Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Động Thống đoạt áo

ĐỘNG THỐNG ĐOẠT ÁO
 
 

Úy Cảnh anh rể của Bắc Lưu Cao Tổ cậy thế bắt nạt người, tham ô nhận hối lộ, dân chúng phẫn nộ cực điểm, Cao tổ sai phái diễn viên cung đình là Thạch Động Thống đi khuyên bảo ông ta.

Một hôm, Thạch Động Thống vừa thấy Úy Cảnh thì không nói không rằng liền đoạt cái áo của y, Úy Cảnh không hiểu ra sao bèn hỏi:

-“Ngài làm gì mà lấy áo của tôi?”

Thạch Động Thống trả lời:

-“Ông có thể đoạt  lấy của cải trăm họ, lẽ nào tôi không thể đoạt lấy áo của ông sao ?”

Cao tổ cho rằng Thạch Động Thống nói rất có lí, bèn khuyên Úy Cảnh:

-“Ông có thể không tái phạm tội tham ô chăng ?”
(Bắc Tế thư)

 

Suy tư:

     Ở đời có vay thì có trả, đôi lúc vay ít mà trả nhiều vì phải trả cả tiền lời cho người ta nữa.

Ở đời nợ máu thì trả bằng máu, cho nên thù hận vẫn chồng chất thù hận, máu vẫn đổ và chiến tranh vẫn cứ chiến tranh.

     Có vay và có trả, đó là chuyện công bằng xã hội.

     Nhưng cái vay và cái nợ của người Ki-tô hữu thì không phải như thế: họ cho “vay” một ly nước lã, nhưng chính Thiên Chúa sẽ trả giúp họ mười ly, bởi vì họ nhìn thấy Thiên Chúa –qua người đi đường đang cơn khát nước- đến vay họ; người Ki-tô hữu “nợ” ai một ly nước, thì chính họ như mắc nợ người ấy một tình yêu siêu nhiên và họ cũng tìm cách “trả nợ” yêu thương ấy bằng những việc làm cụ thể như cầu nguyện, hy sinh và cho người khác “vay” lại.

     Như vậy, tình yêu cho đi là một “tình yêu dây chuyền sống động” được nối tiếp từ người này đến người nọ và tỏa lan cho đến tận bờ cỏi trái đất. Lúc đó sẽ không còn cảnh người bóc lột người, sẽ không còn cảnh “dựa hơi nhau” để chèn ép lẫn nhau, sẽ không còn cảnh nợ máu phải trả bằng máu nữa, bởi vì tất cả mọi người đều liên kết với nhau trong tình yêu của Thiên Chúa.

     “Tình yêu dây chuyền sống động” sẽ được bắt đầu từ anh, từ chị và từ tôi, bởi vì nếu chúng ta không cho “vay”, thì không có ai để trả “nợ”, nghĩa là nếu chúng ta không bắt đầu, thì sẽ không có ai tiếp tục...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư