GIẾT NGƯỜI ĐẸP
Cuộc sống của Thạch Sùng rất
là xa xỉ, mỗi lần cùng khách dự tiệc thì nhất định phải để cho người đẹp chuốc
rượu, nếu người đẹp không thể làm cho khách uống được thì người đẹp bị tội chết.
Có một lần, Thạch Sùng làm tiệc
mời thừa tướng Vương Đạo và một vị đại tướng quân. Thường ngày Vương thừa tướng
rất ít uống rượu, nhưng ông ta biết Thạch Sùng có thói quen ác độc ấy, bèn miễn
cưỡng đến, ăn uống đến say mèm, mà vị đại tướng quân kia lại cố ý không uống, kết
quả là Thạch Sùng giết hết ba người đẹp.
Vương thừa tướng khuyên vị đại
tướng quân uống, đại tướng quân nói:
-“Hắn ta giết người của gia dình hắn, mắc mớ gì đén tôi chứ ?”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)
Suy tư:
Trong cuộc sống tiếp xúc hàng
ngày, thỉnh thoảng chúng ta có nghe câu nói: “Kệ nó, mắc mớ gì đến tôi chứ”. Nếu
tôi cũng nói như thế khi người anh em tôi sai lỗi, thì tôi có phải là con một
Cha trên trời với người anh em đó không ? Nếu ai cũng nói với tôi như thế khi tôi
sai lỗi, thì tâm hồn tôi có bằng an không, hay là tôi sẽ giận dữ thêm và càng
sai lỗi hơn nữa ?
Bác ái của người Ki-tô hữu
không phải chỉ là cứu giúp người khi họ đói khát, cũng không phải chỉ là thăm
viếng kẻ tù tội hay là bệnh nhân, càng không phải chỉ là đi khuyên bảo người có
tội trở lại.v.v... nhưng việc trước tiên của bác ái chính là “đồng cảm với những
yếu đuối của anh em”, cũng như Đức Chúa Giê-su đã đồng cảm với những yếu đuối
và khuyết điểm của chúng ta khi mang thân phận con người, để cứu chuộc chúng
ta.
Trong cuộc sống nếu tôi cứ dửng
dưng trước những sai trái của anh chị em tôi, nếu tôi cứ lạnh lùng nói với họ: “kệ
nó, mắc mớ gì đến tôi chứ”...thì Thiên Chúa cũng sẽ nói với tôi như thế: “Kệ
mày, mắc mớ gì đến Ta chứ”...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư