KHƯ KHƯ BẢO THỦ
Có một người nước Tề đến nước
Triệu học đánh đàn, đợi khi thầy giáo đàn xong một khúc nhạc, liền lập tức lấy
keo dán dính cần đàn với âm điệu, anh ta cho rằng làm như thế thì mới học được
thủ thuật kỹ xảo của thầy giáo.
Anh ta rất thỏa mãn trở về nhà
nói với những người trong gia đình:
-“Các người có thể thưởng thức được những khúc nhạc hay tuyệt”, nói xong liền cầm đàn gảy, nhưng gảy không thành nhạc điệu gì cả.
Về nhà đã ba năm nhưng trước
sau vẫn chưa có thể đàn được một khúc nhạc, người ấy bèn trách thầy giáo người
nước Triệu.
(Tiếu lâm)
Suy tư:
Có người nói: Giáo Hội Công
Giáo là một Giáo Hội bảo thủ và luôn đi sau thời đại.
“Bảo 保” là giữ , giữ gìn, gìn giữ...
“Thủ 守” là giữ, trông
coi...
Vậy, “bảo thủ” có nghĩa là giữ
gìn, là gìn giữ những cái tốt đẹp của truyền thống.
Giáo Hội không bảo thủ, nhưng
Giáo Hội trân trọng gìn giữ và bảo vệ truyền thống đức tin, luân lý của Giáo Hội;
Giáo Hội không đi sau thời đại, nhưng Giáo hội luôn nhìn xem triệu chứng, điềm
báo của thời đại để điều chỉnh, hướng dẫn thời đại đi theo sự hướng dẫn của
Thánh Linh. Thời đại là con thuyền, Giáo Hội là bánh lái, bánh lái thì luôn ở
trước hoặc ở sau con thuyền để lèo lái con thuyền chạy cho đúng hướng mà Đức
Chúa Thánh Thần đã chỉ, như vậy, không thể nói Giáo Hội là bảo thủ hay cấp tiến,
nhưng Giáo Hội chính là một cộng đoàn yêu thương được Đức Chúa Giê-su sáng lập
để đem yêu thương, công bằng, sự thật và bác ái đến cho thế giới qua mọi thời đại
cho tới khi Đức Chúa Giê-su lại đến.
Giáo Hội luôn lên tiếng để bảo
vệ công bằng xã hội, mà xã hội vẫn “bảo thủ” sống không công bằng, bốc lột kẻ
khác; Giáo Hội luôn lên tiếng kêu gọi hòa bình, nhưng nhân loại vẫn “bảo thủ” sống
hiềm khích gây nên chiến tranh, giết hại lẫn nhau; Giáo Hội luôn kêu gọi mọi
người đề cao giá trị đạo đức, nhưng con người vẫn đua đòi theo chủ nghĩa hưởng
thụ và suy đồi.v.v...
Vậy thì Giáo Hội bảo thủ hay
thời đại bảo thủ ?
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư