Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Đi mà bán mận

ĐI MÀ BÁN MẬN
 
 

Vương Nhung Sinh tính rất keo kiệt, trong nhà có một cây mận rất tốt, lúc thu hoạch thì không dám ăn mà muốn bán đi để kiếm tiền, nhưng ông ta lại sợ người ta được hạt giống của cây mận.

Do đó mà tất cả mận trước khi đem đi bán đều bị ông ta chọc thủng lấy hột.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Cây trường sinh “biết lành biết dữ” trong vườn địa đàng đã trở nên cớ vấp phạm cho nguyên tổ của chúng ta; cây mận không phải là loại cây hiếm có, nhưng nó đã trở nên cớ vấp phạm cho những người có bụng dạ keo kiệt, tham lam...

     Người có lòng tham thì luôn không thoả mãn những gì mình có và luôn so sánh của cải mình với của cải của người khác; người có tính keo kiệt thì trở nên bủn xỉn với cả bản thân mình, vì sợ hao tiền tốn của mà không dám bồi bổ sức khoẻ cho mình. Người luôn bủn xỉn keo kiệt với bản thân, thì không thể nào có lòng bác ái yêu thương giúp đỡ người khác, đối với họ, câu nói “yêu thương anh em như chính mình” thì thật là xa lạ, và nơi họ không có khái niệm giúp đỡ, yêu thương người khác, cứu giúp.v.v...

     Tôi là một người Công Giáo, có nghĩa là tôi đang mang trên mình một sứ mệnh phục vụ và một thông điệp yêu thương, nhưng nếu tâm hồn tôi vẫn cứ keo kiệt, tham lam, thì không một ai biết tôi là môn đệ của Đức Chúa Ki-tô.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư