Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Ăn uống thả cửa

ĂN UỐNG THẢ CỬA


Từ Hối tham uống rượu và coi rượu như mạng sống, Trầm Bác Sư thì thích ăn thật no.
Có một người nọ trong nhà đều có cả hai thứ của hai người ấy gộp lại, nói:
-         “Tôi có phổi của nhà họ Từ và lá lách của nhà họ Trầm, ôi, thật vui vẻ !
                                                  (Hài Cự lục)
Suy tư:
     Thích ăn thích uống là một trong những cái “khoái” của con người, và từ cái “khoái” này mà phát sinh ra nhiều cái “khoái” khác không phù hợp với đời sống của Tin Mừng.
Tiết chế ăn uống là điều cần thiết cho đời sống tu trì, bởi vì khi thân thể được ăn uống thỏa thuê, thì cái không hay mà chúng ta thấy trước nhất đó là sự lười biếng. Thường sau một bữa ăn nhậu thì con người ta không muốn làm gì khác ngoài việc thích nghỉ ngơi, nghỉ ngơi sinh ra lười biếng làm việc, lười biếng làm việc sinh ra nghĩ ngợi những chuyện lung tung không mục đích, và có khi có những ý nghĩ tội lỗi, khi đã có những ý nghĩ xấu xa ấy nếu có dịp thì rất dễ dàng hành động đưa đến phạm tội...
     Đời sống tu trì là một chuỗi ngày dài tự nguyện và phấn đấu, tự nguyện dấn thân để phục vụ, để theo đuổi một sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa đã bày tỏ cho họ, mà họ đã nghe và nắm bắt được ngay trong sâu thẳm của tâm hồn. Cái tự nguyện này đòi hỏi họ phải phấn đấu với những thói quen đã trở thành nếp trong cuộc sống: phấn đấu với tính ươn lười, phấn đấu với những tình cảm chính đáng và không chính đáng, phấn đấu với chính cái tôi đầy ước muốn không phù hợp với đòi hỏi của sự tự nguyện, đó là sự tiết chế, sự hưởng thụ đời sống vật chất cách chính đáng của một con người.
     Mối thứ năm trong bảy mối tội đầu là “mê ăn uống”, có người giải thích “mê ăn uống” là ăn no rồi mà vẫn còn cố ăn thêm; người khác giải thích là hễ thấy ăn là sáng mắt; lại có người giải thích là bạ đâu ăn đó; cũng có người giải thích “mê ăn uống” là ăn như ăn cướp...
Tùy theo mức độ hiểu biết mà giải thích thì như thế, nhưng có một cách giải thích xác đáng và rõ ràng hơn mà chúng ta quên không giải thích, đó là “mê ăn uống” làm cho con người ta trở nên giống loài vật hơn là loài người, bởi vì loài vật chỉ biết ăn theo bản năng đói, chấm hết. Còn con người không những ăn theo bản năng đói mà còn có ý thức về sự ăn uống sao cho phù hợp với nhân cách của một con người, nhân cách của một tu sĩ, một linh mục khi ăn uống.
“Lạy Đức Chúa Giê-su, bốn mươi ngày ăn chay và cầu nguyện trong hoang địa của Chúa, đã mở đầu cho nhân loại chúng con biết thế nào là giá trị của ăn nuôi sống phần xác, nhưng không phải vì thế mà Chúa buông xuôi cho bản năng ăn uống để sinh tồn khi tên xúi giục đến cám dổ, nhưng Chúa đã can đảm khước từ và dạy cho chúng con một bài học: con người sống không phải chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ Lời Hằng Sống của Chúa.

Xin Chúa ban cho chúng con là những người dâng mình làm tôi Chúa trong thiên chức linh mục, trong bổn phận của một tu sĩ, biết hy sinh tiết chế những gì có thể làm cho chúng con mất đi sự sống đời đời và gây cớ vấp phạm cho tha nhân”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư