Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Ăn nhang đền, ăn phân ngựa




ĂN NHANG ĐÈN, ĂN PHÂN NGỰA
Thời Tống, nhân viên đặc phái hệ thống lãnh đạo tam ban viện có tám ngàn người, công tác ở bên ngoài.
Mỗi năm lúc ăn tết nguyên đán, họ cùng nhau tập trung vốn lại bố thí cho hòa thượng và tiến (dâng) hương, cùng nhau cầu thọ cho hoàng thượng, những khoản tiền này gom lại gọi là “tiền nhang đèn”.
Đại quan chủ quản của tam ban viện thường lợi dụng lúc tiền nhiều một chút thì lấy chi tiêu cho việc ăn uống. Phó phán quan quản lý đám ngựa thống lĩnh tất cả các công việc của phường (ngựa) trong ngoài cung, lương bổng so với các quan khác thì rất phong phú hậu hĩnh, mỗi năm tiền thu mua phân ngựa càng nhiều, thì cũng dùng tiền ấy để chi tiêu cho mọi người.
Do đó, ở trong kinh thành thời ấy có câu vè cười họ như sau: “Tam ban ăn nhang đèn, phường ngựa ăn phân”.
                                                (Quy Điền lục)

Suy tư:
     Trồng rau thì ăn rau, trồng cỏ thì ăn cỏ, ở chùa thì ăn đồ chay, chứ không ai ở chùa mà lại ăn thịt chó bao giờ, vì như thế là nhạo báng trời phật, mất đi sự khiết tịnh của chùa.
    Cuộc sống của người Ki-tô hữu luôn phản ảnh lại tinh thần yêu thương của Đức Chúa Giê-su, bởi vì không một ai đang sống trong hạnh phúc lại tự mình phá bỏ hạnh phúc ấy, chỉ có những người chơi ngông muốn nổi hơn mọi người về hành vi bất hảo của họ.
Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu thì sống nhờ Bánh Hằng Sống bởi trời ban xuống là Máu Thịt của Đức Chúa Ki-tô, ai cũng hiểu điều đó, cho nên một khi chúng ta ăn uống cách bất xứng bánh ấy, thì không những chúng ta mắc lỗi mà còn gây gương mù gương xấu cho người khác.

     Đời sống của một linh mục thì càng phải trổi vượt hơn mọi người về việc tôn sùng Thánh Thể, bởi vì hơn ai hết, linh mục hiểu rất rõ về bí tích cao siêu mầu nhiệm ấy, bởi vì chính các ngài đã làm cho có Đức Chúa Giê-su trên bàn thờ, cho nên càng phải yêu mến và làm cho bổn đạo của mình yêu mến Thánh Thể, bằng không thì người ta cũng sẽ nói rằng: cha sở mà như thế thì giáo dân làm sao yêu mến Chúa được chứ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư