Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Mưu sĩ xin cứu viện

MƯU SĨ XIN CỨU VIỆN
 
 

Năm thứ 8 đời Tề Uy vương, nước Sở xâm phạt nước Tề, Tề Uy vương ra lệnh cho Thuần Vu Khôn qua nước Triệu xin cứu viện, và đem theo một trăm cân vàng, mười xe tứ mã.

Thuần Vu Khôn cười lớn nói:

- “Hôm nay tôi từ hướng đông đến, trên đường đi gặp một người trồng hoa màu, tay cầm một cái móng giò heo, một ly rượu, hướng lên trời cầu nguyện: Xin cho người ở trên cao thu hoạch phong phú, người ở đất bằng thu hoạch đầy xe; được mùa lương thực, vựa đầy kho lẫm. Tế phẩm của ông ta quá ít, mà muốn được lợi ích thì quá nhiều, ngài không cảm thấy nực cười sao ?”

Tề Uy vương lĩnh hội được ý nghĩa của ông ta, bèn cho xuất ra một ngàn cân vàng, mười đôi ngọc bích, một trăm xe tứ mã để ông ta đem tặng cho nước Triệu. Thế là Triệu vương xuất mười vạn tinh binh, chiến xa ngàn chiếc giúp cho nước Tề xuất chiến.

Nước Sở suốt đêm lui binh mà chạy.
(Sử kí)

Suy tư:

     Cậy nhờ thì nhiều mà lễ vật thì ít, theo thói thường của người đời thì nhất định là không “hợp lẽ đạo”, do đó, lễ vật luôn phải cân xứng với việc cậy nhờ, việc cậy nhờ càng to tát, thì lễ vật càng phải lớn hơn.

     Nếu lấy “lẽ đạo” trên đây mà áp dụng vào đời sống tâm linh của mỗi người trong chúng ta, thì e rằng, trên thế gian này, từ nguyên tổ A dong và bà E va cho đến người sống cuối cùng đến ngày tận thế, thì chẳng một ai được lên thiên đàng, được hưởng ơn cứu độ. Bởi vì chúng ta có lễ vật gì để dâng cho Thiên Chúa ? Chúng ta có công trạng gì để cầu xin với Chúa ? Không có gì cả, chỉ là thân phận trần truồng của một tội nhân mà thôi.

     Và để được hưởng ơn cứu độ, lễ vật của chúng ta dâng lên Thiên Chúa hôm nay thì rất nhỏ nhưng rất lớn: nhỏ vì chúng ta chỉ có những hy sinh tầm thường cộng với những thấp hèn yếu đuối tội lỗi của cá nhân; rất lớn là vì chúng ta cậy vào công nghiệp của Đức Chúa Giê-su –Con Một của Thiên Chúa, Anh Cả của chúng ta- Mà đã cậy vào Đức Chúa Giê-su thì ai dám chê là lễ vật nhỏ mọn nữa chứ ?
     “Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin cho con luôn biết cậy vào Đức Chúa Giê-su, chứ không phải cậy vào sức riêng của mình để được Chúa xót thương.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư