Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Trâu chọi vẫy đuôi


TRÂU CHỌI VẪY ĐUÔI
Có một mục đồng (người chăn trâu) đi trên đường, nhìn thấy Xã Xử Sĩ đang phơi những bức tranh đã cất giữ lâu năm dưới ánh mặt trời, thế là tò mò đứng lại coi.
Lúc đang coi bức tranh “trâu chọi” của nhà danh họa Đới Tùng, thì bất chợt cười to lên, Xã Xử Sĩ bèn hỏi anh ta tại sao mà cười ? Mục đồng trả lời:
-         “Hai con trâu chọi nhau mà lắc đuôi à, thấy ở đâu vậy ? Trâu lúc chọi nhau, cái đuôi của nó phải bám thật chặt giữa hai bắp đùi mới đúng chứ !”
                                     (Tô Đông Pha tập)
Suy tư:
     Có một giáo dân hỏi cha sở của mình: “Thưa cha, tại sao Đức Chúa Giê-su sống lại ở trên cây thánh giá, không phải Chúa chết trên thánh giá sao ?” - ông ta hỏi như vậy là vì ở giữa trên gian cung thánh có treo tượng thánh giá thật lớn và thay vì Đức Chúa Giê-su chịu chết trần truồng, khổ đau, thì lại thay vào đó hình Đức Chúa Giê-su sống lại mặc áo trắng sáng ngời... Cha sở giải thích: “Có qua thánh giá mới đến vinh quang...”
     Giải thích thì rất đúng và xác đáng, nhưng cách trình bày thì hơi “lệch lạc” với giáo dân dù hiểu hay không hiểu giáo lý, thì vẫn cứ tin tưởng rằng Đức Chúa Giê-su chịu chết trên cây thánh giá, chứ không phải sống lại trên cây thánh giá. Dù không treo hình Đức Chúa Giê-su phục sinh trên thánh giá, thì tất cả mọi tín hữu đều biết là Ngài đã chết trên thánh giá và từ trong mồ Ngài đã sống lại; dù không treo hình Đức Chúa Giê-su sống lại trên thánh giá, thì giáo dân vẫn hiễu và tin rằng, Đức Chúa Giê-su đã chịu đau khổ, chịu chết và sống lại vinh quang...
     Đem hình ảnh Chúa Phục sinh từ trong mồ đá (không phải trên thập giá) mà treo lên, thì người ta vẫn dễ hiểu hơn, hoặc treo hình thánh giá có Đức Chúa Giê-su khổ nạn thì người ta vẫn thích hơn, hơn là treo hình thánh giá mà có hình Đức Chúa Giê-su phục sinh, bởi vì –đơn sơ mà nói- không ai bị treo trên thánh giá mà...vui vẻ cả, nó mất đi ý nghĩa của “mầu nhiệm cứu chuộc” và “mầu nhiệm khổ đau” của đạo Công Giáo chúng ta, và hình như trong các sách Phúc Âm không có đoạn nào câu nào nói Đức Chúa Giê-su sống lại trên thánh giá cả, chẳng qua chỉ là ý tưởng của các nhà nghệ thuật mà thôi.

     Không ai nhìn cây thánh giá có hình Đức Chúa Giê-su sống lại mà nói là tượng khổ nạn, cũng vậy không ai nhìn cây thánh giá mà nói tượng phục sinh, nhưng nói tượng Thánh Giá, nghĩa là trên thánh giá có Đức Chúa Giê-su chịu đóng đinh và chết vì yêu nhân loại tội lỗi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư