TRANH HÁT BÀI CA NỔI TIẾNG
Trong thành Hàm Đan có một nhạc
sư, bởi vì không mấy nổi tiếng, cho nên nhạc của ông ta rất ít người học hát.
Một hôm, ông ta phổ một bản nhạc
mới, rồi giả mạo là một tác giả nổi tiếng của họ Lý thời cổ viết bản nhạc ấy.
Thế là có rất nhiều người
thích âm nhạc tranh nhau học hát, và cho rằng đây là một bản nhạc hiếm có,
nhưng về sau biết đó không phải là bài hát của họ Lý, thì lại không hát bài ấy
nữa.
(Chuẩn Nam tử)
Suy tư:
Thời xưa cũng như thời nay, thời
nào cũng có những người vì muốn được nổi tiếng mà mạo danh của những nhân vật
tiếng tăm để lòe để bịp mọi người, và cũng để khoe khoang tài năng của mình. Từ
trong lãnh vực khoa học, cho đến lãnh vực buôn bán, văn học, nghệ thuật.v.v...đều
có sự giả mạo tên tuổi của những người nổi danh, và thậm chí, ngay cả trong tôn
giáo cũng có người mạo danh là linh mục này, hòa thượng nọ, để lừa bịp những
người ngay lành.
Và trong lãnh vực của đời sống
thiêng liêng cũng có những lúc chúng ta “mạo danh” đức ái để mưu lợi cho cá
nhân mình, nào là lấy tên hội đoàn này, đoàn thể nọ để quyên góp tiền của vật
chất giúp cho việc chung thì ít, mà bỏ túi riêng thì nhiều ; nào là mượn danh
nghĩa của hội từ thiện để giúp đỡ cho người nghèo, để “tiếng tăm bác ái” của
mình được mọi người biết đến. Tất cả mọi kiểu mạo danh ấy đều là con đẻ của tà
thần đội lốt thiên thần để bịp mọi người, và để lừa dối ngay cả chính bản thân
của mình nữa, bởi vì một cá nhân không tự tin vào chính mình, thì không thể là
một con người đáng để cho kẻ khác tin theo.
Cũng có những lúc, tuy tôi
không mạo danh người này người nọ để lừa bịp người khác, nhưng tôi lợi dụng thiên
chức linh mục và tu sĩ của mình, để thủ lợi và thỏa mãn cho nhu cầu cá nhân...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư