THỨ NĂM TUẦN
THÁNH
Bữa
tiệc ly
Bữa ăn chiều Thứ Năm năm
nọ của Đức Chúa Giê-su với các môn đệ là bữa ăn cuối cùng của Ngài ở trần gian,
hay nói cách khác, Đức Chúa Giê-su đã biết cuộc sống tại thế của Ngài sắp chấm
dứt, bữa ăn phần xác kết thúc –tiệc ly, để rồi mở đầu cho bữa ăn phần hồn vĩnh
viễn và viên mãn –Máu Thịt của Ngài, đó là bí tíchThánh Thể.
Để chuẩn bị cho bữa tiệc
được trọn vẹn, Đức Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ hai việc quan trọng để được
tham dự tiệc Hằng Sống :
1. Phục vụ.
2. Yêu thương.
Phục vụ và yêu thương giống
như bánh miến và rượu nho kết hợp với nhau để thành lương thực hằng sống; phục
vụ và yêu thương giống như giọt nước pha trong rượu, trộn lẫn vào nhau để hương
vị phục vụ vừa với khẩu vị của mỗi người.
A.
Suy tư.
1- Phục vụ
“Nên
trong một bữa ăn. Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà
thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rữa chân cho các môn đệ và lấy
khăn thắt lưng mà lau”.
Trước khi ăn người ta thường
rửa tay, đây là phép vệ sinh tối thiểu, nhưng rửa chân cho các môn đệ không phải
là phép vệ sinh, mà là một hành vi phục vụ, một thái độ khiêm tốn của người mà
các môn đệ gọi là Thầy và là Chúa, Đấng ấy là Đức Chúa Giê-su Ki-tô.
“Anh
em gọi gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy,
là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em
cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm
như Thầy đã làm cho anh em” .
Chỉ có bố mẹ mới rửa chân
cho con cái, vì đây là tình yêu, thói đời, không một ông chủ nào rửa chân cho đầy
tớ, không một ông thầy nào rửa chân cho học trò vì làm như vậy là tự giảm giá
trị nhân cách của mình. Nhưng Đức Chúa Giê-su đã làm điều ấy, không phải để biểu
diễn, không phải để mị dân, nhưng là vì yêu thương các môn đệ, và dạy cho các
ông một bài học là phục vụ. Bởi vì phục vụ là dấu chỉ để người ta nhận ra mình
là môn đệ của Đức Chúa Giê-su Kitô –Thiên Chúa làm người-
“Một
ngày nọ, chim thiên nga hỏi Chúa Tạo Vật (Đấng sáng tạo):
-
Con có thể làm môn đồ của Ngài được chứ ?
Chúa
tạo vật vui vẻ trả lời: “Được, được”.
Một
lúc sau Chúa Tạo Vật nói với chim thiên nga :
-
“Con nhìn xem con vịt mẹ đàng kia kìa, nó vừa kiếm ăn từ dưới bùn lầy đi lên đấy,
chân nó quá dơ, con đến giúp rửa chân cho nó đi”.
Chim
thiên nga lắc đầu không chịu, nói to :
-
“Làm môn đồ của Chúa Tạo Vật thì không thể nào đi rửa chân cho người khác”.
Chúa
Tạo Vật nói :
-
“Này con, nếu con không rửa chân cho người khác, thì ai biết con là môn đồ của
Ta chứ ??”[1]
Câu chuyện nhỏ nhưng đạo
lí thì lớn.
Phục vụ tha nhân không vì
họ là anh em bà con của mình, nhưng vì họ là hình ảnh Đức Chúa Giê-su, là hình ảnh
của Chúa Tạo Vật, bởi vì họ là anh em của mình trong đức ái.
Ai cũng thích người khác
phục vụ mình, chứ không ai thích mình phục vụ người khác, đó chính là bản chất
cốt yếu của căn tính con người là kiêu căng và thích thống trị, không một liều
thuốc nào có thể chữa trị được căn bệnh “truyền thống” kiêu căng ấy nơi con người,
cũng như không có ai có đủ bản lãnh để chiến thắng nó.
Chỉ có Đức Chúa Giê-su, Đấng
đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là đến để phục vụ mọi người, và
cái giá phải trả đó chính là chết trên thập giá. Với cái chết này, Đức Chúa Giê-su
đã trị được căn bệnh kiêu căng và thích thống trị của con người, của ma quỷ; và
với cái chết này, Đức Chúa Giê-su đã ghi tận trong tim mỗi người môn đệ của
Ngài hai chữ phục vụ, và phục vụ đã trở nên đấu chỉ để cho nhân loại nhận ra
mình là người môn đệ của Đức Chúa Giê-su, Đấng đã phục vụ cho đến chết.
2. Yêu thương
“Thầy
ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu
thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”
Yêu thương nhau là chuyện
cũ rất xưa của loài người, nhưng vẫn cứ mới cho người mới yêu, được yêu, và
càng mới hơn nữa cho những người biết khám ra yêu thương chính là phục vụ Thiên
Chúa trong tha nhân.
Có người nói yêu thương
là sự rung cảm của hai con tim.
Có người nói yêu thương
là sự liên kết giữa hai tâm hồn.
Có người nói yêu thương
là xoá bỏ hận thù.
Có người nói yêu thương
là sống chết có nhau.
Có người nói yêu thương
là trao ban, là cho đi...
Đức Chúa Giê-su nói: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em
là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”
Đức Chúa Giê-su không đợi
lúc sắp chết trên thập giá mới nói những câu này, Đức Chúa Giê-su không đợi khi
sống lại mới nói câu này, nhưng Ngài đã nói trong bữa ăn cuối cùng với các môn
đệ –bữa tiệc ly- bởi vì yêu thương và phục vụ là nhân tố chính để được tham dự
tiệc Con Chiên trong Nước Trời. Không yêu thương thì không phục vụ, mà đã phục
vụ thì điều cốt lõi là phải có yêu thương, và khi đã vì yêu thương mà phục vụ
thì chúng ta mới xứng đáng tham dự tiệc Con Chiên –bí tích Thánh Thể-
Cuộc đời của Đức Chúa Giê-su
là cuộc đời của phục vụ, cuộc sống của Đức Chúa Giê-su là cuộc sống của tình
yêu, Ngài vì dân chúng mà phục vụ không ngơi nghỉ, Ngài vì dân chúng lầm than
mà thi ân giáng phúc cho họ không biết cơ man nào mà kể. Và cuối cùng Ngài bị
nghiền nát để trở nên tấm Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng linh hồn người tín hữu
không những ngay đời này mà cho đến cả đời sau.
B.
Cầu nguyện
Lạy
Đức Chúa Giê-su Thánh Thể,
Hôm
nay là ngày Thứ Năm Tuần Thánh, mỗi người trong chúng con đều hiểu rất rõ ý
nghĩa của các lễ nghi trong chiều nay, chúng con thuộc lòng từng câu từng chữ
mà Chúa đã nói với các môn đệ trong ăn bữa cuối cùng với họ, chúng con đã hiểu
và chúng con đã tin. Nhưng cái hiểu biết của chúng con chưa rốt ráo, chưa trọn
vẹn, nên chúng con chưa phục vụ tốt tha nhân, nên chúng con chưa thật tình yêu
thương mọi người.
Hôm
nay quỳ trước Nhà Tạm của Chúa trong nơi yên tĩnh này, tâm hồn của chúng con mới
được soi sáng về ý nghĩa của phục vụ và yêu thương, đó chính là hai phương thế
giúp chúng con tiến tới bàn tiệc thánh thiên quốc.
Xin
Chúa ban cho chúng con biêt phục vụ quên mình, phục vụ mà không đòi điều kiện;
biết yêu thương cách chân thành mà không đòi được yêu, để chúng con xứng đáng
tham dự bí tích của tình yêu là Mình và Máu Thánh của Chúa. Amen
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
[1] Trích trong “Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay” bản dịch của Lm.
Giuse Maria Nhân Tài, csjb.