Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


58.      THAM Ô THÂU NHẬN

Giữa năm Chính Đức đời nhà Minh, lúc Trần Dân Vọng làm bộ thú Hoàng Châu, thì sửa lại toàn bộ gác treo trống[1], và viết nổi lên trên hai chữ “hùng tráng.”

Cùng phòng thủ Hoàng Châu có Vương Khanh là người Thiểm Tây, lâu nay có tiếng rất là thanh liêm, sau khi nhìn thấy đề viết, thì nói với một người tên là Quách Chấn Khanh:

-      “Cái gì gọi là ‘hùng tráng’[2]. hử ?” phát âm theo tiếng của quê tôi thì là ‘tham ô’[3] đấy chứ !”

Quách Chấn Khanh cười ha ha.

Lại có một lần, phía trên phủ Thiệu Hưng có treo một bức hoành, viết hai chữ “mục ái”[4], Thiết Biên Tu nói với các thủ lệnh rằng:

-      “Bức hoành này nên đem bỏ đi, từ phía dưới mà nhìn lên thì không phải là chữ ‘thu nhận’ sao ?”

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 58 :

Chữ nghĩa tự nó đã nói lên nhiều ý nghĩa, nhưng ý nghĩa sẽ trở nên tệ hại hơn khi người có tâm hồn tệ hại muốn “chơi” người khác.

Có những người thành thật hiền từ đã bị người dùng chữ nghĩa để hại mình vào vòng lao lý; có những người lợi dụng chữ nghĩa để chửi bới bôi nhọ người khác; lại có người đem cái học thức của mình đặt vào trong chữ nghĩa để vu khống người này và buộc tội người kia…

Chữ là nghĩa, nhưng con người ta đã dùng tâm hồn ích kỷ của mình làm cho nó trở thành con dao hai lưỡi, một lưỡi đâm người này và một lưỡi nịnh người kia; một lưỡi chửi người này và một lưỡi khen người kia, làm cho thiên hạ tán loạn vì chữ nghĩa tối đen do ảnh hưởng tâm hồn đen tối của mình.

Người Ki-tô hữu có một loại chữ nghĩa sắt bén hơn con dao hai lưỡi, đó là chữ nghĩa của Thánh Kinh, chữ nghĩa này sẽ là quan tòa nghiêm khắc cho những ai dùng nó để bôi nhọ, chửi bới và nhục mạ tha nhân; nó cũng làm cho những ai yêu thích nó được sự sống đời đời.

Chữ và nghĩa phải đi đôi với nhau, cũng vậy, hiểu và thực hành Lời Chúa phải trở nên như cơm ăn nước uống hằng ngày của chúng ta –người Ki-tô hữu- vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Gác treo trống để đánh cầm canh.

[2] 壯觀 phát âm là “zhuang quan” nghĩa là hùng tráng.

[3] 贓官phát âm là “zang quan” nghĩa là quan tham ô, “zang quan” và “zhang quan” phát âm hơi giống nhau nên nghĩa khác nhau.

[4] Chữ 牧愛 đứng phía dưới nhìn lên thì hơi giống chữ 收受 nghĩa là thu nhận, hai câu trên ghép lại nghĩa là: quan tham ô thu nhận...