Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Tiếng kêu kinh người

TIẾNG KÊU KINH NGƯỜI

 
Tề Uy vương thích dùng ẩn ngữ, lại thích uống rượu thâu đêm, say đắm trong tửu sắc dâm lạc mà bỏ bê việc triều chính, chính trị thối nát, các nước chư hầu đều đến xâm lược, nguy vong của quốc gia chỉ một sớm một chiều.

Thuần Vu Khôn thấy những người thân cận của Tề vương không dám can gián, bèn dùng ẩn ngữ nói với Tề vương:

- “Trong đô thành có một con chim lớn, hạ xuống trong hoàng cung, trong ba năm không bay mà cũng không kêu (hót). Xin hỏi đại vương đó là con chim gì ?”

Tề Uy vương nói:

- “Đó là con chim không bay mà thôi, khi bay thì bay vút trời cao, nó không kêu mà thôi, khi kêu thì kinh người !”

Thế là cho triệu tập bảy mươi hai vị huyện trưởng, cùng vào triều để tâu sự việc, khen thưởng một vị huyện trưởng làm việc tốt, giết đi một vị huyện trưởng làm việc không tốt. Xuất quân đánh phạt các nước xâm lược, các chư hầu đành phải trả đất đã cướp của Tề vương lại cho nước Tề.
(Sử ký)

Suy tư:

     Có những người thích dùng ẩn ngữ để sửa lỗi anh chị em, bè bạn, nhưng cũng có những người thích dùng những lời nói “bóng gió” để nói “móc họng” anh chị em và những người chung quanh.

Đời sống cộng đoàn cần phải có sự thông cảm và tha thứ lẫn nhau, nếu không, cộng đoàn sẽ trở thành bốn bức tường tù ngục nhốt tất cả những người trong cộng đoàn ở trong đó. Vì thế, giữa những thành viên trong cộng đoàn với nhau thì không cần phải úp úp mở mở như những người xa lạ, không đồng ý với nhau chuyện gì thì nên ngồi lại thẳng thắn với nhau, đừng dùng “ẩn ngữ” để “chơi” nhau, cũng đừng nói bóng gió để hại nhau. Bởi vì “ẩn ngữ” thì để cho các chính khách dùng để lật đổ nhau, lời nói “bóng gió” thì nên để cho con buôn ngoài chợ dùng để cãi vã, chửi rủa nhau là thích hợp…
Đời sống của một cộng đoàn tu hội thì càng không nên dùng lời bóng gió và ẩn dụ để đối xử với nhau.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư