Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

15 điều đừng quên khi ăn tết


15 ĐIỀU ĐỪNG QUÊN KHI ĂN TẾT

Khi vui tết, đừng quên Thiên Chúa.
Khi mừng tuổi, đừng quên chúc phúc.
Khi kính nhớ tổ tiên, đừng quên cám ơn.
Khi uống rượu, đừng quên tiết chế.
Khi chơi lô tô, đừng quên lòng trong sáng.
Khi lái xe, đừng quên cầu nguyện.
Khi kẹt xe, đừng quên nhẫn nại.
Khi được lì xì, đừng quên dâng cúng.
Khi đi vui tết, đừng quên truyền giáo.
Khi họp mặt, đừng quên chia sẻ.
Khi gặp chuyện buồn, đừng quên đọc kinh.
Khi buồn rầu lo lắng, đừng quên phó thác.
Khi đắc ý, đừng quên khiêm tốn.
Khi giận dữ, đừng quên khoan dung.
Khi về quê ăn tết, đừng quên “kính Chúa yêu người”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch từ tiếng Hoa

Chia sẻ đầu năm...


ĐẦU NĂM CHIA SẺ CÂU HỎI CỦA BẠN:
ĐI TU CÓ ĐƯỢC VỀ NHÀ ĂN TẾT KHÔNG ?

1.
Tết dân tộc, tết quê hương.
Đó là những ngày linh thiêng nhất trong cuộc đời của những con dân nước Việt, từ khi có trí khôn cho đến khi về già đều không thể quên được ngày Tết dân tộc, tết quê hương của mình. Bởi vì chính ngày tết là ngày gợi lên rất nhiều tình cảm thân thương giữa con người với nhau: trong năm giận dỗi nhau, tết đến là xí xóa tất cả; trong năm cải vả chát chúa thậm chí không muốn nhìn mặt nhau, nhưng tết đến là lại làm hòa vui vẻ...

Tết làm cho mọi người như trẻ lại, do đó mới gọi là Xuân, trẻ mãi đẹp mãi như xuân, ai ai cũng nụ cười hớn hở trên môi; tết đến làm cho con người ta như quên đi tất cả mọi nhọc nhằn lo âu trong năm qua, dù vẫn biết khó khăn vẫn còn đó; tết đến làm cho mọi người như xích lại gần với nhau hơn vì chính mùa xuân là mùa đơm hoa kết quả, hoa của yêu thương và quả của phục vụ.

Còn những kẻ dâng mình làm tôi tớ Đức Chúa Trời thì sao, họ có được phép vui tết không, họ có thể vui xuân với mọi người không, họ có thể tạm thời gác công việc qua một bên để vui tết với quê hương, gia đình bà con thân thuộc không ? Đối với các tu sĩ nam nữ đi truyền giáo xa xôi và cả ở ngoại quốc có thể về nhà vui tết không.v.v...

Trước tết, có thầy đại chủng viện và các “xơ” (soeurs) trẻ quen biết đến thăm tôi để về nhà ăn tết, nhìn những khuôn mặt hớn hở của họ mà lòng tôi cũng vui không kém như mình được nghỉ về quê ăn tết vậy, không vui sao được khi họ sắp về nhà cùng với gia đình bà con thân thuộc và bạn bè đón vui cái tết đầm ấm yêu thương. Đó đó, dù ở nơi xa xôi, thậm chí cả ở nước ngoài xa xôi ngăn trở, người ta vẫn cứ mong về quê hương trong những dịp tết nguyên đán.

Trước khi là người công giáo, trước khi trở thành một linh mục hay một tu sĩ, thì chúng ta –trước hết- là người Việt Nam, mang trong mình dòng máu Việt Nam, cho nên dù cho bây giờ có người mang quốc tịch nước ngoài, thì tôi tin chắc rằng chúng ta vẫn cứ mong muốn được ăn tết trên quê hương của mình...

2.
Tết dân tộc, tết quê hương.
Về quê ăn tết với gia đình không phải là lỗi phạm lời khấn hứa từ bỏ của các tu sĩ nam nữ, nhưng là một sự an ủi khích lệ sau những năm tháng dài đi truyền giáo ở các xứ đạo hoặc cứ điểm truyền giáo xa xôi.

Đi tu là từ bỏ những gì thuộc về thế gian để theo Chúa, nhưng như thế nào mới là từ bỏ ?

Chúng ta đang sống trong thế gian này, hoặc nói theo đức tin thì Thiên Chúa đặt chúng ta sống ở trong thế gian này, chúng ta truyền giáo cho người của thế gian này, chúng ta dùng tất cả các phương tiện của thế gian này để truyền giáo, để tu hành.v.v...thì làm sao gọi là từ bỏ thế gian được ! Chúng ta không thể đi đi dạy học bằng đôi tay không: không cơ sở vật chất, không bàn ghế, không bút mực sách vỡ; chúng ta cũng không thể nói từ bỏ thế gian khi đang ở trong thế gian. Ai cũng biết rằng từ bỏ chính là từ bỏ cái hưởng thụ thế gian từ trong tâm hồn của mình: một linh mục chánh xứ xây dựng một nhà thờ nguy nga lộng lẫy, nhưng bản thân ngài không có giữ lại cho mình gì cả, đó là từ bỏ; một tu sĩ dạy học ở một trường đại học đầy đủ tiện nghi và lương tháng rất cao, nhưng vị tu sĩ không giữ gì lại cho mình, đó là từ bỏ; một linh mục chánh xừ ở trong một giáo xứ giàu có, mọi thứ không thiếu gì, nhưng ngài sống đời nghèo khó, đó là từ bỏ...

Cũng vậy, được nghỉ về quê ăn tết, vui tết với gia đình không phải là lỗi với tinh thần Phúc Âm, khi mà trong cộng đoàn bề trên cho phép, hoặc công việc truyền giáo không trở ngại gì nếu không có chúng ta. Có nhiều nhà dòng, hội dòng, cộng đoàn cho các thành viên thay nhau về nhà vui tết với gia đình bè bạn, đó cũng chính là một nét truyền giáo độc đáo làm cho người ta nhìn các linh mục tu sĩ cách gần gủi hơn, khi mà người ta có quan niệm đi tu là không được về thăm nhà, ngay cả cha mẹ qua đời cũng không được phép về.v.v...

Từ bỏ chính là từ bỏ cái tôi của mình, “tu” là chữa là trị. Chữa là sửa chữa cái xấu nơi bản thân mình cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm trong hiến pháp nội quy của nhà dòng, trị cũng là chữa trị các thói hư khuyết điểm của mình. “Đi tu” là đi sửa chữa cái xấu cái hư của mình trong một nhà dòng hoặc trong chúng viện, hoặc trong một cộng đoàn nào đó. “Tu” là sửa chữa cái tôi của mình, là bắt cái tôi của mình đi vào khuôn phép của đường hướng tu đức mà hiến chương hay luật dòng đưa ra.

Không ai bắt lỗi một linh mục hay một tu sĩ về nhà ăn tết với gia đình, người ta chỉ bắt lỗi khi vì vui tết mà các ngài uống rượu quá chén không xứng hợp với cương vị mục tử hoặc tu sĩ của mình; cũng không ai chỉ trích một người đã “đi tu” mà còn về nhà ăn tết, nhưng người ta chỉ trích khi những người đã “đi tu” nhưng chưa từ bỏ những tham vọng tham lam của thế gian mà thôi.

3.
Trước tết mấy ngày, không khí ngoài đường phố tấp nập hẳn lên vì ai ai cũng hối hả chạy đua với thời gian, hình như họ sợ năm mới vụt cái đến rồi, bởi vì ai cũng thấy sự chuẩn bị đón mừng năm mới thật quan trọng, nó có cái gì đó rất linh thiêng trong tâm hồn của mỗi người. Cha mẹ mong con làm ăn xa về sớm, con cái trong ngóng mẹ đi làm về dẫn mình đi chợ tết, những cặp tình nhân thì như mang cả mùa xuân đi khắp các nẽo đường phố chợ mua sắm, xem hoa.v.v... Ai cũng thấy đón mừng năm mới thật quan trọng.

Cũng vậy, không một linh đạo tu đức nào cấm người “đi tu” vui tết với gia đình, nhưng vì đức vâng lời, vì tinh thần phục vụ và truyền giáo mà người tu sĩ sẵn sàng hy sinh không về quê ăn tết với gia đình bạn bè, đó chính là sự từ bỏ đích thực của họ.

Chia sẻ với gia đình bạn bè niềm vui trong ngày tết –nếu có thể được- thì rất nên, tuy rằng một con én không làm nên mùa xuân, nhưng nếu trong một gia đình, một giáo xứ mà có người “đi tu” về quê ăn tết thì đó chính là một dấu chỉ của sự từ bỏ, là một mẫu gương sáng đậm nét ơn thiên triệu nơi các bạn trẻ trong giáo xứ, bởi vì con người thời nay cần những gương sáng, cần những chứng nhân hơn là những lời nói suôn, cần những việc làm cụ thể hơn lý thuyết.

Thiên Chúa là tình yêu, thời gian là của Chúa, quá khứ hiện tại và tương lai là của Chúa. Chúa ban cho nhân loại mỗi dân tộc đều có một một mùa xuân để mọi người được nghỉ ngơi đón xuân, chúc cho nhau những lời tốt đẹp nhất trong năm mới.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Ngày cuối năm Quý Tỵ

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Nhất định là con chó ấy

NHẤT ĐỊNH LÀ CON CHÓ ẤY


Lục Dư Khánh bắt đầu làm thượng thư, về sau vì năng lực không đủ nên chuyển qua làm trưởng sứ Lạc châu.
Con trai của ông ta cười phụ thân không có năng lực, len lén viết mấy chữ bỏ nơi bàn viết của bố: “Ngòi bút của Lục Dư Khánh không có lực, mồm miệng thì nói cứng, một ngày nhận kiện cáo, mười ngày xử không xong”.
Lục Dư Khánh vừa nhìn thấy liền biết ngay là ai viết, lớn tiếng chửi:
-         “Nhất định là con chó ấy làm”,
Thế là đánh cho thằng con một trận.
                                     (Triều Dã Thiểm Tải)
Suy tư :
     Trong gia đình, con cái thường cảm phục cha mình hơn mẹ, vì đối với các em, cha là người “việc chi cũng biết, làm cái gì cũng xong”, nhưng khi con cái lớn lên thì cái cảm phục này cũng đi xuống từ từ, vì xã hội tiến quá nhanh, nhanh đến mức cha mẹ trở thành lạc hậu đối với con cái.
     Nhưng dù cho xã hội tiến nhanh đến đâu, con cái học hành đến cở nào, chúng nó cũng sẽ không bao giờ mất đi sự kính trọng và cảm phục nơi cha mẹ nếu cha mẹ sống đạo đức, yêu mến Lời Chúa và hướng dẫn con cái sống theo tin thần của Chúa dạy.
     Cha đạo gốc nhưng rất ít đi lễ nhà thờ, mẹ đạo dòng nhưng thường hay gây gổ với hàng xóm, thì thử hỏi con cái sẽ nghĩ như thế nào về cha mẹ của chúng nó ? Chúng nó sẽ không viết giấy tố cáo cha mẹ không có năng lực giáo lý rồi len lén để trên bàn bố, nhưng chúng nó sẽ công khai bắt chước cha mẹ nó không đi lễ nhà thờ, không thèm đi học giáo lý, và cuối cùng là ly khai gia đình đi bụi với bạn bè, bởi vì chỉ có hai con đường mà chúng nó sẽ phải chọn một trong hoàn cảnh đó: một là học hỏi cha mẹ không đi lễ nhà thờ, hai là bắt chước bạn bè xấu đi bụi đời ?

     Gia đình là trường học thứ nhất và cha mẹ là người thầy đấu tiên dạy con cái nên người tốt, nên người tốt chứ không phải nên người thông minh xuất chúng, cho nên cái cần thiết nơi cha mẹ là làm gương tốt cho con cái noi theo, mà gương lành tốt đẹp nhất chính là kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Không mất chìa khóa

KHÔNG MẤT CHÌA KHÓA

Ngày xưa có một anh ngốc đi về kinh thành để dự thi, cái túi da đựng nhiều đồ vật của anh ta bị ăn trộm.
Anh ta nói: “Dù ăn trộm đã lấy cái túi da của tôi, nhưng suốt đời nó sẽ không sử dụng được những đồ vật bên trong của tôi, bởi vì chìa khóa vẫn còn nằm ở trong túi áo của tôi đây !”
                                      (Triều Dã Thiêm Tải)
Suy tư:
     Chúng ta thường có quan niệm, trong các bí tích, nói đúng hơn là bảy bí tích mà Đức Chúa Giê-su đã lập ra thì bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu: tình yêu của người hiến dâng mạng sống của mình vì bạn hữu, tình yêu của Đấng đã trở nên của ăn của uống nuôi sống linh hồn chúng ta, đó là xét theo mặt thần học của bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên lấy theo “lẽ công bằng” mà nói, thì tất cả bảy bí tích mà Đức Chúa Giê-su đã lập đều nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, trong mỗi một bí tích đều hiển hiện rất rõ ràng tình yêu của Đấng tạo hoá đối với loài thụ tạo, tình yêu của bố mẹ đối với con cái.
    Cũng như anh chàng ngốc cười tên ăn trộm không thể sử dụng đồ vật trong túi da của mình, vì nó không có chìa khoá ! Cũng vậy ma quỷ sẽ cười ngược lại chúng ta là có đầy đủ tất cả phương tiện (bí tích) mà không biết sử dụng sao cho phải để khỏi mất linh hồn !
Bởi vì có những tín hữu coi bảy bí tích như món đồ cổ đợi đến ngày lễ giáng sinh và phục sinh thì đem ra đánh bóng rồi ngó ngó nhìn nhìn sau đó lại quăng vào góc xó tâm hồn và quên mất tiêu; cũng có những tín hữu coi các bí tích như những đồ trang sức thời thượng, thường xuyên tham dự các bí tích nhưng trong tâm hồn và cuộc sống không thấy thay đổi chút nào, họ thoải mái đi rước lễ khi đang mắc tội trọng, họ đi xưng tội như đem thùng rác đi đổ mà không chịu kì cọ rửa ráy cho sạch, nghĩa là họ không chịu sửa đổi lỗi lầm.v.v...

Đừng ỷ lại vào các bí tích như tấm bùa hộ mạng, nhưng hãy trông cậy vào lòng nhân từ và tình yêu của Chúa nơi các bí tích, như thế chúng ta mới có thể giữ được linh hồn của mình mà không sợ ma quỷ đến lấy trộm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Xích cùm chó, xỏ mũi bê

XÍCH CÙM CHÓ, XỎ MŨI BÊ


Vương Nghĩa Cung rất thích đồ vật cổ, hể gặp quan viên triều đình ở đâu cũng đều xin xỏ.
Quan thị lang họ Hà đã có tặng cho ông ta, nhưng Vương Nghĩa Cung vẫn cứ yêu cầu ông ta mãi không thôi, họ Hà cảm thấy rất là chán nản.
Một ngày nọ họ Hà xuất hành, nhìn thấy vòng đeo cổ của chó và tấm tạp dề bị rách, bèn ra lệnh cho thủ hạ nhặt đem về, sau khi đem đựng vào trong rương thì đem qua tặng cho Vương Nghĩa Cung, trong thư viết:
-         “Thừa tướng, ngài hết lần này sang lần khác muốn đồ cổ, bây giờ tôi xin phụng hiến ngài cái cùm chó của Lý Tư , sợi dây xỏ mũi con bê của Tương Như ”
                                         (Hài Cự lục)
Suy tư:
     Tham nhũng, hối lộ là căn bệnh của mọi thế kỷ và của mọi triều đại, người ta nói cương quyết chống tham nhũng, nhưng tham nhũng vẫn cứ trơ trơ như đá tảng khó mà triệt nổi; người ta hô hào chống tham nhũng, bài trừ hối lộ, nhưng tham nhũng và hối lộ cứ như hai chị em vẫn...dung dăng dung dẻ dắt tay dạo chơi từ thành phố đến thôn quê, từ cơ quan cao cấp nhất đến cơ cấu thấp nhất của xã hội, và thậm chí, có những nơi người ta khen tham nhũng hối lộ là người biết điều...
     Thiên Chúa không hề xin xỏ một ai, vậy mà có những lúc Ngài như năn nỉ chúng ta cho Ngài cái này, cho Ngài cái nọ: Ngài năn nỉ chúng ta cho Ngài quả tim của chúng ta, Ngài năn nỉ chúng ta cho Ngài công việc làm của chúng ta dù thất bại hay thành công.

Ngài xin để rồi ban lại gấp trăm ngàn lần cái Ngài xin nơi chúng ta, chúng ta có vui vẻ dâng cho Ngài cái mà Ngài cần nơi chúng ta không, đó là tình yêu của chúng ta đối với Ngài.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư