15. ĐỢI NGƯỜI THỜI TRƯỚC
Thời nhà Minh có một thư sinh, trong nhà có cất giấu rất nhiều tài liệu viết về kho tàng châu báu của thời đại nhà Tống.
Một hôm, có một nhà thư họa đến thì có người nói với anh ta:
- “Trong nhà của anh cất giữ giấy tờ của nhà Tống rất tốt, tại sao không mời nhà thư họa ấy đến vẽ cho ?”
Thư sinh trả lời:
- “Giấy viết thời nhà Tống trong nhà tôi thì phải đợi người họa sĩ của thời đại nhà Tống đến vẽ !”
(Nhã Ngược)
Suy tư 15 :
Họa sĩ thời nhà Tống chắc chắn là đã về chầu ông bà tổ tiên, bởi vì từ nhà Tống đến nhà Minh cũng phải mất mấy trăm năm, cho nên chỉ có những người không thức thời mới như thế mà thôi.
Có những người Ki-tô hữu giữ đạo kiểu như thế, mỗi khi đến nhà thờ là chê bàn thờ không làm đúng kiểu như thời trước công đồng Vatican II; lại có người cứ phàn nàn với cha sở là tại sao lại để cho mấy ông giáo dân lên trao Mình Thánh Chúa mà trước kia thì đâu có chuyện ấy; lại có người trách cha sở là sao không dạy con nít đọc kinh cho nhiều, mà cứ bắt học giáo lý thánh kinh, phúc âm, mà trước đây mấy chục năm đâu có như vậy.v.v...
Ngọn gió của Chúa Thánh Thần không phải là cái máy lạnh khi nóng thì mở khi lạnh thì tắt, hoặc thích thì mở hết ga, không thích thì mở nhè nhẹ cho ráo mồ hôi. Nhưng Ngài chính là Thần Khí của Thiên Chúa ở với Giáo Hội, hướng dẫn Giáo Hội và đổi mới Giáo Hội cho phù hợp với chương trình của Thiên Chúa, qua mọi thời đại của các biến cố trong lịch sử loài người...
Đợi họa sĩ thời nhà Tống đến vẽ thì chẳng khác chi người giáo dân bảo thủ, không thức thời và trách cha sở của mình là “lạc đạo”, bởi vì những người ấy không mở rộng tâm hồn để đón luồng gió mới của Chúa Thánh Thần.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)