Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


64.      ĐẠT LỖ HOA XÍCH

Thời nhà Nguyên, người Hán không thể đảm nhận những chức chính quan, nhưng thực quyền đều do người Mông Cổ nắm trong tay, nên các châu phủ đều thành lập “đạt lỗ hoa xích”[1], họ không truyền đạt bằng ngôn ngữ, nên khi nói chuyện thì phải dùng đến thông dịch.

Ở Giang Nam có một tăng nhân, điền xã bị cường hào xâm chiếm nên viết thư tố tụng, các phú hào biết được nên hối lộ cho quan phiên dịch, Đạt Lỗ Hoa Xích hỏi nhà sư tố tụng chuyện gì ?

Người dịch trả lời:

-      “Tăng nhân nói: mấy cái trời hạn này, lão tăng tình nguyện tự thiêu để cầu mưa, xin giữ lời hứa”.

Đạt Lỗ Hoa Xích phấn khởi tán thành tăng nhân, ra lệnh đem mẫu đơn để kiện tụng đến. Người phiên dịch lập tức lén thay đổi trình tự của đơn kiện tụng, Đạt Hoa Lỗ Xích không hiểu chữ Hán, nhưng vẫn cứ làm bộ làm tịch xem qua một lượt, cầm bút phê:

-      “Có thể”.

Tăng nhân không biết là người phiên dịch làm trò láu cá, nên bị hơn mười người kéo ném vào trong lửa đốt cháy mà chết.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 64 :

        Ngôn ngữ là chìa khóa để mở cánh cửa tri thức của con người, nó cũng là “con mắt” để nhìn thấy thế giới bên ngoài của con người, cho nên nó sẽ là một “đại họa” cho người không biết chữ trong xã hội hôm nay.

        Truyền giáo, trước tiên là phải biết ngôn ngữ địa phương nơi mà mình đến phục vụ, nếu không nó cũng là một “đại họa” cho những người truyền giáo. Dù cho chúng ta có trong tay mấy cái văn bằng tiến sĩ nhưng ngôn ngữ của người địa phương anh không biết nói thì các bằng tiến sĩ ấy chỉ có...xếp giàn khói, dù cho chúng ta có thông thiên văn giỏi địa lý, mà chúng ta không hiểu biết ngôn ngữ của của người bản xứ địa phương mà chúng ta đến truyền giáo thì cũng vô ích...

        Truyền giáo trước tiên là nói rồi đến thực hành nên mới gọi là “ngôn hành”, sau đó thì ngôn hành đi đôi với nhau gọi là ngôn hành nhất nhất.

        Không biết ngôn ngữ thì không thể truyền đạt giáo lý cho người địa phương, không biết ngôn ngữ thì không thể diễn đạt những kiến thức mà mình đã học được khi nhận văn bằng tiến sĩ...

        Có một vài linh mục đi truyền giáo nhưng không chuyên tâm soạn bài giảng, cho nên khi giảng bằng ngôn ngữ của người bản xứ thì họ không hiểu gì cả, hoặc có soạn nhưng vì tự ái mà không nhận những góp ý của người khác, nên khi giảng thì giống như tra tấn lổ tai người bản xứ bởi vì họ không hiểu cha chủ tế giảng gì...

        Giáo dân người bản xứ rất hiểu và thông cảm cho các linh mục người ngoại quốc nên họ vui vẻ cố gắng hiểu ý bài giảng của các ngài, nhưng không phải vì thế mà chúng ta tự hào là đã giảng bài giảng hay mà không chuẩn bị. Nếu không chuẩn bị bài giảng thì coi như chúng ta coi thường giáo dân bản xứ, và cuối cùng thì họ có hai cách phản ứng: một là nói thẳng (góp ý) với các linh mục là nên cố gắng học hỏi, hai là họ bỏ nhà thờ để đi qua nhà thờ khác dự lễ để nghe giảng dễ dàng hơn...

        Khiêm tốn để học hỏi chính là giảm bớt được một “đại hoạ” cho mình và cho giáo dân nơi địa phương mình truyền giáo.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Tên của một chức quan, ý của nó giống như là tổng quản lý.