Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Áo mão vủa Ưu Mạnh

ÁO MÃO CỦA ƯU MẠNH
 
 

Tướng quốc nước Sở là Tôn Thúc Ngao giúp cho Sở Trang vương lo việc quốc sự, rất có thành tích chính trị, Sở Trang vương rất đề cao ông ta. Nhưng sau khi Tôn Thúc Ngao tạ thế, Sở Trang vương lại quên mất công đức của ông ta, và đối với cuộc sống của con cháu ông ta thì không hề chăm sóc.

Ưu Mạnh mặc áo quan của Tôn Thúc Ngao, bắt chước thái độ của thần thánh, đi về phía Sở Trang vương chúc thọ. Trang vương rất kinh ngạc cho rằng Tôn Thúc Ngao sống lại, và yêu cầu ông ta ra làm tướng lại. Ưu Mạnh nói:

-         “Vua tôi của nước Sở có nhiều việc không làm được, giống như Tôn Thúc Ngao, tận sức kiệt lực vì nước Sở mà cống hiến sức lực, vì thế Sở vương mới được gọi là Bá, sau khi ông ta chết thì con của ông ta phải nhờ vào việc kiếm củi sống cho qua ngày…”.

Bây giờ Sở Trang vương mới phát giác ra ông ta không phải là Tôn Thúc Ngao.

Ưu Mạnh cởi bỏ áo mão của Tôn thúc Ngao hát lên một bài ca:

-         “Tham quan vô lại nhiều quang vinh, cháu con không phải lo nghèo đói, có người thì ăn xương tủy của dân; việc công mà quên việc tư thì hỏng bét, ngài coi ngày trước –quan nước Sở là Tôn Thúc Ngao, cả đời thống khổ, sau khi chết thì tiêu điều, con cháu nghèo khổ, không nơi nương tựa. Tôi xin khuyên ngài không cần làm một thanh quan, mà nên làm một tham quan ô lại thì tốt hơn !”

Sở Trang vương rất là cảm động, con cháu của Tôn Thúc Ngao từ đó được phong chức tước.
(Sử ký)

Suy tư:

     Được làm con cháu của các thánh tử đạo là một niềm vinh hạnh, nhưng cái vinh hạnh cao quý nhất chính là noi gương nhân đức “kính mến Thiên Chúa và yêu thương người” của các ngài. Bởi vì có nhiều người lợi dụng danh nghĩa con cháu của vị thánh tử đạo này, thánh tử đạo nọ để khoe khoang, để “lấy le” với mọi người với thái độ vênh vang tự đắc.

     Các tín hữu rất tôn kính và yêu mến các thánh tử đạo tiền nhân của mình, bời vì các ngài có một đời sống gương mẫu thánh thiện, dám hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho niềm tin của mình vào Đức Chúa Ki-tô. Các ngài giờ đây không phải chỉ là gia sản của cháu con mà thôi, mà còn là gia sản quý báu của Giáo Hội, của những người Công Giáo Việt Nam và trên toàn thế giới.

Niềm tự hào của chúng ta về các ngài, không phải là giương cờ biểu ngữ, lạc quyên đóng góp xây dựng đền thờ to lớn để kính các ngài, nhưng chính là suy tư về cung cách giữ đạo và sống đạo của các ngài để bắt chước noi theo, như thế là chúng ta đã xây dựng trong tâm hồn mình một đền thờ các thánh tử đạo rất sinh động, không những một ngôi đền, mà là hàng triệu ngôi đền các thánh tử đạo trên khắp đất nước Việt Nam, và trên thế giới nơi đâu có bóng dáng người Công Giáo Việt Nam, thì ờ đó là có gương anh hùng của các thánh tử đạo Viêt Nam xuất hiện, đó không phải là đền thờ sống động sao ?

Ai hiểu thì hiểu.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư