Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Chia sẻ đầu năm...


ĐẦU NĂM CHIA SẺ CÂU HỎI CỦA BẠN:
ĐI TU CÓ ĐƯỢC VỀ NHÀ ĂN TẾT KHÔNG ?

1.
Tết dân tộc, tết quê hương.
Đó là những ngày linh thiêng nhất trong cuộc đời của những con dân nước Việt, từ khi có trí khôn cho đến khi về già đều không thể quên được ngày Tết dân tộc, tết quê hương của mình. Bởi vì chính ngày tết là ngày gợi lên rất nhiều tình cảm thân thương giữa con người với nhau: trong năm giận dỗi nhau, tết đến là xí xóa tất cả; trong năm cải vả chát chúa thậm chí không muốn nhìn mặt nhau, nhưng tết đến là lại làm hòa vui vẻ...

Tết làm cho mọi người như trẻ lại, do đó mới gọi là Xuân, trẻ mãi đẹp mãi như xuân, ai ai cũng nụ cười hớn hở trên môi; tết đến làm cho con người ta như quên đi tất cả mọi nhọc nhằn lo âu trong năm qua, dù vẫn biết khó khăn vẫn còn đó; tết đến làm cho mọi người như xích lại gần với nhau hơn vì chính mùa xuân là mùa đơm hoa kết quả, hoa của yêu thương và quả của phục vụ.

Còn những kẻ dâng mình làm tôi tớ Đức Chúa Trời thì sao, họ có được phép vui tết không, họ có thể vui xuân với mọi người không, họ có thể tạm thời gác công việc qua một bên để vui tết với quê hương, gia đình bà con thân thuộc không ? Đối với các tu sĩ nam nữ đi truyền giáo xa xôi và cả ở ngoại quốc có thể về nhà vui tết không.v.v...

Trước tết, có thầy đại chủng viện và các “xơ” (soeurs) trẻ quen biết đến thăm tôi để về nhà ăn tết, nhìn những khuôn mặt hớn hở của họ mà lòng tôi cũng vui không kém như mình được nghỉ về quê ăn tết vậy, không vui sao được khi họ sắp về nhà cùng với gia đình bà con thân thuộc và bạn bè đón vui cái tết đầm ấm yêu thương. Đó đó, dù ở nơi xa xôi, thậm chí cả ở nước ngoài xa xôi ngăn trở, người ta vẫn cứ mong về quê hương trong những dịp tết nguyên đán.

Trước khi là người công giáo, trước khi trở thành một linh mục hay một tu sĩ, thì chúng ta –trước hết- là người Việt Nam, mang trong mình dòng máu Việt Nam, cho nên dù cho bây giờ có người mang quốc tịch nước ngoài, thì tôi tin chắc rằng chúng ta vẫn cứ mong muốn được ăn tết trên quê hương của mình...

2.
Tết dân tộc, tết quê hương.
Về quê ăn tết với gia đình không phải là lỗi phạm lời khấn hứa từ bỏ của các tu sĩ nam nữ, nhưng là một sự an ủi khích lệ sau những năm tháng dài đi truyền giáo ở các xứ đạo hoặc cứ điểm truyền giáo xa xôi.

Đi tu là từ bỏ những gì thuộc về thế gian để theo Chúa, nhưng như thế nào mới là từ bỏ ?

Chúng ta đang sống trong thế gian này, hoặc nói theo đức tin thì Thiên Chúa đặt chúng ta sống ở trong thế gian này, chúng ta truyền giáo cho người của thế gian này, chúng ta dùng tất cả các phương tiện của thế gian này để truyền giáo, để tu hành.v.v...thì làm sao gọi là từ bỏ thế gian được ! Chúng ta không thể đi đi dạy học bằng đôi tay không: không cơ sở vật chất, không bàn ghế, không bút mực sách vỡ; chúng ta cũng không thể nói từ bỏ thế gian khi đang ở trong thế gian. Ai cũng biết rằng từ bỏ chính là từ bỏ cái hưởng thụ thế gian từ trong tâm hồn của mình: một linh mục chánh xứ xây dựng một nhà thờ nguy nga lộng lẫy, nhưng bản thân ngài không có giữ lại cho mình gì cả, đó là từ bỏ; một tu sĩ dạy học ở một trường đại học đầy đủ tiện nghi và lương tháng rất cao, nhưng vị tu sĩ không giữ gì lại cho mình, đó là từ bỏ; một linh mục chánh xừ ở trong một giáo xứ giàu có, mọi thứ không thiếu gì, nhưng ngài sống đời nghèo khó, đó là từ bỏ...

Cũng vậy, được nghỉ về quê ăn tết, vui tết với gia đình không phải là lỗi với tinh thần Phúc Âm, khi mà trong cộng đoàn bề trên cho phép, hoặc công việc truyền giáo không trở ngại gì nếu không có chúng ta. Có nhiều nhà dòng, hội dòng, cộng đoàn cho các thành viên thay nhau về nhà vui tết với gia đình bè bạn, đó cũng chính là một nét truyền giáo độc đáo làm cho người ta nhìn các linh mục tu sĩ cách gần gủi hơn, khi mà người ta có quan niệm đi tu là không được về thăm nhà, ngay cả cha mẹ qua đời cũng không được phép về.v.v...

Từ bỏ chính là từ bỏ cái tôi của mình, “tu” là chữa là trị. Chữa là sửa chữa cái xấu nơi bản thân mình cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm trong hiến pháp nội quy của nhà dòng, trị cũng là chữa trị các thói hư khuyết điểm của mình. “Đi tu” là đi sửa chữa cái xấu cái hư của mình trong một nhà dòng hoặc trong chúng viện, hoặc trong một cộng đoàn nào đó. “Tu” là sửa chữa cái tôi của mình, là bắt cái tôi của mình đi vào khuôn phép của đường hướng tu đức mà hiến chương hay luật dòng đưa ra.

Không ai bắt lỗi một linh mục hay một tu sĩ về nhà ăn tết với gia đình, người ta chỉ bắt lỗi khi vì vui tết mà các ngài uống rượu quá chén không xứng hợp với cương vị mục tử hoặc tu sĩ của mình; cũng không ai chỉ trích một người đã “đi tu” mà còn về nhà ăn tết, nhưng người ta chỉ trích khi những người đã “đi tu” nhưng chưa từ bỏ những tham vọng tham lam của thế gian mà thôi.

3.
Trước tết mấy ngày, không khí ngoài đường phố tấp nập hẳn lên vì ai ai cũng hối hả chạy đua với thời gian, hình như họ sợ năm mới vụt cái đến rồi, bởi vì ai cũng thấy sự chuẩn bị đón mừng năm mới thật quan trọng, nó có cái gì đó rất linh thiêng trong tâm hồn của mỗi người. Cha mẹ mong con làm ăn xa về sớm, con cái trong ngóng mẹ đi làm về dẫn mình đi chợ tết, những cặp tình nhân thì như mang cả mùa xuân đi khắp các nẽo đường phố chợ mua sắm, xem hoa.v.v... Ai cũng thấy đón mừng năm mới thật quan trọng.

Cũng vậy, không một linh đạo tu đức nào cấm người “đi tu” vui tết với gia đình, nhưng vì đức vâng lời, vì tinh thần phục vụ và truyền giáo mà người tu sĩ sẵn sàng hy sinh không về quê ăn tết với gia đình bạn bè, đó chính là sự từ bỏ đích thực của họ.

Chia sẻ với gia đình bạn bè niềm vui trong ngày tết –nếu có thể được- thì rất nên, tuy rằng một con én không làm nên mùa xuân, nhưng nếu trong một gia đình, một giáo xứ mà có người “đi tu” về quê ăn tết thì đó chính là một dấu chỉ của sự từ bỏ, là một mẫu gương sáng đậm nét ơn thiên triệu nơi các bạn trẻ trong giáo xứ, bởi vì con người thời nay cần những gương sáng, cần những chứng nhân hơn là những lời nói suôn, cần những việc làm cụ thể hơn lý thuyết.

Thiên Chúa là tình yêu, thời gian là của Chúa, quá khứ hiện tại và tương lai là của Chúa. Chúa ban cho nhân loại mỗi dân tộc đều có một một mùa xuân để mọi người được nghỉ ngơi đón xuân, chúc cho nhau những lời tốt đẹp nhất trong năm mới.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Ngày cuối năm Quý Tỵ