THÊM CHỮ ĐƯỢC CON LỪA
Đại thần nước Ngô là Gia Cát Cẩn,
mặt của ông ta dài như mặt con lừa.
Một hôm, Ngô vương là Tôn Quyền
bày yến tiệc khoản đãi bá quan văn võ, kêu người dắt lại một con lừa nhỏ, trên
mặt lừa treo lên một phiếu thăm dài, phía trên phiếu đề bốn chữ: “Gia Cát Tử
Du”.
Đứa con bảy tuổi của Gia Cát Cẩn
là Gia Cát Khác quỳ ngay trước mặt Tôn Quyền thỉnh cầu:“Xin đại vương cho phép tôi viết thêm hai chữ nữa, được chứ ?”
Sau khi được Tôn Quyền cho
phép, đứa bé viết thêm hai chữ “con lừa” dưới chữ “Gia Cát Tử Du”, Tôn Quyền rất
vui mừng bèn đem con lừa thưởng cho nó.
(Tam
quốc chí)
Suy tư:
Sách Tin Mừng của thánh Lu-ca
đã viết về Đức Chúa Giê-su lúc Ngài mười hai tuổi như sau:“Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân
nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”.
Tuổi mười hai là tuổi tò mò,
hiếu kỳ, là khỉ con hay bắt chước hành động, lời nói của người chung quanh, nhất
là những người thân trong gia đình. Nó tò mò coi chị hai đánh phấn thoa son, có
dịp là bắt chước; nó kinh ngạc vì thái độ la lối thoá mạ của anh ba anh tư
trong nhà; nó càng không hiểu tại sao cha mẹ nó thường chưởi nhau và có khi cha
đánh mẹ...
Trẻ em là niềm vui của mọi người
trong gia đình, là sợi giây nối kết tình yêu giữa chồng vợ, là giọt nước mát
lòng chế ngự sự bất bình nóng giận của vợ chồng, nói tóm lại, trẻ em là thiên
thần đang đem niềm vui của Thiên Chúa cho chúng ta.
Do đó mà chúng ta có bổn phận
phải bảo vệ, chăm sóc và làm gương sáng cho trẻ em, mà gương sáng nhất đối với
trẻ em chính là cha mẹ: cha mẹ là thần tượng thứ nhất của trẻ em, và thật bi thảm
khi có một em bé không còn tấm gương sáng để soi, không còn một thần tượng để bắt
chước, bởi vì cha mẹ đã ly dị...
Thiên Chúa không “độc quyền”
ban sự khôn ngoan cho trẻ em, nhưng Ngài –trước hết- là ban cho cha mẹ, để qua
sự khôn ngoan của cha mẹ mà các em được học sự khôn ngoan của Ngài; Thiên Chúa
cũng không trực tiếp ban ân sủng cho trẻ em, nhưng qua đời sống tốt lành của
cha mẹ, con cái sẽ nhận được ân sủng của Ngài...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư