Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Nhật ký mồng 3 tết con Khỉ



NHẬT KÝ MỒNG BA TẾT CON KHỈ

1.
Mồng ba tết với người công giáo Việt Nam là ngày thánh hóa công việc làm ăn, tức là ngày đem công ăn việc làm của mình dâng lên cho Thiên Chúa để xin Ngài thánh hóa và chúc lành như lúc tạo dựng vạn vật Chúa đã nói với nguyên tổ loài người: hãy sinh sôi nảy nở và làm chủ mặt đất, nhưng từ khi nguyên tổ phạm tội thì tất cả mọi loài tạo vật đều quay lưng với con người: đất trở nên khô cằn, phải làm lụng đổ mồ hôi mới có mà ăn.v.v...Thánh Phao-lô tông đồ đã nói: vì tội mà sự chết đã nhập vào thế gian, cho nên sự chết cũng kéo theo những điều nghịch lại với vẻ thánh thiện và hạnh phúc mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại.

Thánh hóa công ăn việc làm là một truyền thống tốt đẹp và rất có ý nghĩa của người công giáo Việt Nam , bởi vì với ý nghĩa này mà những ai đang có có ăn việc làm đều cám tạ Thiên Chúa và xin Ngài thánh hóa những công việc mà họ đang làm; với những ai chưa có được công việc làm ăn xứng hợp thì cũng cầu xin Chúa ban cho họ kiếm được một công việc xứng hợp với mình. Bởi vì thấm nhuần lời của thánh Phao-lô tông đồ đã dạy “tôi trồng anh tưới nhưng Chúa mới cho mọc lên”, cho nên trong những ngày đầu năm mới chúng ta ý thức rằng nếu không có Chúa ban ơn trợ giúp, thì dù cho chúng ta có tài giỏi đến mấy thì cũng như nước đổ lá môn, không thu hoạch được gì...

2.
Ở Taiwan, ngày mồng ba tết thì theo tập tục mê tín từ đời này truyền qua đời nọ cho đến nay, dù một đất nước văn minh, khoa học tiên tiến thì họ vẫn cứ không quên được những tập tục mê tín của họ. Ngày mồng ba tết người Taiwan sẽ không đi đến nhà người khác để chúc tết, vì ngày mồng ba là ngày kỵ, người ta sẽ đi chơi chứ không đi thăm bạn bè, bởi vì qua ngày mồng bốn tết là người ta sẽ đi cầu xin hoặc mượn tiền vàng mả nơi miếu thần tài. Năm nay mượn thần năm trăm tiền âm phủ thì sang năm sẽ đem đến trả lại một vạn tiền thật, nếu như làm ăn phát đạt thì có khi trả lại tiền lời gấp mấy lần...Do đó mà người ta sợ người khác yếu vía đến nhà mình thì cả năm thường gặp rủi ro...

Hôm nay các đường cao tốc càng về phía nam thì càng kẹt xe, bởi vì trời nắng đẹp và người ta tranh thủ du xuân, nhất là đến các thắng cảnh và phố cổ, xe toàn là xe nối rồng rắn dài cả hàng cây số vì nạn kẹt xe; và đường lên phía bắc thì càng về chiều càng nhiều xe cộ, bởi vì người ở miền nam muốn lên thủ đô Taipei du xuân, cho nên tất cả các ngỏ lên đường cao tốc đều có cảnh sát giao thông kiểm soát những xe nào mà chỉ có một người trong xe thôi thì không được chạy lên đường cao tốc, chỉ những xe nào có từ ba người trở lên mới được chạy trên cao tốc, để hạn chế bớt xe cộ làm kẹt xe...

Hôm nay mình cũng lái xe đi du xuân cách Taipei khoảng 40 cây số, vì đi buổi sáng nên tuy dù xe nhiều nhưng không đến nỗi kẹt xe, qua các chỗ ngắn hoa thì xe nối đuôi nhau vì kẹt, những cảnh sát giao thông làm việc rất khoa học, nên đường vào khu thắng cảnh vui chơi tuy kẹt xe, nhưng len phía khác vẫn dành cho những xe nào không vao điểm vui chơi. Mình lại nghĩ đến nạn kẹt xe ở Saigon, không một cảnh sát nào đến giải quyết phân luồng, xe cứ ùn tắc ai dành đường được thì nhích lên, loạn cả con đường, ai gan dạ thì có thể đi, ai nhát gan thì đứng tại chỗ, làm đường kẹt thêm kẹt. Thế là mình lại lái xe đi về tay không...

3.
Hôm nay mồng ba tết, hội tu sĩ Việt Nam tại Taiwan theo truyền thống họp mặt hằng năm để vui Xuân, năm nay vì cha Trần Thăng Long đang làm giám đốc Đại chủng viện nên có nhã ý để anh chị em tu sĩ tổ chức mừng xuân tại đây, rộng rãi mát mẽ và thoải mái.

Đến báo danh chiều nay có khoảng 32 sơ, 5 thầy và 15 linh mục, năm nay các linh mục đi ít vì có lẽ bận việc giáo xứ hoặc về Việt Nam ăn tết, hoặc ngại đường xa lái xe mệt, vì nạn kẹt xe trong mấy ngày tết. Có cha đi từ khi một giờ chiều, nhưng 1 giờ sáng mới đến đại chủng viện, bình thường thì lái xe 2 tiếng đồng hồ là đến, nhưng hôm nay phải nhích từng tí như rùa bò trên đường cao tốc...

Nhưng tinh thần của các cha và các tu sĩ rất vui và nhiệt thành...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.