TĨNH TÂM MÙA CHAY 2017
CHO CỘNG ĐOÀN CÔNG GIÁOVIỆT NAM
GIÁO PHẬN ĐÀI TRUNG, ĐÀI LOAN
Chủ đề: HÃY XÉ LÒNG, ĐỪNG XÉ ÁO
Cha giảng: Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Mở đầu:
-
Hát
kinh Đức Chúa Thánh Thần.
-
Đọc Lời Chúa trong sách tiên
tri Giô-en:
2, 12-18.
-
“Hãy xé tâm hồn chứ đừng
xé áo các ngươi”.
Bài trích sách Tiên tri
Giô-en.
Bấy giờ Chúa phán: Các
ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người
nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giầu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai hoạ.
Biết đâu Người sẽ trở lại, sẽ hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ hiến
tế dâng lên Chúa là Thiên Chúa các ngươi?
Hãy thổi kèn lên khắp
Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập một đại lễ, quy tụ dân chúng, ra lệnh mở đại
hội, tập họp các bô lão, quy tụ các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa. Tân lang
hãy ra khỏi nhà, và tân nương hãy ra khỏi phòng. Các tư tế là những kẻ phụng sự
Chúa, hãy đứng giữa cửa chính và bàn thờ mà than khóc và kêu lên rằng: Lạy
Chúa, xin thương xót dân Chúa, xin đừng để cho cơ nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng
để các dân tộc thống trị nó. Tại sao thiên hạ dám nói rằng: “Chúa của chúng ở
đâu?” Chúa đã nhiệt thành với xứ sở Người và đã tha thứ cho dân Người.
Ðó là lời Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm :
XÉ
TÂM HỒN
Mỗi người chỉ
có một tâm hồn, nếu xé đi thì còn gì là tâm hồn nữa, mà tâm hồn thì được con
người ta gán cho nhiều danh từ đẹp và xấu như: tâm hồn ăn uống, tâm hồn thoải
mái, tâm hồn bi quan, tâm hồn lạc quan, tâm hồn phóng khoáng.v.v...
Thế nhưng ngay
từ đầu mùa chay, Giáo Hội qua tiên tri Giô-en đã mời gọi chúng ta hãy xé lòng,
tức là xé tâm hồn ra từng mảnh để thấy cuộc đời khi thất vọng đau thương thì càng
cảm thấy cần đến tình thương của Thiên Chúa, bời vì khi chúng ta không còn biết
nương tựa vào ai nữa thì cảm nhận được rằng, chỉ có Chúa mới là niềm cậy trông
mà thôi.
“Hãy xé lòng” tức
là xé tâm hồn của mình giữa những hưởng thụ đam mê của cuộc sống, giữa những cô
đơn và thất vọng, giữa dòng đời bon chen lừa đảo. Xé lòng không có nghĩa là như
xé một tờ giấy hay một miếng vải, nhưng phải tưởng tượng mình đang xé tở bạc
500 ngàn đồng tiền Việt, hoặc xé 1000 đồng tiền Taiwan, hay 100 đồng đô la Mỹ...Bởi
vì khi xé những đồng tiền với mệnh giá lớn như vậy thì chúng ta cảm thấy tiếc
và không dám xé. Cũng vậy, xé tâm hồn là từ bỏ những thói quen mà chúng ta đã
làm đã nói trong cuộc sống hằng ngày...
Xé bỏ
lòng giận ghét.
Cuộc sống con
người chỉ muốn người ta yêu mến mình, tâng bốc mình, nịnh bợ mình, nhưng lại
ghét những ai nổi trội hơn mình, ghét những ai không về cùng phe cánh của mình,
ghét những ai nói to nói nhỏ về mính.v.v...
Mùa chay, Giáo
Hội mời gọi chúng ta hãy xé lòng, tức là làm ngược lại những gì mà ước muốn xác
thịt và ma quỷ đòi hỏi, đó là đem một tâm hồn hưởng thụ mà xé đi để ân sủng của
Chúa kiến tạo lại đẹp hơn mới hơn.
Xé gì ?
-
Xé sự
giận ghét chất chứa trong lòng vì những thành tựu của anh chị em bạn bè.
-
Xé
toang sự hiềm tỵ do lòng ghen ghét tha nhân mà có, sự hiềm tỵ này là chất độc
làm cho tâm hồn của chúng ta chết dần tình yêu và sự thông cảm giữa người với
nhau, nó như bệnh truyền nhiễm lây lan từ tâm hồn này đến tâm hồn khác, mà nếu
ai không biết cầu nguyện thì sẽ không có lá chắn nào để ngăn chặn sự ô nhiễm độc
hại bời lóng ghen ghét.
-
Sự ghen
ghét này ngay từ thuở tạo dựng đã có, đó là Ca-in vì ghen ghét mà giết em mình
là A-ben, rồi từ đó sự ghét ghen đã luôn trở thành khí cụ để ma quỷ phá hoại
chương trình cứu độ của Ngài trên mỗi người chúng ta.
Xé bỏ
sự kiêu ngạo trong lòng.
Đức Chúa Giê-su vì tội lỗi của chúng ta mà đã xuống
thế làm người, chịu khổ hình thập giá, chịu chết và sống lại để chúng ta được sống
đời đời, đó chính là ơn cứu độ của chúng ta.
Chình
sự kiêu ngạo của các thiên thần đã hủy hoại chính mình không những trở thành ma
quỷ và còn trở thành đối nghịch với Thiên Chúa.
Chính sự kiêu
ngạo đã làm cho chúng ta –trong cuộc sống hằng ngày- trở thành đối nghịch với
Thiên Chúa và với anh chị em mình, sự kiêu ngạo đã che mắt tâm hồn của mình để
chúng ta không còn nhìn thấy những ưu điểm của anh chị em, không còn thấy thiện
chí của tha nhân để cộng tác. Sự kiêu ngạo là hàng rào chắn kiên cố ngăn cách
chúng ta không nhận thấy được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, lại càng
không chấp nhận giá trị việc làm của anh chị em, và dễ dàng phủ nhận những tài
năng của tha nhân đã thực hiện...
Khi xé bỏ sự
kiêu ngạo trong lòng thì chúng ta nhổ từng cái đinh nhọn do chính tội lỗi của
chúng ta hoặc tội lỗi của người khác ra khỏi cây thập giá, để cho Đức Chúa
Giê-su được “tự do” thực hiện ơn cứu độ nơi anh chị em của mình...
Xé bỏ lòng chai đá cứng cỏi với ơn Chúa.
Thiên Chúa hằng yêu
thương chúng ta, Ngài luôn ban ơn cho chúng ta trong cuộc sống để chúng ta làm
tròn bổn phận của mình, đó là bổn phận của người con của Chúa. Giáo Hội là thân
thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su, là mẹ hiền của chúng ta, hằng năm Giáo Hội hội
mở kho tàng ân sủng của Chúa ra để ban ơn cho con cái mình, nhất là trong Mùa
Chay Thánh là mùa Chúa tuôn tràn ân huệ cho con cái Ngài gấp bội, để chúng ta
trở về với Chúa, từ bỏ con người cũ của mình, chết cho tội và để sống lại với Đức
Chúa Giê-su phục sinh.
Có rất nhiều lần chúng ta đã lòng chai dạ đá trước lời mời gọi
hoán cải của Chúa, đã rất nhiều lần chúng ta đã nghe theo lời của thế gian, của
bạn bè xấu mà không nghe lời của Chúa qua Giáo Hội, qua các chủ chăn của mình để
sống thỏa mãn với xác thịt mỏng dòn yếu đuối trước những cơn cám dỗ. Sự chai đá
này có rất nhiều nguyên nhân, mà các nguyên nhân này thường làm cho chúng ta thờ
ơ trước Lời Chúa mời gọi:
a/
Thiếu đời sống cầu nguyện.
Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn kẻo sa chước
cám dỗ. Tại sao vậy, thưa vì là sự cám dỗ không phải chỉ đến 1 lần trong ngày,
nó cũng không nghỉ ngơi hay đình chiến, nhưng nó liên lĩ cám dỗ chúng ta rời xa
Thiên Chúa là Đấng hằng yêu thương và sẽ ban cho chúng ta; bởi vì ma quỷ là kẻ
xảo quyệt nó không ngừng cám dỗ chúng ta dưới mọi hình thức, đó là lý do mà Đức
Chúa Giê-su dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn.
Người luôn cầu nguyện là người ý thức được mình là người mỏng
dòn dễ sa ngã, là người mà ma quỷ rất khó chịu, bởi vì khi chúng ta cầu nguyện
là chúng ta đang trò chuyện với Đức Chúa Giê-su đang ngự trong tâm hồn chúng
ta, Ngài ở đó lắng nghe, ban ơn và an ủi chúng ta. Người cầu nguyện là người
luôn có tâm hồn sẵn sàng nghe tiếng của Chúa phán qua mọi hoàn cảnh, là người
nhạy bén với ơn Chúa trong cuộc sống của mình...
b/ Thiếu sự tham dự thánh lễ.
Thánh lễ là đỉnh cao của
việc thờ phượng Thiên Chúa của Giáo Hội Công Giáo, là việc làm công khai của toàn
thể dân Chúa trên thế gian này qua vị đại diện của Chúa, của Giáo Hội là các
linh mục. Thánh lễ chính là suối nguồn tình yêu và ân sủng của Chúa tuôn đổ
trên chúng ta qua lời cầu xin của Giáo Hội nhờ Đức Chúa Giê-su dâng lên Chúa
Cha.
Thánh lễ dù là chúa nhật hay ngày thường thì cũng giá trị như
nhau, là chính Đức Chúa Giê-su chủ tế và là của lễ dâng lên Chúa Cha xin Ngài
tha tội và thương xót chúng ta.
Trong thánh lễ chúng ta được rước Mình và Máu Thánh của Đức Chúa
Giê-su là lương thực hằng sống nuôi linh hồn chúng ta, người Ki-tô hữu coi thường
việc dâng thánh lễ là coi thường phúc trường sinh mà Đức Chúa Giê-su đã hứa,
linh hồn họ không được sống khỏe mạnh vì không ăn Thịt và Máu của Đức Chúa
Giê-su. Khi chúng ta rước lễ là chúng ta được kết hợp với Đức Chúa Giê-su,
nghĩa là thịt của Đức Chúa Giê-su sẽ là thịt của chúng ta, máu của Ngài cũng sẽ
là máu của chúng ta, như lời của Đức Chúa Giê-su dạy: ai ăn Thịt Ta và uống Máu
Ta thì Ta sẽ ở trong người ấy và người ấy sẽ ở trong Ta. Lời hứa này đã được thực
hiện khi chúng ta đi rước lễ kết hợp với Đức Chúa Giê-su trong Thánh Thể.
c/ Thiếu tính bác ái huynh đệ.
Giáo Hội là cộng đoàn dân thánh
của Chúa, trong cộng đoàn này chúng ta đều là huynh đệ với nhau và được mời gọi
nên thánh, từ trong cộng đoàn này chúng ta trở thành những chi thể của thân thể
mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su, mà đầu chính là Ngài.
Ngay từ thời buổi đầu của Giáo Hội, đời sống “một lòng một ý” của
giáo dân đã làm cho họ trở nên mạnh mẽ trong đức tin và đức mến, họ sẵn sàng
nâng đỡ nhau khi hoạn nạn gian nan và bị bắt bớ, họ không còn là những người xa
lạ nữa, nhưng trong đức tin họ trở thành anh em chị em của nhau.
Khi trong cộng đoàn thiếu vắng tình huynh đệ thì cộng đoàn ấy sẽ
trở thành miếng mồi ngon của ma quỷ và những thế lực chống phá Giáo Hội. Chính
sự thiếu vắng tình bác ái với nhau mà những anh chị em trong cộng đoàn trở
thành những người xa lạ, thậm chí coi nhau như kẻ thù, đó chính là một trong những
nguyên nhân làm cho lòng dạ chúng ta chai đá trước lời nời gọi nhận lãnh ơn
Chúa của Giáo Hội và của anh chị em mình. Không ai có thể tự mình nên thánh nếu
không có ơn Chúa giúp, cũng vậy chúng ta chỉ thật sự nên thánh khi đời sống bác
ái của chúng ta trỗi vượt hơn những người khác, nhờ đời sống cộng đoàn huynh đệ
mà đức bác ái của mỗi người được thực hiện và thăng tiến, nhờ bác ái thăng tiến
mà tâm hồn chúng ta dễ dàng đón nhận ơn thánh Chúa và tâm hồn chúng ta không
còn chai lì nữa vì gương sáng của anh chị em trong cộng đoàn của mình.
