Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


15. TIẾN SĨ GẠO ĐẾN RỒI

        Có người nọ vì muốn làm quan cho nên mỗi năm đều đem cống nộp cho quan phủ rất nhiều gạo, về sau cũng được nhận vào làm tiến sĩ[1] quốc tử giám[2].

        Ông tiến sĩ này tính rất thích khoe khoang, mỗi lần ngồi xe ngựa lên phố thì kêu người đánh xe đi trước thét lớn:

-     “Tiến sĩ quốc gia đến rồi, mau tránh ra !”

        Người đi đường biết rõ chuyện bèn cười lớn chế giễu nói:

-     “Không phải tiến sĩ “cốc[3]” đến, mà là tiến sĩ gạo đến đấy !”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 15:

        Người cố gắng học hành rồi được ghi tên trên bảng vàng thì thật là vinh hạnh biết bao, trái lại người chỉ đem tiền đút lót cho ban giám khảo để được điểm cao, đem của cải đến để hối lộ cho giáo sư chấm thì để được “thông qua” thì thật là nhục nhã vô cùng, và cái bằng cấp của sự học hành ấy sẽ làm nghèo đất nước, sẽ làm khổ bá tánh mà thôi.

Con người ta không ai thích người khoe khoang hợm hỉnh cả, ngay cả những người thường hay khoe khoang nhất cũng không thích người khác khoe khoang chính mình.

        Người có để mà khoe khoang thì cũng đã bị người ta châm chọc, huống gì người không có gì mà cũng khoe khoang thì lại càng làm trò cười cho thiên hạ.

        Cái nguy hại lớn nhất của đức ái chính là sự khoe khoang, bởi vì như thánh Phao-lô tông đồ đã nói: “Đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác”.

Cho nên những người muốn tìm ích lợi cho riêng mình thì phải khoe khoang mình để được người khác chú ý và khen ngợi, và khi đã tự khoe khoang mình thì chính mình đã gián tiếp chê bai anh em chị em chúng ta vậy.

        Người hay khoe mình chính là người từng chưa học tập đức ái nên cũng chưa thực hành đức ái, do đó ở đâu có hạng người hay khoe khoang thì ở đó có ma quỷ hiện diện, có chia rẽ và bè phái...

        Chúng ta cùng cầu nguyện cho họ vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Ngày xưa đây là tên của một chức quan dành cho người chuyên tinh thông một môn nghệ thuật nào đó.

[2] Ngày xưa đây là cơ cấu giáo dục trung ương của triều đình.

[3] nghĩa là cốc, ngũ cốc, đọc là “cù” là đọc trại của chữ “quốc” ý chế giễu.