54.
MẶC NHẦM ÁO HỒNG BÀO
Quan văn Trần Sư Triệu thì không thích chuyện trang điểm,
đầu bù tóc rối cũng lấy làm tự đắc kỳ thú.
Năm nọ, khi làm quan đến tứ phẩm thì vợ may cho ông ta
cái áo trường bào màu đỏ, và dùng kim tuyến thêu một con sư tử rất uy vũ[1],
Trần Sư Triệu cũng không nhìn cho rõ bèn cầm lên và mặc vào, lại còn nhờ người
vẽ lại một bức chân dung.
Về sau, Lý Đông Dương nhìn thấy trên áo quan văn thêu con
mãnh thú là không đúng, bèn cười giễu người vẽ bức họa nói:
- “Nhìn đầu tóc không
giống, nhìn áo càng không giống. Đây là Sư Triệu sao ? Có thể tin và có thể
không tin, tóc bù xù, áo càng bù xù, đại khái tàm tạm vậy mà !”
(Cổ
kim tiếu sử)
Suy tư 54 :
Người ta thường nói “cái ăn cái mặc” là để chỉ “cái ăn” thì quan trọng thứ
nhất và “cái mặc” thì quan trọng thứ nhì trong cuộc sống, người ta cũng nói “ăn
sung mặc sướng” cũng là ý đó.
Người thế gian (người không đi
tu) thì thích ăn sung mặc sướng, đó là chuyện bình thường; người tu trì thì tiết
chế trong cách ăn mặc, đó là chuyện bình thường, cho nên cái không bình thường
đáng lo ngại là khi người tu trì thích ăn sung mặc sướng như những người thế
gian khác...
Có một vài linh mục và tu sĩ
nam nữ thích ăn sung mặc sướng hơn người thế gian, bởi vì có vị khi ăn cơm thì
hết chê món này dở món kia ăn không ngon, và có khi trách luôn nhà bếp nấu ăn
quá dở; có vị khi chuẩn bị đi đâu thì “trang điểm” lâu cả nửa tiếng đồng hồ làm
người khác phải đợi đến bực mình, tất cả những điều ấy là không bình thường trước
mặt Thiên Chúa và trước mặt người đời, vì các vị ấy sống hưởng thụ và coi việc
ăn mặc là số một của đời tu trì.
Ăn dở một chút cũng không sao
nhưng sẽ tăng thêm vẽ đẹp cho tâm hồn tu sĩ, mặc không đẹp một chút cũng không
sao nhưng nó làm tăng giá trị của người tu trì. Ai quá coi trọng đến vấn đề ăn
uống thì không có đức ái trong tâm hồn, và ai quá chú trọng đến cách trang sức
bên ngoài thì sẽ không có cái đẹp bên trong của tâm hồn, và nếu chúng ta –linh
mục và tu sĩ- quá coi trọng vấn đề ăn mặc thì người ta sẽ cười nhạo và hỏi : “Đây là linh mục, đây là tu sĩ sao ?”
[1] Thời cổ trên áo quan
văn thì thêu phi cầm, trên áo quan võ thì thêu mảnh thú.