấy Tư Mã Quang đang nhàn cư ở Lạc Dương, nhằm ngày mười lăm tháng giêng âm lịch là ngày tết nguyên tiêu (hội hoa đăng), phu nhân bèn muốn đi coi hội hoa đăng, Tư Mã Quang nói:
-      “Trong nhà có đốt đèn, cần gì phải đi coi chứ ?”
Phu nhân trả lời:
-      “Hội hoa đăng rất náo nhiệt vui nhộn, lại còn có thể nhìn du khách.”
Tư Mã Quang hỏi:
-      “Vậy tôi là quỷ sao ?”
                                                             (Hiên Cứ lục)

Suy tư:
     Con người ta thường thích cái gì mới lạ, dù cái mới lạ ấy mình đã có và đã thấy qua trong nhà mình: cũng thức ăn ấy, nhưng ăn của người hàng xóm thì cảm thấy ngon hơn ở nhà; cũng một lời khuyên ấy, nhưng con cái lại nghe lời người khác nói hơn là lời khuyên của cha mẹ anh chị; cũng một loại đèn ấy mà có khi còn đẹp hơn đèn của dân chúng bên ngoài, nhưng phu nhân thích ra ngoài coi hơn, vì ở đó vui vẻ náo nhiệt...
     Thời nay có những ông chồng không thích ăn cơm ở nhà, dù cơm nhà vợ con nấu ngon hơn cơm ở quán; có những bà vợ thích người khác khen mình hơn là chồng con khen; có những cha sở thích đi giảng tĩnh tâm cho các nhà thờ khác hơn là giảng ở nhà thờ của mình, tại sao vậy ?
     Thưa là vì họ có cái tâm vọng ngoại, mà khi tâm của vợ (chồng) đã vọng ngoại thì sẽ thấy vợ (chồng) mình không còn như xưa, gia đình sẽ lục đục, báo hiệu gia đình sẽ tan vỡ hạnh phúc sẽ bay đi; hoặc khi tâm của cha sở vọng ngoại thì cũng có nghĩa là các ngài rất ít quan tâm đến đời sống đạo đức của bổn đạo, và tính tình ngài ngày càng nóng nảy hơn khi giáo dân bàn hỏi việc đạo với ngài...

Sống tốt bổn phận và trách nhiệm của mình với tất cả yêu thương, thì chắc chắn “lồng đèn” của nhà mình cũng sẽ trở thành hội hoa đăng sáng rực như hội hoa đăng bên ngoài vậy, cần gì phải vọng ngoại chứ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Chúa nhật 3 phục sinh



CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Tin Mừng : Lc 24, 35-48
“Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.”

Anh chị em thân mến,
Lời đầu tiên hôm nay của Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng cũng chính là “bình an cho các con”, như thế để cho chúng ta hiểu ra rằng: bình an chính là hạnh phúc mà con người mãi mê tìm kiếm, nhưng tìm mãi tìm hoài mà cũng không tìm thấy bình an đích thực, chỉ là những bình an giả tạo mà thôi. Hôm nay tôi xin chia sẻ với anh chị em một thực tại sống động mà chúng ta -những người Ki-tô hữu- đang thực hiện, đó chính là mỗi người trở nên chứng nhân về việc Chúa đã chết và đã sống lại qua ngôn hành của chúng ta trong cuộc sống.

1.   Anh em có gì ăn không ?
Ma quỷ thì không có thân xác nên không thể ăn được, chỉ những ai còn sống mới biết đói biết khát, chỉ những ai đói mới đòi ăn và khát mới đòi uống, nhưng Đức Chúa Giê-su thì không phải vì đói vì khát mà xin ăn, nhưng chính là để chứng minh cho các môn đệ của Ngài biết rằng Ngài đã sống lại.

Đức Chúa Giê-su hỏi các môn đệ có gì ăn không, là để cho các tông đồ nhận ra Chúa chính là Thầy của mình đã từ cõi chết sống lại, đó cũng là một đòi hỏi của Tin Mừng: cho kẻ đói ăn.

Có rất nhiều người chung quanh chúng ta đang ngửa tay hỏi chúng ta: các anh các chị có gì ăn không ? Họ xin ăn không phải để nói rằng họ đã từ cõi chết sống lại, nhưng là để cho chúng ta nhận ra Đức Chúa Ki-tô phục sinh đang ở trong người của họ, để chúng ta nhận ra chính Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, chung quanh chúng ta, nơi những người đói khát, nghèo khó...

Các tông đồ đã mau mắn đem bánh lại cho Chúa ăn, các ngài vui mừng quá đổi vì Chúa đã sống lại.

Khi chúng ta mau mắn đưa cơm bánh cho người nghèo là chúng ta vui mừng vì được phục vụ Chúa Phục Sinh nơi người anh em chị em nghèo khó, đó chính là niềm vui phục sinh, là cách làm chứng cho mọi người biết rằng Đức Chúa Giê-su vẫn ngày ngày đang sống lại nơi mỗi một người Kitô hữu.

Ai có đói mới thấy quý từng mảnh vụn cơm bánh, ai có khát mới thấy từng giọt nước là quý, ai có ngửa tay nói anh có gì ăn không, mới thấy giá trị của sự sống là cao quý vô cùng, mới thấy rõ thật giá trị của cơm thừa canh cặn, mới thấy rõ sự nhục nhã của kiếp ăn xin nghèo đói. Do đó, chỉ cần một ánh mắt khinh bỉ, chỉ cần một lời nói bóng gió, chỉ cần một thái độ khinh khi là làm cho tâm hồn của họ thêm đau đớn...

Ai có cầm bánh đưa ra cho người nghèo đói ăn thì mới cảm nghiệm được niềm vui của tâm hồn, nó thanh thoát, nó toả lan đến những người chung quanh, bởi vì chính họ đã nếm được sự hạnh phúc của việc cho kẻ đói ăn tức là cho Chúa Giê-su Phục Sinh ăn...

2.   Anh em có gì ăn không ?
Đây không còn là một lời xin, đây cũng không còn là một lời đòi hỏi của người nghèo đói, nhưng là môt câu hỏi thân thiết quan tâm lẫn nhau giữa người với người, giữa anh em chị em với bè bạn.

Nếu mỗi ngày chúng ta gặp nhau mà hỏi: anh có gì ăn không, con cái anh có gì ăn không, để quan tâm và giúp đỡ, thì quả thật bình an của Thiên Chúa đang ở trong chúng ta. Một câu hỏi năm xưa của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh đã làm cho các tông đồ vui sướng như thế nào, thì hôm nay, một câu hỏi như thế của chúng ta đối với người anh em chị em, thì cũng khiến cho họ rất sung sướng và hạnh phúc, vì họ được biết có người luôn quan tâm đến họ và gia đình họ.

Nếu chúng ta ai cũng biết bỏ đi cái ích kỷ nhỏ nhen trong tâm hồn để nói với người hàng xóm đang chật vật vì miếng cơm : anh chị hôm nay có gì ăn không ? thì chính họ đã nhận ra được Tin Mừng phục sinh nơi con người của chúng ta, bởi vì chỉ có những ai có một tâm hồn bình an, yêu thương, khiêm tốn mới có thể thật lòng quan tâm đến người khác cách vô vị lợi.

Đức Chúa Giê-su không khách sáo khi nhận bánh nơi các môn đệ của mình, Ngài ăn ngay trước mặt các ông, cũng vậy, có những lúc chúng ta không cần hỏi anh em có gì ăn không, nhưng chúng ta vẫn có thể chủ động quan tâm giúp đỡ người anh em, đó chính là thái độ tích cực mà–có thể nói- chỉ có những Ki-tô hữu mới có thói quen tốt đẹp này...

Anh chị em thân mến,
Có lúc nào chúng ta hỏi người anh chị em nghèo đói bên cạnh nhà mình: anh chị em có cần gì không, tôi giúp đỡ ?

Có lúc nào chúng ta chủ động coi những người lân cận của mình hôm nay ai bị bệnh phải đi bệnh viện, ai già cả neo đơn, ai có con cái đông lo không xuể...?

Đó chính là chúng ta thay mặt Đức Chúa Giê-su Phục Sinh quan tâm đến anh chị em, đem bình an và hạnh phúc của Ngài đến cho mọi người vậy.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.