ĐỪNG XÉ ÁO
Trong cuộc sống
hằng ngày chúng ta thường nhìn cách ăn mặc của người khác để mà đánh giá con
người của họ, mặc dù chúng ta biết rằng cái
áo không làm nên thầy tu. Tuy cái áo không làm nên thầy tu, nhưng
con người vẫn cứ luôn lấy cái áo làm thước đo lòng và đo độ cao danh vọng,
nghèo hèn của người khác. Vì thế mà trong cuộc sống có nhiều người xé áo của
mình để chứng tỏ mình là người công chính ngay thẳng, nhưng thật ra tâm hồn của
họ đầy những gian dối và bất công.
Anh công nhân khoác lên mình cái áo công
nhân và khi cần thiết cho cuộc trốn khỏi công ty thì chỉ việc vứt bỏ cái áo hoặc
xé bỏ nó để che dấu thân phận công nhân của mình; người bác sĩ sẽ rất dễ dàng cởi
áo trắng bác sĩ của mình vì lợi ích cá nhân hơn là vì bệnh nhân; cũng có những
người dâng mình làm tôi Chúa tuy khác trên mình chiếc áo dòng hay chiếc áo
chùng thâm đen, nhưng khi vì quyền lợi cá nhân, vì danh vọng, vì kiêu ngạo mà
xé luôn cả áo tu sĩ của mình (nghĩa bóng).v.v...
Xé một cái áo
đã cũ thì dễ dàng hơn xé cái áo mới.
Cũng vậy, người
ta dễ dàng thề thốt lấy danh dự mình ra thề để che lấp cái xấu xa trong lòng
mình, và con người ta thì chỉ nhìn vẻ bên ngoài để khen chê mà thôi, cho nên
tiên tri Giô-en đã cảnh cáo chúng ta hãy
xé lòng mà đừng xé áo, bởi vì có nhiều người xé áo của mình nhưng vẫn cứ sống
như người không biết Thiên Chúa là ai.
Xé áo chính là
lời thề thốt, xé áo chính là những cử điệu đạo đức bên ngoài, xé áo chính là lời
xin lỗi gian dối để được lòng người, xé áo chính là miệng nói lời ngon ngọt
nhưng trong lòng thì đầy cả bồ dao găm.v.v ...hôm nay xé áo ngày mai mua lại
cái mới hơn để lòe loẹt thiên hạ và anh chị em mình. Cũng có nghĩa là khi chúng
ta chỉ xé cái áo bên ngoài, tức xé cái có thể xé và có thể mua lại, thì chẳng
khác chi chúng ta miệng nói chừa bỏ, miệng nói xin lỗi nhưng sau đó thì vẫn cứ
chứng nào tật đó không thay đổi.
Thiên Chúa
không muốn chúng ta xé áo mình, Ngài cũng chẳng muốn chúng ta đứng trước mặt
anh chị em mà xé toạc áo mình rồi tuyên bố tôi là người vô tội, vô can với người
anh chị em của mình. Nhưng Chúa muốn tôi cứ mặc lấy áo của mình -dù là áo cũ,
áo xấu xí- và xé tâm hồn của mình rướm máu vì những tội lỗi mà chúng ta xúc phạm
đến Chúa và tha nhân.
Xé áo thì tâm hồn
không đau mà chỉ tiếc cái áo mới mua, nhưng xé tâm hồn thì thân xác và tâm hồn
cùng đau, nhưng là nỗi đau của vui mừng, nỗi đau của sự sống lại, bởi vì hạt
lúa mì rơi xuống đất mà không mục nát thì sẽ không thể sinh nhiều hạt khác được...
Mùa chay thánh
năm nay, chúng ta hãy cùng nhau cầu xin ơn Chúa giúp để chúng ta cùng quyết tâm
xé lòng mình chứ không xé áo, để chúng ta cùng chết và cùng sống lại với Đức
Chúa Giê-su phục sinh.
Xét mình.
1/ Trong cuộc sống tôi
có phân biệt được xé lòng và xé áo không ?
2/ Cuộc sống có nhiều
cám dỗ làm cho chúng ta không muốn nghe Lời Chúa dạy bảo, tôi có thật lòng xé
lòng để nghe theo Lời Chúa không ?
3/ Mùa chay đối với tôi
có ích gì cho việc xé lòng xé áo không ?
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Quản nhiệm cộng đoàn Việt Nam
Taichung-Taiwan