Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Thứ Sáu Tuần Thánh



THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Phê-rô hối cải
Trong cuộc sống của con người, ai dám vỗ ngực nói rằng tôi chưa hề phạm một tội nào ? Phê-rô đã chối Chúa, Phê-rô đã phạm tội xem ra còn nặng hơn cả Giu-đa đã bán Chúa ba mươi đồng bạc.

Dùng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh để suy tư về sự hối cải của Phê-rô thì thật là chính đáng, bởi vì hôm nay Đức Chúa Giê-su chịu chết trên thập giá vì tội của Phê-rô và tội của chúng ta. Hơn hai ngàn năm trước ở Giê-ru-sa-lem có một người vác thập giá lên núi Sọ để chịu tử hình, và có một người cúi mặt ăn năn khóc lóc vì tội lỗi của mình, không phải là hai hình ảnh cảm động làm nhức nhối tâm hồn chúng ta sao ?

1.   Đức Chúa Giê-su nhìn Phê-rô.
Ai cũng phải nhìn để mà thấy đường đi, để ngắm cảnh đẹp, ai cũng phải nhìn để thấy cuộc sống đáng vui tươi và phong phú.
Có cái nhìn thù hận, có cái nhìn yêu thương, có cái nhìn tò mò, có cái nhìn tiếc nuối, có cái nhìn hằn học.v.v...

Đức Chúa Giê-su đã nhìn, Ngài nhìn Phê-rô, cái nhìn của Ngài đối với Phê-rô là cái nhìn yêu thương, cái nhìn trách móc pha lẫn với nỗi buồn, cái nhìn ấy đã làm cho Phê-rô chấn động tâm hồn và nhớ lại lời thầy đã nói: trước khi gà gáy hai lần thì con sẽ chối Thầy ba lần.

Đức Chúa Giê-su đã nhiều lần nhìn chúng ta với ánh mắt buồn bả khi chúng ta cố tình sống trong tội; Đức Chúa Giê-su cũng đã nhìn chúng ta với ánh mắt yêu thương khi chúng ta khước từ tình yêu của Ngài, hoặc khi chúng ta say sưa biện minh cho thái độ sống buông tuồng mất nết của mình.

Ánh mắt của Đức Chúa Giê-su không ở trên trời nhìn xuống, Ngài cũng không từ nơi nhà tạm nhìn ra, nhưng ánh mắt của Ngài chính là ánh mắt của những trẻ thơ đang xin ăn bên vệ đường, ánh mắt của Ngài chính là ánh mắt van xin của người bất hạnh, ánh mắt của Ngài chính là ánh mắt của người đang thất vọng vì bị người thân xua đuổi...

2.   Chúng ta nhìn tha nhân.
Trong cuộc sống đời thường, có những lúc chúng ta dùng ánh mắt khinh bỉ để nhìn các cô gái điếm, vì họ làm cái nghề dơ bẩn mà xã hội không công nhận; có những lúc chúng ta dùng ánh mắt coi thường để nhìn những người nghèo khó, bởi vì họ thường hay nhờ mình giúp đỡ bố thí; có những lúc chúng ta nhìn anh chị em bằng ánh mắt kiêu ngạo, bởi vì mình được cấp trên khẳng định vì những lời nói và thái độ của mình làm họ vui lòng.

Xã hội hôm nay có quá nhiều cái nhìn soi mói và hận thù, bởi vì xã hội được đặt trên nền tảng dối gian và hưởng thụ, chỉ sống cho mình mà quên mất người bên cạnh, do đó mà Đức Chúa Giê-su lại phải bị đóng đinh nhiều lần trên thập giá vì những cái nhìn soi mói và hận thù của chúng ta đối với tha nhân.

3.   Đức Chúa Giê-su đã chết...
Đức Chúa Giê-su đã bị đánh đòn và vác cây thập giá lên đồi Can-vê để chịu đóng đinh và chết trên thập giá, vì cái nhìn thù hận và ghét ghen của các kinh sư và biệt phái.

Khi Đức Chúa Giê-su trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, đầu Ngài gục xuống và mắt đóng lại, là lúc mà nguồn ân sủng của Thiên Chúa tuôn tràn trên nhân loại tội lỗi, để cho con mắt đức tin của người lính đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Ngài mở ra, và họ nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.[1]

4.   Cầu nguyện.
Lạy Đức Chúa Giê-su,
Hôm nay là thứ Sáu tuần thánh, Giáo Hội chúng con cử hành mầu nhiệm Chúa bị đóng đinh và chịu chết trên thập giá vì tội lỗi nhân loại và tội lỗi của chúng con những người Ki-tô hữu là môn đệ của Chúa.

Có nhiều lúc chúng con khi ngắm nhìn Chúa bị đóng đinh trên thập giá mà tâm hồn không có chút gì là cảm thông và kính mến, thậm chí có những lúc chúng con còn vô phép coi thánh giá như là những thứ trang sức tầm thường như những thứ trang sức khác, để che lấp nhửng tội lỗi và những suy nghĩ mờ ám trong tâm hồn chúng con.

Lạy Đức Chúa Giê-su,
Trong ngày hôm nay chúng con tuân giữ luật giữ chay của Giáo Hội, tức là chúng con chỉ ăn một bữa no, chúng con chỉ uống nước lã, để bày tỏ sự giữ chay của mình, nhưng tâm hồn chúng con thì vẫn cứ kiêu ngạo nhìn tha nhân bằng ánh mắt khinh bỉ, tâm hồn chúng con vẫn cứ phê bình người này kẻ nọ, chúng con vẫn cứ cho mình là thẩm phán để kết án tha nhân…

Xin Chúa dạy chúng con biết giữ chay lòng, tức là biết “xé lòng chứ đừng xé áo””như lời Chúa phán dạy qua miệng tiên tri Gio-en, để tha nhân được vui vẻ và bình an vì sự giữ chay thật bên ngoài và bên trong của chúng con. Amen



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Mt 27, 54.