Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Con ngỗng ngông cuồng tự đại




CON NGỖNG NGÔNG CUỒNG TỰ ĐẠI
Một anh nông phu lùa một bầy ngỗng trắng đang đi trên đường, thời gian họp chợ sắp đến rồi, nhưng đường thì lại còn quá dài, anh nông phu đưa cây gậy trúc trong tay lên, tức lồng lộng lùa bầy ngỗng đi nhanh chút xíu.
Bầy ngỗng lúc này cũng tức đầy bụng, chúng nó chận một người qua đường và tố khổ:
-         “Trên thế giới còn có ai đáng thương hơn chúng tôi không, cái ông nông phu ấy đối xử với chúng tôi rất là thô lỗ, ông ta nên tôn kính chúng tôi chứ !”
Người khách qua đường tò mò hỏi:
-         “Tại sao bác nông phu phải tôn kính các ngươi chứ ?”
Bầy ngỗng mồm năm miệng mười nói:
-         “Chúng tôi có thể là những hậu duệ danh môn nổi tiếng, tổ tiên của chúng tôi đã từng cứu giúp thành La mã, mọi người vì đó mà tổ chức lễ hội kỷ niệm tổ tiên chúng tôi rất lớn.”
Người khách lại hỏi:
-         “Như vậy còn các ngươi thì sao, có công lao gì nào ?”
Bầy ngỗng ngớ người ra một hồi không hiểu gì cả nên nói: “Tổ tiên của chúng tôi đã...”
Lần này thì người khách không cần khách sáo nữa bắt chẹt chúng nó:
-         “Tổ tiên của các ngươi quả thật là phi thường, nhưng chuyện đó với các ngươi hôm nay thì có quan hệ gì chứ, ta muốn biết các ngươi tự mình có cống hiến gì cho nhân loại không ?”
Bầy ngỗng lại ngớ người ra, qua một lúc sau vẫn cứ nói:
-         “Công lao cứu thành La Mã của tổ tiên chúng tôi rất lớn, về điểm này không phải chúng tôi đã nói qua nhiều lần rồi sao ?”
Người khách lại hỏi như trước:
-         “Điều ta hỏi là: các người đã làm được những việc gì ?”
-         “Chúng tôi ư, cái gì chúng tôi cũng không biết”, bầy ngỗng nói tiếp: “Chúng tôi thật đáng thương, bị ông nông phu thô lỗ ấy đánh lằn ngang lằn dọc khắp người.”
Người khách nói:
-         “Vinh quang thuộc về bầy ngỗng đã cứu thành La Mã, tức là tổ tiên của các ngươi, nhưng các ngươi chẳng có quan hệ chút xíu nào đến vinh quang của tổ tiên cả. Các ngươi chỉ xứng đáng bị lùa gấp gấp như thế đến chợ cho người ta mua về giết chết để làm thức ăn mà thôi.”

Gợi ý:
      Các em thân mến,
     Các bậc tổ tiên có đầy đủ thành tựu quang vinh, và hoàn toàn không thay mặt thân phận của chúng ta, để chúng ta đi so sánh mình “cao quý” hơn người khác. Kính trọng là sự chấp nhận hành vi đạo đức của mọi người dành cho một người nào đó, và trước khi muốn được người khác kính trọng, thì cần phải kiểm điểm coi lại mình có chỗ nào đáng tự hào hay không đã, bởi vì sự kính trọng của người khác dành cho mình, chính là do tư cách hành xử của mình trong cuộc sống đời thường, chứ không phải do tổ tiên để lại.
     Đức Chúa Giê-su đã quở trách những người kinh sư, biệt phái và Pha-ri-sêu, vì họ tự cho mình là con cháu của tổ phụ Ap-ra-ham[1] để rồi coi thường những người khác..
     Hãy tự hào về những thành quả dựng nước và giữ nước của tổ tiên mình, nhưng không thể lấy vinh quang của tổ tiên để làm vinh quang cho mình, rồi vênh váo coi người khác là không có công lao gì cả.
     Người Ki-tô hữu tự hào về đức tin của tổ phụ Ap-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp; người Ki-tô hữu cũng tự hào về các thánh nam nữ của mình vì cuộc sống trỗi vượt của các ngài; và người Ki-tô hữu Việt Nam thì tự hào về các thánh tử đạo của mình, và cố gắng noi gương của các ngài sống giữ vững đức tin, kiên trì trong thử thách, trung thành với Đức Chúa Giê-su và giáo huấn của Hội Thánh...
    Tự hào về tổ tiên và noi gương giữ đạo anh hùng của tổ tiên để được người khác kính trọng, đó là sự kính trọng có ý nghĩa hơn cả.

Các em thực hành:
-      Luôn đọc truyện hạnh các thánh, nhất là thánh bổn mạng của mình, để noi gương các ngài.
-      Luôn cầu nguyện với các thánh, nhất là thánh bổn mạng của mình, để xin các ngài cầu bàu cho mình.
-      Luôn để ý đến lời nói và hành động của mình cho phù hợp với Lời Chúa dạy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

[1] Ga 8, 39-59.