THỨ BA TUẦN
THÁNH
Phêrô
chối Thầy
“Một người trong anh em sẽ nộp Thầy … Gà chưa gáy, anh
đã chối Thầy ba lần.”
Không có gì đau khổ cho bằng
người con phủ nhận cha mẹ là ngừơi đã sinh ra mình; không có gì xúc phạm cho bằng
khi một học trò được thầy yêu quý lại công khai phủ nhận không phải là thầy của
mình; không có sự vô ơn nào to lớn cho bằng phủ nhận đấng sinh thành dưỡng dục
và người đã dạy dỗ mình. Thánh Phê-rô là người hiểu rõ sâu sắc nhất về hành vi
của mình khi phủ nhận Đức Chúa Giê-su là thầy của mình; Giu-đa Is-ca-ri-ot cũng
đã trả giá về việc mình đã phản bội sư phụ kính yêu và bán Ngài ba mươi đồng bạc
cho các thượng tế...
Đã nhiều lần trong cuộc sống,
chúng ta đã đóng vai trò của Phê-rô, của Giu-đa Is-ca-ri-ốt khi phạm tội...
A. Suy Niệm.
Nguyên nhân làm cho thánh
Phê-rô chối Chúa.
1. Sợ liên luỵ.
Con người ta ai cũng sợ
chết, nhưng sợ chết đôi lúc không ngại bằng sợ liên lụy đến bản thân hoặc là sợ
liên lụy đến gia đình. Thánh Phê-rô đã sợ liên lụy đến bản thân vì mình là môn
đệ của kẻ đang bị bắt, bị tra tấn ở trong dinh kia, cho nên ông đã từ chối
không biết người đang bị hỏi cung, bị tra tấn đánh đòn ấy là ai !
Ba năm không rời thầy một
bước, ba năm được thầy giáo huấn dạy dỗ để trở nên giống thầy: loan truyền tin
mừng Nước Thiên Chúa cho mọi loài thụ tạo; ba năm đã nhìn thấy vô số những điều
kỳ diệu mà thầy mình đã làm cho mọi người như người câm nói được, người què biết
đi, người bệnh được lành, kẻ chết sống lại; và quan trọng hơn, trong ba năm ấy
thánh Phê-rô cũng như các tông đồ khác đã được thầy mình –Đức Chúa Giê-su- yêu
thương cách đặc biệt, hay nói cách khác, các tông đồ đã sống trong sự yêu
thương của Đức Chúa Giê-su.
Vậy mà Phê-rô vẫn cứ chối
thầy, vẫn cứ sợ sệt trước câu nói của tên tớ gái: “Cả bác nữa, bác cũng đã theo ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì ?”.
Thánh Phê-rô giờ đây không còn hùng dũng hiên ngang tuyên bố là sẽ theo thầy
cho đến chết nữa, nhưng đã nhụt chí anh hùng, mất hết niềm tin và đã trở thành
kẻ hèn nhát chối bỏ Đức Chúa Giê-su là thầy của mình, thánh Phê-rô sợ liên lụy
đến bản thân.
2. Mất niềm tin.
Thánh Phê-rô có lý của
Phê-rô: khi bị bắt, Đức Chúa Giê-su không kháng cự, không la hét, không làm
phép lạ để trốn thoát, thần tượng một con người vĩ đại Giê-su đã mất tiêu khi bị
tên tớ gái phát giác mình là môn đệ của Thầy Giê-su, thánh Phê-rô nhất thời đã
mất niềm tin vào thầy của mình, ngài đã bỏ cuộc khi nói: “Tôi không biết người ấy”.
Tên tớ gái có lý của nó:
nghe giọng nói của Phê-rô liền biết ngày là người Ga-li-lê, cùng quê hương với
người bị tra tấn đánh đâp trong kia – Đức Chúa Giê-su. Thế nhưng thánh Phê-rô
đã phủ nhận điều ấy, ngài không còn tin vào mắt mình nữa khi tận mắt chứng kiến
cảnh thầy bị bắt, chối quách cho yên thân để khỏi bị làm khó dễ, để khỏi bị
liên lụy: ngài đã mất niềm tin vào Đức Chúa Giê-su.
B.
Xét mình.
Trong cuộc sống có những
lúc chúng ta trở thành một Phê-rô thứ hai: hăng hái mạnh dạn nói sẽ theo Chúa
cho đến cùng, nhưng rồi đã phủ nhận Chúa là Thiên Chúa và là Đấng cứu độ chúng
ta, bằng chứng rõ nhất nhất là khi chúng ta phạm tội.
Chúng ta đã sợ liên lụy
vì mang danh Ki-tô hữu khi cơn bách hại đạo đến, chúng ta đã sợ liên lụy đến
gia đình và bản thân khi có người nhận ra chúng ta là người Ki-tô hữu, cho nên
chúng ta không đi tham dự thánh lễ ở nhà thờ, chúng ta không dám công khai giữ
đạo, và tệ hơn, chúng ta đã từ chối và phủ nhận Đức Chúa Giê-su bằng lý do “thật
chính đáng” là giữ đạo tại tâm, để rồi không thiết tha gì với những phụng vụ và
bí tích của Giáo Hội.
Có người bị mất niềm tin
khi thấy gia đình gặp quá nhiều chuyện thử thách thì không còn đức tin vào Chúa
nữa, thế rồi họ sống như người không có niềm tin.
Có người qua một cuộc khủng
hoảng gương xấu của một vài linh mục nên đã mất cả niềm tin vào Giáo Hội và vào
Chúa, cho nên họ không tham dự thánh lễ hoặc các bí tích của các linh mục “có
tiếng” ấy...
Chúng ta đã lãnh nhận ơn
này đến ơn khác của Thiên Chúa, chúng ta đã nhìn thấy và cảm nghiệm rất rõ tình
yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người, nhưng vì sợ liên luỵ đến danh dự của bản
thân, sợ liên luỵ đến gia đình và công ăn việc làm mà phủ nhận Thiên Chúa trong
cuộc sống của mình...
C. Cầu nguyện.
Lạy
Đức Chúa Giê-su,
Hơn
bao giờ hết, Tuần Thánh là thời gian mà chúng con cần phải kết hợp mật thiết với
Chúa nhất, để chia sẻ những khổ nhục mà Chúa đã chịu vì tội lỗi của chúng con.
Đứng
trước những người thù hận và ghen ghét làm quan toà xét xử, Chúa rất muốn có một
môn đệ chia sẻ những cực hình, nhưng ngay cả người Chúa yêu nhất cũng đã chối
Chúa. Người mà Chúa yêu nhất không những chỉ là một Phê-rô, một Gioan, Gia-cô-bê,
hay tất cả các tông đồ mà thôi, nhưng là tất cả chúng con nữa. Nhưng tất cả mọi
người thân thương ấy –có cả chúng con- đã không còn nhìn nhận Chúa là Thầy và
là Chúa của mình nữa, bởi vì ai cũng sợ: sợ chết và sợ liên luỵ...
Lạy
Chúa, có lẽ nơi Chúa cơn đau phần xác thì ít, mà nỗi đau đớn trong linh hồn thì
nhiều vì những bội phản của chúng con: khi chúng con không làm tròn bổn phận của
mình là chúng con đã phủ nhận Chúa đang kêu gọi và trao trách nhiệm cho chúng
con; khi chúng con vẫn còn sống trong những ngạo mạn của mình là chúng con đã
phủ nhận Chúa đang dùng chính chúng con để loan báo Tin Mừng cho mọi người; khi
chúng con vẫn còn ghen ghét những việc làm tốt đẹp và thành công của anh chị
em, là chúng con đã phủ nhận Chúa đang hoạt động trong con người của họ.
Lạy
Chúa, Tuần Thánh đã đến và Tuần Thánh sẽ qua đi, năm này qua năm khác, chúng
con vẫn hứa vẫn quyết tâm kết hợp với Chúa và theo Chúa suốt đời, nhưng Tuần
Thánh qua đi chúng con lại lơ là với bổn phận và từ từ phủ nhận Chúa trong cuộc
sống của chúng con...
Xin
ban cho chúng con ơn khiêm tốn, để chúng con biết mình là ai và Chúa là ai, để
chúng con có một quyết tâm trung thành với Chúa suốt cuộc đời của chúng con.
Amen
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.