LỪA KÊU ĐƯA TANG
Lúc Vương Trung Tuyên còn sống
rất thích học tiếng lừa kêu, sau khi chết, Văn đế đích thân đi tham dự lễ nghi
tống táng Vuơng Trung Tuyên, và nói với những người tham dự lễ:
-“Vương Trung Tuyên khi còn sống học tiếng lừa kêu rất hay, bây giờ các ngươi mỗi người làm một tiếng lừa kêu, để tiễn đưa Vương Trung Tuyên”.
Thế là trong đội ngũ đưa tang
vang dậy những tiếng quái dị.
(Thế
Thuyết Tân Ngữ)
Suy tư:
Trong những lời cám ơn sau khi
tiển đưa người thân nhân quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng, tang chủ đều có thêm
một câu: “Trong lúc tang gia bối rối, có gì sơ suất, xin quý bà con bỏ qua...”
Có những người trong lúc tang
gia bối rối đau buồn, thì họ suốt đêm canh thức bên quan tài, thay vì đọc kinh
cầu nguyện, hoặc mặc niệm chia buồn với gia quyến, thì lại tổ chức bài bạc, hát
xướng, uống rượu, chửi tục...như là một đám hội hè không bằng.
Người chết họ không muốn chúng
ta làm như thế, hát hò họ không nghe được, thổi kèn tây kèn ta họ không biết
thưởng thức, cái mà họ rất cần nơi chúng ta chính là lời cầu nguyện và sự hy
sinh của mỗi người. Lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta như giọt nước mát an
ủi các linh hồn trong luyện ngục, và dể dàng chạm đến lòng nhân từ của Thiên
Chúa để Ngài giảm bớt các hình phạt cho linh hồn mới qua đời.
-“Ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng lễ đền tội; Ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hi vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho kẻ chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi.”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư