58. ĐÀN CỔ QUÝ BÁU
Công Chi Kiều dùng gỗ cây ngô đồng làm một cái đàn thân
dài, và tự cho rằng nó là nhạc khí tốt nhất trên thế gian, bèn cầm đi dâng cúng
cho triều đình, nhưng viên quan coi về nhạc nói nó không phải là cây đàn cổ nên
trả lại cho chủ nhân.
Công Chi Kiều không chịu, bèn kêu người đến vẽ một vài
hoa văn kiểu phong cách cổ xưa trên cây đàn, lại còn viết thêm vài chữ cổ và
làm cái tráp bỏ đàn bên trong rồi đem chôn dưới đất.
Một năm sau, đào cái đàn lên và ôm đến chợ để bán, có
một quan lớn mua với giá một trăm lượng vàng và đem về dâng cho triều đình. Đến
cửa nhà quan coi nhạc thì từng người từng người chuyền nhau coi cái đàn, tất cả
đều tán tụng cái đàn là loại tuyệt hảo hết ý:
-
“Tuyệt, tuyệt, đây đúng là cái đàn quý báu có một
không hai trên thế gian !”
(Úc
Ly tử)
Suy
tư 58:
Có một lần, nhà dòng nữ nọ có thánh lễ
và nghi thức vào Nhà Tập của các tuyển sinh, tôi phụ trách chụp hình, khi rửa
hình thì có hình xấu và có hình đẹp, tôi bèn đem các hình xấu đưa cho các Sơ
coi trước để coi họ phản ứng như thế nào ? Và họ đã chê hơn cả tôi dự đoán, chê
không còn gì để chê, chê hết lời và còn bỉu môi nữa là khác, hai tuần sau tôi gởi
đến cho họ những tấm hình đẹp, họ khen cũng hết lời và tâng bốc tôi lên tận...mây
xanh...
Con người là như thế, cái gì không có lợi
cho mình thì tất cả đều là xấu, cái gì có lợi cho cá nhân mình thì đều tốt, dù
người đó là các nữ tu đã từ chối sắc đẹp hồng trần, khước từ những thỏi son phấn
để khoát lên mình bộ tu phục thánh thiện dễ thương, cũng không thoát khỏi cái
sân si của người đời.
Cũng cái đàn không có giá trị ấy, bây giờ
chỉ làm cho nó cũ đi và viết vài chữ cổ vô nghĩa trên thân đàn mà giá trị tăng
lên gấp cả trăm lần, đúng là tâm tánh của con người.
Đừng để tâm hồn của mình tốt xấu theo vật
chất, nhưng bắt vật chất tốt xấu theo tâm hồn của mình, nghĩa là với một tâm hồn
lương thiện hiền hoà, thì dù cho mấy tấm hình có xấu cũng sẽ thành đẹp, vì
chúng ta không nhìn đẹp xấu nơi tấm hình mà là nơi tâm hồn của người đã hết
lòng vì chúng ta.
“Chân lý” này ai cũng biết, nhưng ít người thấu đáo lẽ
hơn thiệt của nó, bởi vì cái tôi của chúng ta vẫn còn quá lớn, lớn hơn cả đức
ái của mình.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)