Thứ Ba, 8 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


7.         CÁCH VIẾT CHỮ TRỌC

Chùa Bao Sơn ở bên Thái Hồ Tô Châu, có một hòa thượng rất tinh thông chữ nghĩa.

Có một tú tài chế nhạo hỏi:

-     “Chữ “trọc 禿” của con lừa trọc viết như thế nào ?”

Hòa thượng liền nói:

-     “Lấy chữ “tú ” của tú tài, cái đít thì làm cho cong cong và xoay lại chính là nó”[1].

                                (Nhã Ngược)

 

Suy tư 7:

        Tuổi trẻ mà có chút tài thì thường hay xấc láo coi trời bằng vung, trước mặt người lớn tuổi thì không chút vị nể vì cho rằng họ già cả rồi, hủ lậu rồi làm gì bằng mình được, thế là họ phách lối đem chữ tàu chữ tây ra hù dọa...

        Anh tú tài xấc láo với vị hòa thượng tài giỏi thông kim bác cổ, nên anh ta bị một vố đau nhớ đời.

        Có một vài người bạn trẻ thời nay có bệnh “hách” với người đáng tuổi cha ông mình, họ hách với ông cụ hàng xóm vì mình đang làm cán bộ nhà nước; họ hách với bà cụ bán nước sâm bên đường vì mình là công an đường phố, họ hách với bạn bè vì mình được đi học nước ngoài; họ hách với những người nghèo vì mình là con cái nhà giàu...

        Cũng có một vài vị chức sắc trẻ hách dịch với các chức sắc già và cho họ là lẩm cẩm trong thời đại khoa học vi tính này, họ quên mất rằng khoa học và tri thức cũng đều nhường bước cho sự đạo hạnh.

        Bệnh “hách” rất hay lây nhưng dễ chữa lành, nếu chúng ta –những người trẻ- biết dùng phương thuốc khiêm tốn và đạo hạnh của người Ki-tô hữu để chữa nó.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Chữ ﹝禿﹞đọc là ”tu” nghĩa là trọc, hơi giống chữ “” đọc là “xiu” nghĩa là tú, lấy phần dưới chữ “tú” bẻ cong và uốn ngoặc lại thì thành chữ ﹝禿﹞“trọc”, hòa thượng chơi chữ.