KHÔNG TIỀN KHÔNG ĐI
Đặng Âm làm sứ bộ thị lang, nắm
quyền tuyển chọn quan chép sử, ăn hối lộ rất nhiều, tiếng tăm rất xấu.
Người nào được tuyển trong
ngày ấy, phải bó trên đôi ủng một trăm quan tiền, tiếng kêu tinh tang, Đặng thấy
tiền tai liền thông, tiến lên phía trước hỏi: “Tại sao anh phải bó tiền trên đôi ủng ?”
Người được tuyển trả lời: “Hôm nay tuyển chọn, không tiền không đi”.
Thần kinh của Đặng xúc động nhạy
cảm, không tiếp lời được.
(Triều
Dã Thiểm Tải)
Suy tư:
Tiền nó có một sức mạnh đặc biệt:
nó làm đảo lộn trật tự thế giới, nó thay đổi lòng người, nó làm cho con người
thành tựu hoặc tiêu tan danh vọng.v.v... nó là sản phẩm do con người tạo ra,
nhưng lại thống trị con người.
Đức Chúa Giê-su rất có lý khi
nói kho tàng của anh ở đâu thì lòng trí anh cũng ở đó .
Nhưng có người không có kho
tàng gì cả, mà lòng trí thì vẫn luôn luôn để vào kho tàng của người khác, chẳng
hạn như anh ta để lòng trí vào gia tài của cha mẹ, dự định khi cha mẹ chết đi
thì làm sao mà chiếm đoạt, làm sao để dành phần hơn những anh chị em khác trong
nhà; có người để lòng trí vào cái chức vụ béo bở trong cơ quan, cho nên lòng dạ
không màng đến nhà thờ, không màng đến việc kính Chúa yêu người; lại có người
kho tàng thì kếch sù, nhưng lòng trí cũng vẫn cứ để nơi kho tàng của người khác
chẳng hạn như làm sao để hạ bệ cái thằng cha thủ trưởng, làm sao đẩy nó đi khỏi
cơ quan để “ghế” của nó cho mình.v.v...
Vì lòng dạ luôn để nơi những
kho tàng ấy, nên thế gian không lúc nào là có hoà bình, tâm hồn không lúc nào
được bằng an, bởi vì tiền bạc đã che mất sự sáng suốt của tâm hồn, tiền bạc đã
làm cho tâm hồn trong sáng trở thành hắc ám, vì thế nên người ta có câu ca dao
thời hiện đại như sau: “tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức
khoẻ của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân.v.v...”
Đồng tiền luôn có hai mặt và
nó như con dao hai lưỡi, mà “lưỡi” nào cũng đáng sợ khiến cho người sử dụng nó
phải cẩn thận: nó là khí cụ để chúng ta nên thánh, đồng thời nó cũng là con dao
khiến chúng ta phải chết đời đời.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư