Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Mượn truyện đuổi khách


MƯỢN TRUYỆN ĐUỔI KHÁCH
Có người nọ làm khách, ăn lâu mà không đi, chủ nhà chẳng làm gì nổi, chỉ biết kể một câu chuyện cho ông ta nghe:
-         “Có người nuôi một con hổ, cái đuôi vằn vện rất đẹp mắt, mỗi ngày chủ nhân đều lấy hạt kê cho nó ăn, con hổ không ăn, ông ta lấy thóc nuôi nó, con hổ vẫn không ăn, ông ta lại dùng cơm nuôi nó, nó cũng không ăn. Đột nhiên có một thằng nhỏ đi qua đường bị nó vồ ăn mất, lại có một người lớn đi qua, con hổ vồ ông ta và ăn luôn cả áo quần.
Chủ nhân bèn lớn tiếng chửi nó: súc sinh, để cho ngươi rất nhiều thức ăn mà mày không ăn, té ra là ngươi ăn thịt người nên không lúc nào thấy no !”
                                        (Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư:
     Người quá tế nhị thì trở thành khách sáo, mà người khách sáo thì không dám nói thẳng cho người khác biết những chuyện mình muốn nói, chỉ nói xa xa, nói bóng nói gió để cho người khác hiểu ý của mình.
     Đức Chúa Giê-su không khách sáo với những người Pha-ri-siêu hay những thầy thông luật, nhưng Ngài rất thẳng thắn chủ động đề cập thẳng vấn đề với họ mà không sợ họ mất lòng, bởi vì lời Ngài nói là sự thật. Quá tế nhị khi anh em chị em phạm lỗi mà không nói sự thật vì sợ mất lòng, là vô tình chúng ta tiếp tay cho anh em, chị em phạm tội; sự im lặng tế nhị đó là vô tình chúng ta tiếp tay cho ma quỷ hại người anh chị em của chúng ta. Con người ta khi đụng chạm đến quyền lợi của mình thì rất là không tế nhị và thẳng thắn đòi cho được quyền lợi cho bản thân, nhưng lại tế nhị không chịu nói thật với người khác vì đó không phải là quyền lợi cá nhân mình.

Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta sống theo sự thật và hành động theo sự thật, mà sự thật thì không nên có tế nhị khách sáo chen vào, bởi vì như thế cũng có nghĩa là chúng ta chưa thành thật với anh em, chưa thực sự là những người bạn tốt của người anh em chị em mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư