Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Ăn bên đông, ở bên tây


ĂN BÊN ĐÔNG, Ở BÊN TÂY
Ngày xưa ở tại nước Tề, có một cô gái tướng mạo rất đẹp, đã đến tuổi lập gia đình.
Một hôm, có một người giàu có ở bên phía đông nhà của cô gái, sai người đến dạm hỏi, nói:
-         “Công tử nhà tôi cũng tài giỏi như người khác, trong nhà lại có điều kiện tốt, nếu lấy công tử thì có thể hưởng thụ phú quý”.
Người nghèo khó ở bên phía tây nhà của cô gái, cũng sai người đến nói chuyện cầu hôn, nói:
-         “Chàng trai này nhân phẩm tốt, vừa tài giỏi vừa đẹp trai, thật là trong trăm có một, chỉ tội là gia đình có nghèo một chút, tối hôm qua nhà không có lương thực”.
Ông bố nói với con gái:
-         “Con muốn lấy nhà nào thì không cần phải nói, chỉ cần dùng tay ra hiệu là được, tay trái thì phía đông, tay phải thì phía tây”.
Cô gái cười nhạt nhẽo, từ từ đưa ra tay trái, tiếp theo lại đưa ra tay phải, hai cái miệng già kinh ngạc nói: “Như thế làm sao coi được ?”
Cô gái đàng hoàng thư thả nói:
-         “Vậy mà chưa rõ ràng sao, con muốn đến nhà bên phía đông ăn cơm, và qua nhà bên phía tây để ngủ đêm...”
Bố mẹ cô gái cuống cả lên:
-      “Làm như thế sao được chứ ?”
                                          (Nghệ Văn Loại Tụ)

Suy tư:
     “Bắt cá hai tay” là ám chỉ đến những người nịnh bợ, những người hám lợi mà không trọng tín nghĩa, những người này thường là đem đau khổ đến cho người khác, vì sự lừa dối của họ.
     Đời sống tôn giáo cũng thế, có nhiều người thích “ăn nhà bên đông và ngủ nhà bên tây”, có nghĩa là họ ngày chúa nhật thì đi nhà thờ với người hàng xóm, ngày một ngày rằm thì đi cúng chùa với người yêu, họ đưa cả hai tay ra để làm vừa lòng người này kẻ nọ, cho nên tôn giáo đối với họ chỉ là cái áo mặc trong những ngày vui chơi mà thôi.

     Thiên Chúa sẽ mữa tôi ra khỏi miệng, nếu tôi cứ ươn ươn dở dở, không nóng không lạnh, Ngài cũng sẽ nghiêm khắc lên án tôi nếu tôi bắt cá hai tay, nếu tôi miệng nói “kính Chúa yêu người” mà trong lòng thì đầy những xảo trá mưu mô hại người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư