Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Chúa nhật Lễ Lá

SUY NIỆM TUẦN THÁNH
(Có thể dùng để gợi ý tĩnh tâm)

Thái độ và tâm tình khi bước vào Tuần Thánh.
-    Đem hết lòng thành tâm tìm kiếm Chúa vì Chúa đã phán : “Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống !” . Hãy khao khát Chúa, khao khát thật sự chứ không phải theo ý thích của mình.
-    Thinh lặng: giúp tâm sự với Chúa, vì Thiên Chúa không ở nơi ồn ào. Cần có sự thinh lặng bên ngoài mới có thinh lặng bên trong. Hãy tìm Chúa trong cõi thinh lặng.

***


CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Người tôi tớ của Thiên Chúa
“Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng”.(Is 50, 4-7)

Thời nay có nhiều hạng tôi tớ, nhưng không có hạng tôi tớ nào tự nguyện chịu bị đánh đập, bị khinh miệt, bị sỉ nhục, và không một ai tình nguyện làm tôi tớ, nếu không vì quyền lợi riêng tư của mình.

Đức Chúa Giê-su đã trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa, đã tự nguyện trở nên người tôi tớ trong thân phận con người như chúng ta. Tiên tri I-sai-a đã cho chúng ta thấy hình tượng của một tôi tớ trong con người của Đức Chúa Giê-su: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu...”

Chúng ta là những người tôi tớ của Thiên Chúa, và qua cái chết của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta đã được trở nên con cái của Ngài.

Có nhiều hạng tôi tớ, nhưng chỉ có một tôi tớ tự nguyện đáng để cho mỗi người trong chúng ta suy tư và chiêm ngắm, đó chính là vị tôi tớ tự nguyện của Thiên Chúa: Đức Chúa Giê-su.

Chúng ta có ba đề mục nhỏ để suy tư :
1. Người tôi tớ của Thiên Chúa: Đức Chúa Giê-su.
2. Người tôi tớ của anh em: Đức Chúa Giê-su.
3. Đầy tớ vô dụng.

A. Suy niệm.

1.  Người tôi tớ của Thiên Chúa: Đức Chúa Giê-su
Tuần Thánh, tự nó đã trở nên một gợi ý thánh thiện.
Tuần Thánh, tự nó cũng nói lên tất cả tính chất thánh thiện của một tôn giáo, không phải do loài người sáng lập, nhưng do Thiên Chúa sáng lập cho con người và vì con người.

Hôm nay là ngày bắt đầu của Tuần Thánh, ngày mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô khải hoàn vào thành thánh Giê-ru-sa-lem cách long trọng, không ai thấy nơi Ngài là một người tôi tớ chịu sỉ nhục, bị đánh đòn, bị khạc nhổ...
Hôm nay là ngày mà mọi nhà thờ trên thế giới đều cử hành cách long trọng Đức Chúa Giê-su tiến vào đền thánh Giê-ru-sa-lem, một biến cố lịch sử có một không hai trên thế giới: Đấng Thiên Sai bởi Thiên Chúa mà đến với nhân loại.
Hôm nay, mọi người Ki-tô hữu đều hân hoan đón nhận vị vua khiêm tốn đến ngự trong nhà mình, vị vua nhân ái và uy nghiêm không cỡi trên ngựa chiến, nhưng cỡi trên con lừa mẹ giữa tiếng hoan hô chúc tụng của mọi người...

Chúng ta được trở nên con cái của hoàng tộc –dân thánh- không phải bởi tổ tiên chúng ta là hoàng tộc, nhưng là bởi Đức Chúa Giê-su đã trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa, chịu tất cả mọi sự sỉ nhục vì chúng ta, và cuối cùng, người tôi tớ ấy đã chết để cho chúng ta –những tội nhân- được sống trong tình yêu của Thiên Chúa.

Người tôi tớ ấy, hôm qua như một vị vua uy nghiêm tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem giữa tiếng hoan hô của đám đông quần chúng; hôm nay cũng đám đông dân chúng ấy đã nhất loạt đồng lòng với các thượng tế, biệt phái hô hào lên án đóng đinh Ngài vào thập giá, Ngài thật sự đã trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa, để chúng ta được làm con của Cha trên trời.

“Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng”.
Không một tôi tớ nào của loài người tự nguyện chịu sỉ nhục, có chăng cũng là vì miếng cơm manh áo, đồng tiền; có chăng cũng chỉ là chịu đựng với một tấm lòng oán hờn thù hận, và chắc chắn là không có tình yêu.

Nhưng người tôi tớ của Thiên Chúa là Đức Chúa Giê-su đã làm được điều ấy, Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân... ...Qua đoạn văn này của thánh Phao-lô tông đồ, chúng ta có thể hình dung ra một người tôi tớ đau khổ mà tiên tri I-sai-a đã loan báo trước. Quả thật, Ngài đã gánh chịu tất cả những đau khổ mà nhân loại phải chịu, hi sinh tất cả vì chúng ta, những tội nhân của tội nhân là ma quỷ và sự dữ. Vì yêu Cha và vì yêu nhân loại tội lỗi, Đức Chúa Giê-su đã vâng phục Cha và đã tự nguyện làm một tôi tớ thấp hèn để cứu chuộc nhân loại, một sự hi sinh cao độ để nhân loại được hưởng hơng cứu chuộc, đó là trở nên con cái của Thiên Chúa.

2. Người tôi tớ của anh em : Đức Chúa Giê-su.
Khi mang thân phận con người, Đức Chúa Giê-su đã thật sự là con người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi, với tất cả tình cảm, buồn vui của Ngài trong cuộc sống đều chứng tỏ Ngài là một con người, và vì thế, Ngài đã trở nên người anh em của chúng ta và ở giữa chúng ta.

Người tôi tớ của Thiên Chúa đã trở thành tôi tớ của anh em khi ngài cúi xuống rữa chân cho các môn đệ của mình là các tông đồ: “...nên trong bữa ăn tối, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rữa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”.
Một Đấng Thiên Sai, một vị vua uy nghiêm nhưng rất khiêm nhường ấy, giờ đây đã trở nên tôi tớ của người anh em mình, và khi cúi xuống rữa chân cho các môn đệ, chính Ngài đã dạy cho chúng ta một bài học yêu thương và phục vụ, đó là trở nên người tôi tớ phục vụ anh em chị em trong cuộc sống.

Không ai tưởng tượng ra được câu chuyện lạ lùng này: vị Thiên Chúa đã trở nên tôi tớ phục vụ con người, Đấng là vua lại trở nên người tôi tớ của anh chị em mình. Nhưng với tình yêu thì mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp, tình yêu làm cho khoảng cách chia rẻ và thù hận ngắn lại, tình yêu làm cho Thiên Chúa trở nên người tôi tớ của loài thụ tạo do chính Ngài tạo dựng.

3. Đầy tớ vô dụng.
Đức Chúa Giê-su, Đấng Thiên Chúa đã huỷ mình ra không để trở nên một tôi tớ của Thiên Chúa, Ngài hiểu rất rõ ràng và cụ thể bổn phận của một tôi tớ đó chính là phục vụ tha nhân.

Ngài vâng phục thánh ý của Chúa Cha để phục vụ nhân loại, phục vụ cho đến chết và chết trần truồng trên thập giá, tức là Ngài đã hạ xuống đến mức không còn ra hình tượng người nữa, có nghĩa là Ngài đã trở thành một đầy tớ vô dụng trước mặt loài người : “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu”.

Ngài đã trở nên đầy tớ vô dụng làm việc chỉ vì vinh danh Cha mà thôi: “Phần tôi, tôi không tìm vinh quang cho mình”. Vì không tìm vinh quang cho mình, nên Đức Chúa Giê-su đã không lên tiếng chửi mắng, xỉ vả những người lên án tử và đóng đinh mình vào thập giá, trái lại, Ngài hiền lành như con chiên bị đem đi sát tế và sẵn lòng tha thứ cho họ. Nơi Ngài ánh sáng tình yêu và khiêm tốn của một đầy tớ vô dụng được nổi bật cao chót vót khi bị dựng đứng trên núi Sọ giữa bầu trời âm u, giữa những tiếng nguyền rủa của quân lính và tiếng hò hét la lối của đám đông dân chúng, mà chính họ, đã lãnh nhận từ ơn này đến ơn khác của Ngài ban cho...

Chúng ta là những tội nhân, nhưng trong cuộc sống chúng ta chưa nhận ra mình là một tội nhân bởi vì chúng ta luôn muốn trở thành quan toà phán xét anh em, phán xét người không cùng sở thích, không cùng chính kiến với chúng ta. Đức Chúa Giê-su không xét xử người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Ngài cũng không hầm hè lên án Gia-Kêu là quân thu thuế tội lỗi, nhưng Ngài trở nên thân thiết với họ và vừa là Chúa là Thầy và là bạn hữu với họ. Cuối cùng, Ngài bị treo chết trên thập giá, hoàn tất mọi sự và an bình phó thác linh hồn trong tay Cha từ đây dưới con mắt của nhân loại, Ngài trở thành đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa.

“Đầy tớ vô dụng” không phải là không biết làm gì cả, nhưng tất cả việc làm của họ đều là làm cho và làm vì Thiên Chúa –Đấng sáng tạo- cho nên sau khi hoàn tất công việc được giao phó, thì họ nói như lời Đức Chúa Giê-su dạy: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” .

Biết mình là tôi tớ của Thiên Chúa, nên Đức Chúa Giê-su đã chu toàn bổn phận của mình, cũng vậy, mỗi người trong chúng ta không là gì cả trước mặt Chúa. Tất cả đều bởi Thiên Chúa mà đến, cho nên khi làm được việc gì đó cho ai, thì không nên khoe khoang tự mãn tự đắc nói lên mặt dạy đời anh em chị em, nhưng tự trong thâm tâm nên cám ơn Chúa đã dùng mình như một khí cụ để thay Ngài giúp đỡ tha nhân.

Mỗi ngày chúng ta sẽ nhìn thấy rất rõ ràng mình là khí cụ của Thiên Chúa, là đầy tớ vô dụng của Ngài, nếu chúng ta thành tâm khiêm tốn suy gẫm về cuộc đời trong quá khứ và trong hiện tại của mình rồi đối chiếu, so sánh, thì sẽ thấy tất cà đều là hồng ân của Thiên Chúa ban cho, lúc đó chúng ta mới hân hoan vui vẻ, nhiệt tình mà nói với Chúa rằng: Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô dụng.

2.  Cầu nguyện.
Lạy Đức Chúa Giê-su, hôm nay là ngày mở đầu cho Tuần Thánh, Giáo Hội với việc long trọng cử hành nghi thức việc Chúa tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem, để cho chúng con xác tín rằng Chúa là vua, vị vua hiền từ và khiêm tốn của những tâm hồn hiền từ khiêm tốn, để rồi ngày mai ngày mốt, chúng con sẽ chia sẻ sâu xa mầu nhiệm khổ nạn của Chúa trong Tuần Thánh này.

Chúng con đang suy tư về việc Chúa là Thiên Chúa và là người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, là Con Chiên hiền lành bị đem đi sát tế không phải để cứu mình, nhưng là để cứu nhân loại tội lỗi, trong đó có chúng con.

Hôm nay chúng con mặc áo quần và trang điểm như ngày hội, cũng đúng thôi, vì chúng con đang đi rước vị Vua của các vua, chúng con đang hân hoan chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của toàn thể nhân loại, của toàn thể vũ trụ. Chúng con đang hiệp cùng dân Do Thái xưa kia tung hô vạn tuế Con Vua Đa- vít đã đến. Thật hạnh phúc cho chúng con.

Nhưng Chúa muốn chúng con đừng như những người Do Thái ngày xưa ấy, hôm nay tung hô Chúa là vua, ngày mai cũng chính họ miệng hét tay vung đòi đóng đinh Chúa vào thập giá. Chúa muốn chúng con học hỏi nơi Chúa tinh thần của một đầy tớ vô dụng, biết khiêm tốn chu toàn bổn phận của mình trong yêu thương, trong vui vẻ và tích cực. Chúa cũng muốn chúng con nhìn thấy Chúa nơi những người anh em bất hạnh để phục vụ Chúa qua con người của họ.

Lạy Chúa, xin nhậm lời chúng con, và làm cho chúng con trở thành đầy tớ vô dụng của Chúa, không những trong Tuần Thánh này, mà còn trong suốt cả cuộc đời của chúng con. Amen

3.  Gợi ý.
a.   Tôi có giống như người Do Thái, hôm nay hoan hô Chúa, ngày mai đóng đinh Chúa vào thập giá vì những tội lỗi của mình.

b.   Tôi có tâm tình và quyết tâm gì trong Tuần Thánh năm nay ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.