SỰ THẢN NHIÊN CỦA DẬT THIỂU
Lúc Hy Giám ở thủ đô có sai một
môn sinh đến chỗ ở của Vương thừa tướng để tìm chàng rể.
Thừa tướng nói với sứ giả của
Hy Giám:
-“Ông có thể đi đến nhà ngang phía đông tùy ý chọn lựa.”
Sau khi xem qua, môn sinh trở
về bẩm với Hy Giám:
-“Các nhi lang của Vương gia đều giỏi, chỉ có điều là sau khi nghe nói có người đến tìm chàng rể, thì đều cố ý làm ra vẻ trang trọng. Nhưng lại có một nhi lang không như thế, chàng ta hình như không nghe biết việc chọn tìm chàng rể, vẫn thản nhiên nằm bên trong”.
Hi công cảm khái phấn khởi, vỗ
bàn nói:
-“Chọn người thản nhiên”.
Về sau, người ấy chính là
Vương Nghĩa Chi.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)
Suy tư:
Trong Tin Mừng của mình, thánh
sử Mát-thêu đã dành hẳn một trang “cho” Đức Chúa Giê-su để Ngài quở trách những
kinh sư và người Pha-ri-siêu. Ngài quở trách họ, vì họ sống không đúng thực với
lời họ giảng dạy cho dân chúng; Ngài trách mắng họ, vì họ chỉ nói mà không làm;
Ngài quở trách họ, vì họ thích đi nghênh ngang giữa đám đông dân chúng ra vẻ...ta
đây.
“Khốn cho các ngươi, hỡi các
kinh sư và người Pha-ri-siêu giả hình ! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên
ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.”
Cái mả tô vôi thì ai cũng biết không có gì lạ, nhưng một con người trở thành
cái mả tô vôi thì thật khủng khiếp, bởi vì họ dùng một thứ đạo đức giả làm bình
phong che giấu tội ác, lấy sự nhã nhặn, niềm nở bên ngoài để che giấu thù hận
bên trong; lấy sự khiêm tốn giả tạo để che lấp tính kiêu căng, lấy yêu thương dối
trá để tô vẽ bộ mặt bên ngoài cho “hợp nhãn” với mọi người, nhưng bên trong thì
đủ mọi thứ xấu xa đê tiện...
Người ta sẽ gọi tôi là cái mả
tô vôi, nếu tôi sống không trung thực với mình, nếu tôi giữ đạo bên ngoài cho
có lệ, nếu tôi...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư