83. CHIM SÁO A DUA
Ở trên vách núi dựng đứng của ngọn núi Nữ Nhi có rất
nhiều chim khách làm tổ, một hôm có một con hổ đi ngang phía dưới vách núi, làm
cho bầy chim khách vô cùng kinh hoảng, lập tức la hét huyên náo cả lên. Lúc ấy
có mấy “anh” chim sáo ở hang động kế bên cũng bay ra góp phần ồn ào.
Con chim cu gáy hỏi chim khách vì sao mà náo loạn lên
vậy, chim khách nói :
-
“Nếu lão hổ hú lên một trận gió thì chúng tôi thật là
khổ cực, bởi vì tất cả cái tổ đều bị thổi rơi xuống, do đó mà phải la hét ồn ào
để đuổi nó đi”.
Chim cu gáy lại hỏi chim sáo, chim sáo ấp úng không biết
làm sao trả lời, một lúc sau mới nói:
-
“Chúng tôi cũng không biết tại sao nữa, chỉ biết là
cùng chim khách la ó náo nhiệt cho vui mà thôi”.
Chim cu gáy cảm thấy nực cười, nói:
-
“Tổ của chim khách làm ở trên vách núi dựng đứng nên sợ
gió thổi rớt xuống đã đành, còn các anh ở sâu trong hang động, có gì mà la hét ồn
ào như thế chứ ?”
(Úc
Ly tử)
Suy
tư 83:
Chim sáo thấy bầy chim khách la ó vang
trời, thì cũng bay ra đùa giỡn la ó cho vui, mà không hiểu nguyên nhân tại sao
mình lại làm như thế, người bây giờ gọi đó là a dua.
A dua tức là thấy người ta làm gì hay dở
không biết, cứ vỗ tay “đốc” thêm cho vui.
Người a dua là người không có lập trường
hoặc là người lập trường không vững, họ thấy bên nào đông đúc thì cứ hùa theo,
dù bên số đông có sai lầm...
Ở trong giáo xứ cũng có những giáo hữu a
dua, họ a dua theo một số người để chửi và để công kích cha sở, vì ngài đã làm
cho họ mất đặc quyền đặc lợi trong nhà thờ; họ a dua theo một số người có máu mặt
trong giáo xứ và thành lập một nhóm khác để xúi giục, rỉ tai giáo dân phản đối
cha sở và ban hành giáo...
Người a dua là tên tay sai đắc lực của
sa tan tức là ma quỷ, nó làm cho trong giáo xứ mất đoàn kết, nó làm cho các
thành viên trong cộng đoàn nghi kỵ lẫn nhau.
Người Ki-tô hữu trưởng thành là người biết
chịu trách nhiệm lời nói và hành vi của mình, trái lại, người Ki-tô hữu a dua
là người đem trách nhiệm của mình đổ trên đầu người khác và lớn tiếng thoá mạ bất
kỳ ai khi quyền lợi mình bị đụng chạm.
(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)