CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH
Tin
mừng : Ga 21, 1-19
“Đức Chúa Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các
môn đệ; rồi cá, Ngài cũng làm như vậy.”
Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã sống lại, đó là niềm tin của
chúng ta và đó cũng là một thách đố cho nhân loại ngày xưa cũng như ngày hôm
nay, Ngài đã sống lại và đang hiện diện với bạn và tôi trong thánh lễ này trên
bàn thờ, khi chúng ta cùng nhau ăn Thịt và uống Máu của Ngài, và đó là dấu hiệu
để chúng ta nhận ra chúng ta đều là anh chị em với nhau trong Ngài. Trong niềm
xác tín ấy tôi xin chia sẻ với bạn hai điểm sau đây :
1. Bẻ bánh là tuyên xưng Đức Chúa Ki-tô đã sống
lại.
Thánh lễ được lập lại mỗi giây mỗi phút trên
khắp thế giới, nghĩa là nơi đâu có linh mục công giáo thì ở đó đều có thánh lễ,
đó là một bằng chứng cho thấy Đức Chúa Giê-su đã sống lại cách sống động nhất,
mà Giáo Hội luôn đề cao và mời gọi các tín hữu sốt sắng tham dự thánh lễ.
Nơi thánh lễ linh mục làm lại cử chỉ mà Đức Chúa
Giê-su thường làm với các Tông Đồ đó là cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra
và trao cho các ông ăn. Cử chỉ này Đức Chúa Giê-su đã làm trước khi chịu chết,
và Ngài vẫn làm sau khi từ cõi chết sống lại, và sẽ được Giáo Hội của Ngài
–Giáo Hội Công Giáo- tiếp tục làm (bẻ bánh) cho đến ngày Ngài lại đến trong
vinh quang, đó là hiến tế tạ ơn –thánh lễ-.
Đức Chúa Giê-su đã sống lại, và tấm bánh mà
chúng ta ăn chính là Mình Thánh sống động của Ngài, vì sống động nên trở thành
động lực thúc đẩy những ai ăn và uống Mình Máu Thánh ấy phải trở nên những công
cụ sống động phục vụ tha nhân, theo ý muốn của Đấng đã từ cõi chết sống lại là
yêu thương và phục vụ lẫn nhau, như Ngài đã rửa chân phục vụ các môn đệ của
mình.
2. Phục vụ là tuyên xưng Đức Chúa Ki-tô đã sống
lại.
Đức Chúa Giê-su đã sống lại, Ngài nướng bánh và
cá để phục vụ bữa ăn cho các môn đệ sau một đêm đánh cá mệt mỏi, Ngài tuy là Thầy
và là Chúa, nhưng Ngài đã phục vụ trong cung cách là người bạn chí thiết của
các môn đệ: bình dị và đầy yêu thương.
Ở đời có nhiều cách phục vụ: người bán hàng phục
vụ khách hàng là vì để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, họ phục vụ
không phải vì yêu thương khách hàng nhưng là vì túi tiền của họ; bác sĩ khám bệnh
chăm sóc bệnh nhân với cung cách là nghề bác sĩ; nhà giàu bố thí cho người
nghèo khi có dịp lễ hay vận động làm việc từ thiện; các “cò mối” phục vụ khách
hàng.v.v... đều là những người vì mình chứ không vì người.
Người Ki-tô hữu có nhiều cách để tuyên xưng Đức
Chúa Giê-su sống lại, nhưng cách hữu hiệu nhất là vì tha nhân và vì anh em mà
phục vụ như Đức Chúa Giê-su đã làm, bởi
vì không một xác chết nào biết phục vụ, nhưng phải là người đang sống mới biết
phục vụ người khác. Đức Chúa Giê-su đã chết và đã sống lại, nghĩa là Ngài vẫn
đang sống nên Ngài phục vụ trong chúng ta, và qua chúng ta mà mọi người nhận biết
yêu mến và kính thờ Ngài...
Anh chị em thân mến,
Trong giáo xứ của tôi đang phát động chương
trình mỗi ngày vào lúc ba giờ chiều tất cả cùng đọc “kinh Lòng Thương Xót” trong
năm thánh “Lòng Thương Xót” ngoại lệ này của Giáo Hội, đây là một nổ lực lớn để
cho mỗi người Ki-tô hữu và đặc biệt là mỗi người trong giáo xứ ý thức về sứ mạng
tông đồ của mình.
Từ trong gia đình cha mẹ và con cái “truyền
giáo” cho nhau, bằng cách phục vụ lẫn nhau như Đức Chúa Giê-su đã rửa chân phục
vụ cho các tông đồ của mình.
Bẻ bánh và phục vụ là hai điều kiện tiên quyết
để mọi người nhận ra Chúa Giê-su phục sinh, đang sống động trong công việc hàng
ngày của bạn và tôi, do đó mà chúng ta cần có một tâm hồn biết đặt phục vụ lên
trên mọi nguyên tắc, để ưu tiên phục vụ những người cần phục vụ, nhất là những
người bất hạnh trong xã hội hôm nay.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.