Thứ Ba, 19 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


59.      UY LỰC CỦA CÀNH GAI

Đời nhà Tùy lúc Yên Vinh làm đốc quân tổng quản tại U Châu, thì thường ngược đãi thuộc cấp.

Một hôm, ông ta đang đi tuần hành, nhìn thấy một bụi gai vừa dài vừa thô bèn ra lệnh cho người chặt nó, cầm trong tay khua khua vẫy vẫy và kêu một tên bộ thuộc sứ đến rồi dùng sức đánh nó để thử uy lực của cành gai.

Người ấy trình bày mình không có tội gì, Yên Vinh nói:

-      “Vậy thì từ này về sau nếu mày có phạm tội lại thì được xá  miễn, cùng nhau bù trừ ấy mà”.

Không lâu sau, con trai của người ấy phạm một sai lầm nhỏ, Yên Vinh lại muốn đánh nó, người ấy lại trình bày nói:

-      “Lần trước tiểu nhân được đại nhân tự mình nói là có tội sẽ được xá miễn mà”.

Yên Vinh giận dữ nói:

-      “Hồi trước mày không có phạm lỗi mà vẫn cứ bị trách phạt, huống chi bây giờ mày có phạm lỗi !”-

Thế là lại nhặt cành gai lên đánh rất ác.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 59 :

Có nhiều nghệ nhân biến cành gai trở thành bình hoa đẹp và có tính nghệ thuật, bởi vì cành gai tự nó không có uy lực gì nếu con người ta không lợi dụng các cái gai của nó để làm điều thất đức hại người.

Cành cây có gai không nguy hiểm vì ai cũng thấy mà tránh, nhưng lòng người mà có gai thì đúng là đáng sợ, bởi vì không ai thấy được “cái gai nhọn” trong tâm hồn của người khác mà tránh.

Tâm hồn của người Ki-tô hữu nhất định là không có gai nhọn để đâm người khác hoặc để làm hại người khác, nhưng tâm hồn họ thường bị những cành gai của người khác châm đến rướm máu: cành gai ghen ghét của anh em chị em trong cộng đoàn, cành gai kiêu ngạo của cấp trên, cành gai nóng nảy và hờn giận của tha nhân, cành gai bất hợp tác của người đồng nghiệp…

Cành gai ở trong tay người kiêu ngạo và ghen ghét thì có uy lực hại người, nhưng cành gai nằm trong tay của người Ki-tô hữu thì trở thành vòng hoa yêu thương và vinh quang như vòng gai trên đầu của Đức Chúa Giê-su vậy.

Đạo lý này ai hiểu được ?

Thưa, chỉ có những người Ki-tô hữu khiêm tốn mới hiểu được trọn vẹn.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)