THƯỢNG THƯ TUÂN ƯỚC
Thôi Dung tính tình bừa bãi
khinh suất, nhưng thượng thư Trương Kiến Phong lại rất thích thú tài năng của
anh ta, triệu anh ta làm môn khách.
Thôi Dung theo Trương Kiến
Phong đi vào trong trại lính, đến đêm kêu to gọi lớn làm kinh hãi toàn quân,
binh sĩ rất giận dữ, muốn ăn thịt anh ta cho hả giận, Trương Kiến Phong đem anh
ta giấu đi. Qua ngày hôm sau thết tiệc, tiệc nửa chừng, quan giám quân nói: “Bản nhân cùng thượng thư ước định, ai có
thỉnh cầu gì, thì không được cự tuyệt”.
Trương Kiến Phong nói: “ Được”.
Quan giám quân nói: “Bản nhân thỉnh cầu ngài giao Thôi Dung cho
chúng tôi”.
Trương Kiến Phong trả lời: “Tuân ước”.
Một lúc sau, Trương Kiến Phong
cũng đề ra thỉnh cầu: “Bản nhân thỉnh cầu
là không giao Thôi Dung cho ngài”.
Tất cả mọi người cùng bàn đều
cười lớn, như thế Thôi Dung được miễn trị tội.
(Sử bộ Đường quốc)
Suy tư:
Người ta thường nói : “quân tử
nhất ngôn” để biểu hiện mình sẽ thực hiện những lời đã nói, đã hứa.
Có người vì hăng say, bốc đồng,
nên lỡ “quân tử nhất ngôn”, rốt cuộc đem biếu không cho người khác chiếc xe mới
mua cáo cạnh vì cá độ; có người vì muốn tỏ ra anh hùng nhất thời nên đã “quân tử
nhất ngôn” hứa với người đẹp, rốt cuộc đem chứng từ chủ quyền đất hương hỏa của
ông bà đến tiệm cầm đồ để cầm nợ, kiếm vài triệu để tổ chức sinh nhật cho người
đẹp...
Nhưng cũng có người đã “quân tử
nhất ngôn” rất anh hùng: thánh trẻ Đa-minh Sa-vi-ô quyết tâm nên thánh và ngài
đã nên thánh thật khi chưa đến tuổi thanh niên; thánh nữ tiến sĩ Têrêxa Hài Đồng
đã “quân tử nhất ngôn” nói: khi tôi chết, tôi sẽ mưa hoa hồng xuống trên trần
gian, và quả thật là như thế, biết bao ơn lành từ trời xuống do ngài cầu bàu...
Trong cuộc sống biết bao lần
chúng ta đã “quân tử nhất ngôn” anh hùng theo kiểu trần thế, nhưng có lẽ là
chúng ta chưa “quân tử nhất ngôn” với Chúa: Lạy Chúa, con sẽ nên thánh; lạy
Chúa con sẽ trở thành một nữ tu phục vụ Chúa trong anh chị em của con; lạy
Chúa, con sẽ trở thành một linh mục khiêm tốn của Chúa...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư