TẤM BIA KHÔNG CÓ CHỮ
Năm Thiệu Hưng thứ 9 thời Nam
Tống, những người buôn bán đổ về Hà Nam tăng thêm nhiều. Có rất nhiều thương
nhân mang tấm bia khắc giữa năm Tần Hán từ Trường An đến bán cho Sĩ Đại Phu để
được giá cao.
Có một người họ Vương ở Đông
Bình, một hôm, cầm một cặp bia đến nói với người Hà Nam rằng : “Gần đây tôi được một tấm bia rất là kỳ lạ.”
Người ta nhìn thấy tấm bia đá
chưa điêu khắc, một chữ cũng không, nhưng thấy họ Vương cứ khen lấy khen để,
thì cho rằng nó không giống với các loại bia khác, liền hỏi ông ta:
- “Tấm bia này thuộc thời đại nào thế nhỉ ?”
Họ Vương úp úp mở mở rất lâu
mà cũng không trả lời được, người nọ bèn nói:
-
“Nhưng tôi biết tên
của tấm bia này, nó gọi là “bia vô danh”, rất hợp với sự khen ngợi của ông”.
Những người đứng chung quanh đều
cười lớn và giải tán.
(Phủ Chưởng lục)
Suy tư:
Khen ngợi là việc phải có
trong giao tiếp, nhưng không phải lúc nào cũng khen người khác, bởi vì như thế
thì lời khen sẽ mất dần giá trị của nó.
Ở đời có rất nhiều kiểu khen:
khen để động viên người khác, khen để nịnh cấp trên, khen để lấy lòng ông chủ,
khen để ra vẻ ta đây cũng biết thưởng thức cái đẹp (nhưng thật ra chỉ a dua
theo lời khen của người khác), khen để tâng bốc mà chúng ta thường nói là cho
“đi tàu bay giấy”...
Con người ta cũng có nhiều
cách khen: có người thích khen người khác trước mặt, có người thích khen sau
lưng, có người thích mua quà tặng để khen, có người chửi trước khen sau...
Đức Chúa Giê-su dạy cho chúng
ta một cách khen người khác, mà người được khen rất phấn khởi và người khen cũng
không áy náy khi khen, đó là: “Có thì nói có, không thì nói không”, bởi vì lời
khen chỉ có giá trị của nó khi người khen có tâm hồn thành thật biết nhận ra
cái đúng cái sai của tha nhân để khen và để góp ý, bởi vì “người chê ta mà chê đúng chính là bạn của ta, còn người khen ta mà
khen không đúng là kẻ thù của ta” vậy, bởi vì khi khen ngợi mà không trung
thực thì chẳng khác gì tấm bia không có khắc chữ vậy.
Ai hiểu thì hiểu !
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư