LỄ TRUYỀN GIÁO
Tin
mừng : Mt 28, 19-20.
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở
thành môn đệ”.
Anh chị em thân mến,
Mỗi năm một lần,
giáo hội –trong ngày Truyền Giáo- đã long trọng nhắc nhở chúng ta về vai trò và
bổn phận của người Ki-tô hữu trong cuộc sống ở trần gian, đó là sống và làm chứng
nhân cho Tin Mừng, tức là truyền giáo. Truyền giáo tức là đem cái mình đã tin,
đã cảm nghiệm và đã sống cho người khác cùng tin, cùng cảm nghiệm, và cùng sống
như chúng ta.
Truyền giáo ở đâu ? Thưa, ở đâu có mặt
chúng ta thì đó là địa điểm truyền giáo của mình, nhưng có ba nơi mà chúng ta cần
làm chứng cho Tin Mừng.
1. Tôi thường nhắc nhở giáo dân rằng gia đình là nơi truyền giáo đầu tiên của
người Ki-tô hữu, họ cười và nói rằng gia đình của mình toàn là đạo gốc, ai
cũng có đạo hết, truyền giáo làm gì nữa ! Vâng, gia đình toàn là người có đạo,
nhưng cuộc sống của mỗi người trong gia đình chưa chắc là cuộc sống của người
có đạo: ông bố thì cả ngày say lè nhè, bà mẹ thì buồn bực hết la rầy con cái đến
mắng chồng, thế là gia đình mất đi cái hạnh phúc thuở ban đầu mới cưới nhau, hoặc
là bố mẹ thì siêng năng đi lễ đọc kinh, làm việc lành, nhưng con cái thì sống
như những người vô đạo, có đứa thì lấy chồng lấy vợ không theo phép đạo, có đứa
thì bỏ nhà đi bụi, có đứa thì không đến nhà thờ.v.v...
Cha mẹ có trách nhiệm truyền giáo cho con
cái bằng những gương lành gương tốt, con cái có bổn phận truyền giáo cho cha mẹ
bằng sự vâng lời, chăm chỉ học hành vì lòng yêu mến Thiên Chúa.
2. Địa điểm thứ hai mà chúng ta phải truyền
giáo là giáo xứ của chúng ta, trong
giáo xứ có cha sở, cha phó, ban đại diện giáo dân và giáo dân, tất cả tập hợp lại
thành một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa và rao truyền Lời của Thiên Chúa cho
mọi người, tuy nhiên không phải tất cả mọi giáo dân đều trở thành người gương mẫu,
không phải tất cả giáo dân đều là con cái ngoan của giáo hội và của Thiên Chúa
!
Có những giáo dân vì bất mãn một ai đó mà không
đến nhà thờ hoặc không tham dự các sinh hoạt chung ở giáo xứ, chúng ta phải
truyền giáo cho họ; có những giáo dân chỉ có tên trong sổ Rửa Tội mà thôi,
nhưng cuộc sống của họ thì không phải là người công giáo; có những giáo dân
thích chia rẻ người này với người nọ trong giáo xứ.v.v…tất cả những thực trạng ấy,
cũng rất đáng để cho chúng ta quan tâm và cầu nguyện, cũng có nghĩa là chúng ta
phải truyền giáo cho giáo xứ của chúng ta.
Cha sở và cha phó có trách nhiệm làm gương
lành gương tốt cho giáo dân noi theo, bởi vì giáo dân đều nhìn vào các linh mục
để bắt chước các ngài: tốt cũng bắt chước mà xấu cũng bắt chước; mỗi giáo dân đều
có bổn phận truyền giáo cho nhau bằng chính đời sống phục vụ và yêu thương của
mình.
3. Nơi thứ ba mà chúng ta phải truyền giáo
là công sở, công ty, trường học, chợ búa
hoặc là nơi nào có sự hiện diện của
chúng ta.
Khi mà trong gia đình và nơi giáo xứ chúng
ta đã làm tốt bổn phận của người Ki-tô hữu, thì tinh thần truyền giáo này cũng
đi theo chúng ta đến những nơi mà chúng ta đang làm việc, học hành, buôn bán. Trong
tất cả những nơi ấy, chúng ta đều trở nên những nhà truyền giáo sống động và nhiệt
tình, bằng những việc làm cụ thể đơn giản và rất đời thường như một cái bắt tay
với nụ cười tươi, như chu toàn bổn phận được giáo phó, như sống hòa nhã với mọi
người.v.v...tất cả đều thấm nhuần tinh thần bác ái của Phúc Âm, thế là người ta
dần dần nhận ra khuôn mặt của Đức Chúa Giê-su Ki-tô nơi chúng ta rồi vậy.
Anh chị em thân mến,
Mệnh lệnh truyền giáo của Đức Chúa Giê-su
không những cho các tông đồ mà thôi, nhưng còn cho tất cả những ai đã được lãnh
nhận bí tích Rửa Tội, tức là những người Ki-tô hữu chúng ta.
Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên
Chúa, ngày hôm nay chúng ta tự hỏi: cuộc đời tôi đã có bao nhiều lần làm chứng
nhân cho Đức Chúa Giê-su, và có bao nhiêu lần tôi đã bỏ qua cơ hội làm chứng
cho Chúa Giê-su, cho đức tin mà tôi đã tin theo ?
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng
ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.