Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Thấy lợi quên nghĩa


THẤY LỢI QUÊN NGHĨA
Có một thư sinh, vì ăn cắp hàng dệt nên bị bắt đến quan phủ, quan huyện nhìn thấy anh ta là một thư sinh, bèn nói:
-         “Tiểu tặc, nếu ngươi có thể làm một bài phú, thì ta miễn cho người khỏi hình ngục”.
Thư sinh mừng thầm trong bụng, thế là làm một bài phú như sau:
-         “Trộm nhìn nhà lặng vắng người, trong lòng đã muốn lắm thay, thấy lợi mà quên nghĩa, nên mang để trong lòng”.
                                     (Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư:
     Thấy lợi mà quên nghĩa, đó là do lòng tham của con người, con người ta ai cũng có lòng tham, không tham ít thì tham nhiều, gọi là dục vọng (欲望).
     Con người ta ai cũng có cái thích, như có người thích ăn uống, có người thích sắc đẹp, nhưng nếu cái thích này đi quá giới hạn thì sẽ trở thành tham lam và thành mê đắm; chẳng hạn như có người tham ăn, có người tham uống, có người mê đánh bạc, có người mê gái, có người mê trai.v.v... tất cả những ham muốn ấy đều làm cho con người ta trở thành xấu, như nguyên tổ của chúng ta đã vì tham ăn và tham vọng muốn bằng Thiên Chúa mà ăn trái cấm vậy.
Tham thì thường là không phù hợp với lời giáo huấn của Thiên Chúa và của Giáo Hội, tham lam thì thường đưa con người ta đi đến chỗ mất danh dự, bởi vì chữ tham rất kỵ với chữ danh dự, danh giá.
Nhưng có một chữ “ham” làm cho danh dự của con người ta tăng lên và danh giá cũng được nhiều người kính nể, đó là ham làm việc lành phúc đức, ham làm việc thiện, ham tham dự thánh lễ. Tất cả những cái “ham” này thường đưa con người ta đến nơi tốt lành, gần gủi với Thiên Chúa và mọi người, nhưng trong thực tế không mấy người ưa thích nó.
Thấy lợi quên nghĩa là việc làm của những người chỉ coi trọng vật chất hơn tình nghĩa, là những người chỉ biết có mình mà không thấy người khác, cũng có nghĩa là họ chỉ muốn cho mình được việc mà không nhìn thấy người khác cũng đang vất vả khốn đốn vì những cái tham lam của mình.

Người đời tham lam người ta đã “chịu không nổi” huống hồ một linh mục, một tu sĩ hay một nữ tu mà tham lam, thì có nước “độn thổ”, bởi vì không ai chịu nổi một người dâng mình làm tôi tớ mà có lòng tham lam...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư