Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Siểm đạo nịnh Phật


SIỂM ĐẠO NỊNH PHẬT


Có hai người họ Khích thờ đạo giáo, hai người họ Hà tin theo đạo Phật, đều đem đồ ăn đến cúng tế trước tượng thần mà mình tin theo.
Tạ Trung lang nhìn thấy như vậy thì cười, nói:



“Hai người họ Khích thì siểm đạo, hai người họ Hà thì nịnh Phật.”
 (Hài cự lục)

Suy tư :

“Siểm đạo nịnh phật” tức là nịnh hót cái tôn giáo mà mình tin thật.
Có một thời người ta theo đạo là vì để có gạo mà ăn, cho nên mới có câu: “đạo gạo”, những người theo “đạo gạo” là những người không biết thế nào là đức tin, và thế nào là Thiên Chúa. Thiên Chúa của họ là người đang cho họ gạo ăn, đang ban cho họ chức quyền và địa vị, cho nên khi những kẻ quyền thế sụp đổ, thì những người theo “đạo gạo” ấy cũng bỏ luôn đạo của mình vì hết...gạo ăn.

Những kẻ “siểm đạo nịnh phật” thì thời nào cũng có, dấu hiệu để nhận ra những người này là họ nói rất “có lý” về lý do bỏ đạo của họ, họ nói rằng họ cũng là gia đình đạo dòng, cha mẹ đều có đạo, cũng đã được rửa tội, cũng có tên thánh, cũng một thời đi lễ nhà thờ.v.v... nhưng dù họ nói như thế nào chăng nữa, thì câu cuối cùng họ sẽ nói: “Tôi thấy đạo nào cũng hay cũng tốt cả, đạo nào cũng dạy con người ta ăn ngay ở lành, đạo Chúa cũng vậy mà đạo Phật cũng vậy...”
“Siểm đạo nịnh phật” cũng là những người lấy tôn giáo làm bức bình phong để che giấu hành vi bất chính của mình, họ thường kiêu hãnh khoe với người hàng xóm là mình đạo gốc, mỗi ngày đều đi nhà thờ, nhưng đối với những người đi vay nợ của họ thì họ nói: “Chúa dạy phải yêu thương người, thấy mấy người nghèo khổ tôi thương hết sức nên dù không có, tôi cũng ráng cho mấy người vay...”, nhưng đằng sau những lời “dễ nghe” ấy là cả một gánh nặng cho người nghèo vay nợ: tiền lãi nặng quá mức.

Người Ki-tô hữu chân chính là người không biết “siểm đạo nịnh...Chúa”, nhưng họ biết làm cho đạo mà họ tin theo trở thành con đường tốt nhất đưa họ đến cùng Thiên Chúa, đó chính là việc họ sống chan hòa bác ái với mọi người; trên đường (đạo) họ đi, họ gặp được và nhìn thấy Đức Chúa Giê-su ngay trong chính người anh em chị em cùng đồng hành với họ.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư