Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Người nước Sở bán mẹ

NGƯỜI NƯỚC SỞ BÁN MẸ
 
 

Nước Sở có một người đem mẹ đi bán làm đầy tớ cho người ta, lúc sắp chia tay, thì ông ta thành khẩn cầu xin với chủ nhân:

- “Mẹ tôi đã già, không thể làm những công việc nặng, xin ngài đối đãi tốt với bà chút xíu”.
(Chuẩn Nam tử)

Suy tư:

     Đem con đi bán thì có, chứ đem mẹ đi bán –nếu có thật- thì quả là chuyện tày trời.

     Thời nay không có (hoặc rất ít) người con nào đem cha mẹ đi bán, nhưng đem cha mẹ gởi vào viện dưỡng lão thì có, viện dưỡng lão được thành lập mục đích ban đầu là nuôi những người già cô thế cô thân, nghèo đói không người chăm sóc…, dần dần viện dưỡng lão trở thành “có giá” vì cuộc sống văn minh, khoa học của con người ngày càng cao, hưởng thụ càng nhiều, nên con cái không có thời giờ chăm sóc cho cha mẹ già yếu...

     Đem cha mẹ gởi vào viện dưỡng lão không có gì phải trách, cái đáng trách chính là khi con cái gởi cha mẹ vào viện dưỡng lão rồi thì một năm mười hai tháng, chẳng hề ngó ngàng gì đến cha mẹ, bỏ mặc cha mẹ cho mấy nhân viên chăm sóc tốt xấu thế nào cũng mặc; cái đáng trách chính là sự thờ ơ của con cái đối với đấng sinh thành dưỡng dục mình nên người, đang bị con cái coi như một “quả báo” mà họ phải gánh chịu.

     Sách Huấn Ca đã dạy cho chúng ta, những người làm con phải đối xử như thế nào với cha mẹ :

     “Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục,

và tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con.

Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang

lúc cha mình được tôn kính ;

và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê.

Con ơi, hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già ;

bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi.

Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông,

chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.

Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng,

và sẽ đền bù tội lỗi cho con.

Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó,

và các tội con sẽ biến tan

như sương muối biến tan khi đẹp trời.

Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn,

ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa”[1]
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư







[1] Hc 3, 10-16.